(HBĐT) - Khi lên đến đỉnh Ca Lông có độ cao hơn 600 m so với mặt biển, mở ra trước mắt chúng tôi là một bình nguyên rộng lớn, một hồ nước trong xanh và từng nương ngô mướt mắt.

 

Không khí trở nên mát mẻ hơn, thoang thoảng mùi thơm của ngô non đang kỳ đọng sữa. Thấp thoáng trước sân nhà một vài cành đào đang nở hoa, khoe sắc trong nắng xuân 

 

Xóm khá vắng vẻ. Ông Xa Văn Thái, Trưởng xóm Ca Lông, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc đón chúng tôi bằng nụ cười chất phác: “Ban ngày bà con đi làm hết, bọn trẻ thì đến trường. Hôm nay, xã hẹn là có khách nên chúng tôi mới có nhà đấy. Cuối năm rồi, ai cũng muốn cố kiếm thêm cái gì đó để tết này có thêm chút quà cho bọn trẻ phấn khởi”. Nhìn ông Trưởng xóm tất tả đón khách, ông Bí thư Đảng ủy xã Đồng Chum tủm tỉm cười: “Cái thằng, làm gì mà khẩn trương như chạy mưa vậy. Từ từ kể cho mọi người nghe chuyện bà con lên đây lập xóm như thế nào cái đã”. Ông Thái nhìn một vòng mọi người rồi hăm hở vừa dẫn đường đến trung tâm xóm, vừa kể: Cuối năm 2008, xã đã lựa chọn và quyết định địa điểm trên đỉnh núi Ca Lông với lợi thế về mặt bằng, khí hậu để xây dựng xóm mới. Xóm Ca Lông được thành lập trên cơ sở di dân thuộc xóm Kế, xã Mường Chiềng và xóm Hà, xã Đồng Chum. Xóm hiện có 65 hộ dân, bình quân mỗi hộ có diện tích 7.000m2. Kết cấu hạ tầng cơ sở được Nhà nước đầu tư gồm đường giao thông, nước sinh hoạt, điện, thủy lợi, trường học... với tổng vốn khoảng 16 tỷ đồng. Mỗi hộ đến định cư được hỗ trợ 2 triệu đồng để di chuyển nhà, tài sản. Tuy nhiên, do mới chuyển đến định cư, hạ tầng cơ sở vẫn chưa thực sự ổn định, sản xuất nông nghiệp đang trong quá trình tìm tòi, lựa chọn cây trồng, ngành nghề sản xuất phù hợp để phát triển kinh tế, nên người dân xóm Ca Lông vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

 

Bí thư Đảng ủy xã Lường Văn Phón cho biết thêm: Đồng Chum là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc (Cách trung tâm huyện khoảng 70km), diện tích tự nhiên của xã chủ yếu là đất rừng phòng hộ. Sản xuất của nhân dân chủ yếu là nông nghiệp, song diện tích sản xuất lúa của chỉ có hơn 40 ha, nhân dân trông chờ vào cây chủ lực là ngô với diện tích khoảng 300 ha. Do đó, nhu cầu về việc mở rộng diện tích sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho nhân dân đã đặt ra yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã phải nghiên cứu đến vấn đề di dân, xây dựng vùng định cư mới, từng bước ổn định đời sống cho nhân dân.

 

Theo ông Phón, những hộ được lựa chọn để thành lập xóm mới không chỉ là những hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, mà quan trọng hơn, những hộ này phải có sức lao động, có nguyện vọng chính đáng di cư và có phương pháp sản xuất khi đến nơi định cư mới. Ngay sau khi ổn định chỗ ở, xã đã khẩn trương thành lập bộ khung chính quyền xóm gồm chi bộ, mặt trận và các đoàn thể nhân dân để thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý Nhà nước trên địa bàn xóm. Việc làm đầu tiên là chi bộ tập trung  xây dựng Nghị quyêt phát triển KT-XH, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của 6 người đảng viên đầu tiên của chi bộ, tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định tư tưởng, đưa con em đến trường và bắt tay ngay vào khai khẩn diện tích canh tác được phân chia. Cùng với việc hỗ trợ của bà con trong xóm, xã, các đoàn thể đứng ra tín chấp cho hội viên, đoàn viên vay vốn mua cây, con giống để sản xuất. Bà Đinh Thị Chân - Chi hội trưởng hội nông dân cho biết: Được định cư ở xóm mới với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng thuận tiện như thế này, bà con phấn khởi lắm. Đất tốt, khí hậu tốt, lại có công trình thủy lợi ở gần, cứ tra hạt xuống là cây mọc lên ngay. Nhưng khổ nỗi, bà con không có vốn để mua cây giống. Khi xóm thành lập được các đoàn thể, cán bộ ngân hàng đã yên tâm để bà con vay vốn phát triển kinh tế.

 

“Bà Chân này quê ở tận Sơn La cơ đấy, thế mà bén duyên thế nào lại lấy chồng, rồi cứ bám riết lấy mảnh đất này”. Ông Trưởng xóm vui vẻ xen vào. Qua câu chuyện mọi người kể, bà Chân quê ở bên kia bờ sông Đà, hàng ngày chèo thuyền đánh cá và gặp một người đàn ông của xóm Hà, xã Đồng Chum, rồi bén duyên theo về bên này làm dâu. Đến giờ lại tình nguyện lên đây để khai khẩn xóm mới trên đỉnh núi Ca Lông này. Bà Chân cười bảo: “Ở đâu chẳng là quê hương của mình. Mình quý mảnh đất này, gắn bó với nó thì được đền đáp bằng những bữa cơm no, những chiếc áo ấm”. Bà Chân chỉ tay về những nương ngô xanh mướt như để chứng minh lời mình vừa nói.

 

Theo lời của những người già kể lại, vùng đất này trước đây hoang vu, hẻo lánh, cây cối rậm rạp, ít có dấu chân người. Ca Lông theo tiếng của người Tày có nghĩa là đỉnh núi lộng gió. Có người còn gọi nơi đây là quạ đậu, hay quạ lạc. Về sau, người ta gọi chệch đi là Ca Lông. Dù cách gọi thế nào, nhưng về địa thế của vùng đất này như thế nào thì ai cũng phải thầm công nhận. Ở trên đỉnh núi mà có một cái hồ rộng, nước lúc nào cũng đầy ắp, trong xanh thì rất hiếm thấy. Đất Ca Lông lại màu mỡ, bám theo sườn núi, có thể trồng ngô, sắn, dong riềng, hoặc nếu bỏ thêm thời gian, công sức để khai khẩn làm thành ruộng bậc thang cũng khá thuận lợi. Trước mắt, những vùng đất bằng phẳng thì nhân dân trồng ngô, một phần diện tích dưới chân bai nước thì bà con chia nhau để trồng lúa. Một, hai vụ thu hoạch vừa qua đã cơ bản đủ thức ăn người dân. Năng suất ngô mỗi vụ thu hoạch cũng được khoảng 35 tạ/ha. Ông Xa Văn Thái, Trưởng xóm Ca Lông bộc bạch: Khi đã ổn định sản xuất, đảm bảo lương thực tại chỗ, chúng tôi sẽ tập trung vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với điều kiện thuận lợi như thế này, việc mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm là rất thuận lợi.

 

Ông Lường Văn Phón, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: Lựa chọn Ca Lông là điểm lập bản mới không chỉ để giải quyết một phần nhu cầu về nhà ở, đất đai sản xuất của người dân. Vấn đề mà Đảng ủy xã đặc biệt quan tâm, đó là trong thời gian tới, khi tuyến đường lên xóm được Nhà nước nâng cấp thuận lợi hơn, xã sẽ tập trung đầu tư, lãnh đạo Ca Lông xây dựng mô hình nông thôn mới. Không chỉ riêng của xã Đồng Chum, mà Ca Lông sẽ là điển hình của các xã vùng đặc biệt khó khăn trong huyện Đà Bắc này.

  

                                                                             Đỗ Quyên

 

Các tin khác

Lối mòn cổ có niên đại 22 nghìn năm đã là thay đổi nhiều quan niệm, giả thuyết về cuộc sống của người Việt cổ trong nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng.
Nhiều người ở xã Tân Pheo huyện Đà Bắc khôi phục nghề dệt thổ cẩm có thêm thu nhập cho gia đình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục