(HBĐT) - Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình, quãng thời gian thực chất đã trải qua 3 thế kỷ, từ thế kỷ XIX – XX bước vào thế kỷ XXI. Từ đó đến nay người Mường Hòa Bình vẫn lưu giữ khá trọn vẹn nếp ăn, nếp ở, bản sắc văn hóa của mình. Thể hiện dễ nhận biết nhất đó là ngôi nhà sàn vẫn còn đa số người Mường yêu mến, sử dụng trong lựa chọn nhà ở cho gia đình mình. Tuy nhiên cuộc sống luôn biến đổi, nhà sàn của người Mường cùng chung trong dòng chảy đó đã có những biến đổi nhất định
1. Giai đoạn từ 1954 trở về trước
Tháng 8/1945 cách mạng tháng Tám thàng công, đánh đổ chế độ phong kiến lang - đạo, chế độ mới ra đời, song thực dân Pháp đã quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Tất cả vì chiến thắng, cả nước bước vào 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Về mặt xã hội, tuy chính quyền cách mạng đã hình thành bộ máy, song vì chiến tranh nên việc kiến thiết, xây dựng hầu như bị đình trệ. Quy hoạch làng Mường, các ngôi nhà sàn vẫn như trước đây hàng bao đời qua người Mường vẫn ở.
Các ngôi nhà sàn khi đó chủ yếu được làm bằng tranh, tre, nứa, lá, có bộ phận tầng lớp trên nhà làm bằng cột gỗ vững trãi, song mái vẫn lợp gianh. Nhiều hộ tầng lớp dưới làm nhà bằng cột cây bương, tre, vách nứa... Theo thời gian, các vật liệu mau hỏng, ngôi nhà xuống cấp.
Xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh (Cao Phong)còn lưu giữ nhiều nếp nhà sàn truyền thống của người Mường.
Lúc này người Mường sử dụng hình thức chôn xuống đất để cố định chân cột. Các nơi làm nhà để nguyên địa thế đất, không san đất lấy mặt bằng để làm nền nhà. Nhiều nơi đất đồi, tổ mối, lồi lõm, họ cứ để vậy để dựng nhà. Điều này xuất phát từ quan niệm san đất sẽ làm đứt mạch đất, làm động đến thần đất, như vậy không tốt cho ngôi nhà. Đây là quan niệm rất lạc hậu. Chỉ có số ít các nhà lang - đạo có san nền, làm nhà cột kê trên đá tảng, có sử dụng mộng thắt.
Về mặt kết cấu các bộ phận nhà sàn rất giản đơn. Phần khung chính ngôi nhà việc kết cấu các bộ phận với nhau không có mộng thắt, các đòn tay, quá giang, chủ yếu dùng hình thức khắc nấc để gác các bộ phận sử dụng trọng lực để chúng tự liên kết với nhau. Các xà đỡ sàn được bắc qua các hốc đục thông qua các cột. Các đòn tay cái, đòn tay hiên nối các đỉnh cột nhà theo chiều dọc, chiều ngang ngôi nhà được làm bằng các cây gỗ thẳng dài suốt 13 - 15 m. Các đòn tay, quá giang được tạo hình thành các hình trụ, lục lăng, bát lăng, như vậy vừa đẹp, vừa dễ tạo các hốc mộng cố định trên các đỉnh cột. Các kèo nhà hình chữ A gần chân có tạo chốt to để gác, cố định chúng trên các đòn tay cái. Những bộ phận khác như: Đòn tay mái nhà liên kết với kèo, dui, mè, tranh... đều dùng lạt buộc vừa cố định, vừa buộc chặt chúng với nhau. Sàn nhà làm bằng tre ngà, bương, luồng... tẽ mở ra dát thành sàn.
Ngôi nhà được chia thành các tầng sử dụng: Khướng, trên nhà và rớng. Khướng - Gầm nhà sàn lúc này phổ biến được đồng bào Mường tận dụng nhốt và nuôi gia súc, gia cầm. Phần vì tập quán lạc hậu, phần vì bốn bề làng Mường là rừng già nên dã thú vào làng bắt trâu, lợn, chó, gà... xảy ra thường xuyên. Việc cho gia súc ở dưới gầm sàn còn nhằm mục đích bảo vệ chúng. Trên nhà sàn có lửa, các loại dã thú sợ lửa không dám tấn công. Gầm sàn cũng là nơi xay, giã chế biến lúa, ngô, sắn... thành gạo, bột... dùng làm lương thực.
Rớng - là cái gác phụ được ken như bè bằng các cây nứa, tre, bương... bắc ngang qua các quá giang. Đây là nơi tích trữ lương thực và nhiều tài sản, đồ đạc khác cho cả gia đình.
Qua cách sử dụng nhà sàn giai đoạn này ta thấy rất bất cập, việc nuôi gia súc, gia cầm chung dưới gầm sàn gây mất vệ sinh.
Tuy nhiên, cách sử dụng hết các không gian, mặt bằng trong nhà sàn như trên cũng có cái hay, rất tiết kiệm, gần như tận dụng hết các diện tích và khoảng không có ích.
2. Giai đoạn từ 1954 - 2000
Đây là giai đoạn nhà sàn của người Mường có những biến đổi tích cực, mạnh mẽ, nhất là biến đổi trong sử dụng các công năng ngôi nhà cũng như kết cấu nhà sàn.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, tiến lên xây dựng CNXH. Lúc này, phong trào vệ sinh làng, xóm, vệ sinh nhà cửa, phát quang các bụi rậm quanh nhà được đặc biệt quan tâm, cuộc vận động nhân dân Mường đưa gia súc, vật nuôi ra khỏi gầm sàn làm chuồng trại nuôi cách xa nhà được phát động. Từ những năm 60 của thế kỷ trước đến đầu thế kỷ XXI, việc đưa vật nuôi ra khỏi gầm nhà sàn mới cơ bản được nhân dân ủng hộ và hoàn thành. Tuy nhiên, hiện nay ở những vùng sâu, vùng xa vẫn lác đác còn có một số ít các gia đình vẫn nuôi gia súc dưới gầm sàn.
Giai đoạn này, người Kinh ở dưới xuôi lên khai hoang, xây dựng vùng kinh tế sống xen kẽ cùng người Mường, văn hóa miền xuôi tác động mạnh mẽ đến văn hóa Mường. Việc làm nhà sàn về công năng sử dụng và không gian nhà sàn vẫn được giữ nguyên, song bên trong có sự biến đổi lớn về nền móng, vật liệu và kết cấu kiến trúc. Về mặt bằng lúc này, người Mường bắt đầu bỏ qua quan niệm cũ lạc hậu, các nhà làm mới bắt đầu san đất dốc lấy mặt bằng để dựng nhà. Các cột nhà không chôn xuống đất nữa, thay vào đó, họ thuê thợ
3. Giai đoạn từ 2000 đến nay
Đây là giai đoạn chuyển biến mạnh mẽ nhất trong kiến trúc nhà sàn, nhất là trong vật liệu làm nhà có thể nói đây là cuộc cách mạng, cách tân mạnh mẽ nhất của người Mường đối với nhà sàn. Do tình trạng gỗ ngày hiếm và trở nên đắt đỏ, người Mường chuyển sang làm nhà sàn bằng cột bê - tông cốt thép đúc tròn, sàn bương, tre, sàn gỗ được thay thế bằng sàn bê - tông lát gạch men bóng loáng, mái ngói đỏ hay mái tôn lạnh có vật liệu chống nóng là những lựa chọn cho mọi nhà. Các kết nối không còn là mộng thắt là liên kết bê -tông cốt thép rất vững chắc. Việc xây mới một ngôi nhà sàn rẻ quá nửa so với nhà sàn gỗ, độ bền chắc vượt trội so với vật liệu gỗ. Nhiều gia đình xây nhà bê - tông sau cho sơn màu giả gỗ trông đẹp như gỗ thật.
Trải qua 3 thế kỷ khi tỉnh Mường xuất hiện trên bản đồ hành chính Việt Nam, nhà sàn của người Mường với tư cách là kiến trúc có công năng cho con người ở đã trải qua 3 lần cách tân mạnh mẽ. Từ đó công năng nhà sàn đã có những thay đổi theo thời cuộc với chiều hướng sử dụng tối đa diện tích, bền hơn, đẹp hơn.
Bùi Huy Vọng
(Xóm Bưng, xã Hương Nhượng - Lạc Sơn)