Đối với trường hợp của ông Lê Phước Hoài Bảo, nhiều người cho rằng đó là bài học đau xót về sự vụ lợi, vun vén cho bản thân và gia đình.

Sau hàng loạt sai phạm về công tác đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ tại một số địa phương, trong đó có trường hợp ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam vừa bị tạm đình chỉ công tác, nhiều người đặt câu hỏi về sự thăng tiến "thần tốc” của một số cán bộ trẻ nhờ sự "nâng đỡ" của những người đứng đầu địa phương.

Cách đây 2 năm, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam quyết định đưa ông Lê Phước Hoài Bảo, con trai ông Lê Phước Thanh (người vừa bị đề nghị xem xét thi hành kỷ luật) vào vị trí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ngày đó, nhiều người đặt nghi vấn về một cán bộ mới 30 tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn lại giao đứng đầu một Sở quan trọng như vậy, liệu có ổn không? Và nếu ông Bảo không phải là con trai của Bí thư Tỉnh uỷ thì có được ngồi vào ghế này?

Ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam vừa bị tạm đình chỉ công tác.

Ông Trần Ngọc Ảnh - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, sau khi Ủy ban kiểm tra Trung ương nêu rõ những sai phạm của ông Lê Phước Hoài Bảo, điều mà ông Ảnh và nhiều người lo lắng trước đây quả không thừa.

"Việc bổ nhiệm một người trẻ như vậy, chưa qua thử thách liệu có quá nhanh. Trước đó vẫn có người nói là đúng quy trình, nhưng quy trình cũng là do con người soạn và cũng do con người nói. Đến bây giờ đã có thể rõ ràng là đúng quy trình hay không đúng quy trình, do đó không nên bỏ qua bất cứ giai đoạn nào của quy trình vì sẽ vô cùng nguy hiểm”, ông Ảnh nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Thanh Tân, cán bộ hưu trí ở phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần xử lý nghiêm những ai liên quan đến việc đề bạt, bổ  nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo để củng cố niềm tin trong nhân dân.

"Cần gột rửa dần để làm cho trong sạch bộ máy, không để tình trạng bao che, nâng đỡ, để con ông cháu cha len lỏi lên chức nhanh chóng. Tôi đề nghị tỉnh nên rút kinh nghiệm trong quá trình làm sạch bộ máy từ cấp dưới lên trên”, ông Tân đề nghị.

Còn ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư Chi bộ khối phố Trung An, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - nơi kết nạp và quản lý đảng viên Lê Phước Hoài Bảo lại giải thích rằng, trong thời gian ông Bảo học ở nước ngoài có đơn xin chuyển sinh hoạt Đảng nhưng Chi bộ không báo cáo cấp trên.

"Từ khi theo dõi, giúp đỡ đến khi kết nạp, chuyển chính thức ông Bảo có đầy đủ hết giấy tờ. Chi bộ rút kinh nghiệm để tiếp tục làm việc vì Chi bộ nông thôn toàn nông dân phần nhiều, những người có chút trình độ văn hoá đã xin vào các cơ quan nhà nước”, ông Bảy nói.

Ông Phan Việt Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, thực hiện Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc và từng đảng viên tự kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.

Đối với ông Lê Phước Hoài Bảo, tỉnh tiến hành kiểm điểm, làm rõ khuyết điểm trong việc kê khai lý lịch, quá trình đi học nước ngoài và thực hiện các thủ tục xóa tên đảng viên theo quy định.

"Trên tinh thần kiểm điểm nghiêm khắc, những người có khuyết điểm sẽ được làm rõ, tìm hiểu nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến khuyết điểm đó và tự nhận hình thức kỷ luật. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam rút ra bài học trong công tác quản lý cán bộ, công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất một số Đảng bộ, Chi bộ có vấn đề trong việc đề bạt, bổ nhiệm, có những vấn đề thấy bất thường để từ đó kịp thời chấn chỉnh”, ông Cường nhấn mạnh.

Nhân gian có câu "dục tốc bất đạt”, làm việc gì mà vội vàng, nôn nóng sẽ khó thành công. Trong công tác cán bộ, những trường hợp "trái non chín ép” không sớm thì muộn cũng bộc lộ yếu kém, thất bại.

Đối với trường hợp của ông Lê Phước Hoài Bảo, nhiều người cho rằng đó là bài học đau xót về sự vụ lợi, vun vén cho bản thân và gia đình./.

 

                                            TheoVOV

Các tin khác


Xét xử ông Đinh La Thăng: “Công minh như vậy mới giữ được kỷ cương”

Kết quả xét xử nhiều vụ án lớn như vụ ông Đinh La Thăng và đồng phạm cho thấy không còn "vùng cấm", từng bước lấy lại lòng tin của nhân dân.

Đặc trị chạy chức - quyền

Dư luận đang quan tâm đến việc làm thế nào để tạo chuyển biến căn bản, phòng chống nạn "chạy chức, chạy quyền" được nêu ra trong cuộc họp tổng kết năm 2017 của ngành tổ chức, xây dựng Đảng mới đây.

Kỷ luật Bí thư huyện ủy An Dương vụ “cả nhà làm quan”

Bí thư Huyện ủy An Dương (TP. Hải Phòng) và 2 cán bộ Trưởng ban thuộc Huyện ủy cùng 1 cán bộ nguyên Trưởng phòng vừa bị kỷ luật liên quan đến công tác bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ của huyện này.

Vụ án ông Đinh La Thăng: Pháp luật không có ngoại lệ

Phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm là phiên toà có nhiều cái nhất từ trước đến nay ở nước ta kể từ thời lập quốc. Đó là người có địa vị cao nhất, một nguyên uỷ viên Bộ Chính trị. Đó là nhiều người đứng đầu và có học vị rất cao là tiến sỹ khoa học.

Cách chức Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn

Thủ tướng vừa ký Quyết định 80/QĐ-TTg về việc thi hành kỷ luật đối với ông Ngô Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2016-2021.

Xét xử ông Đinh La Thăng: Pháp luật nghiêm trị sẽ khiến tham nhũng phải co vòi

Chỉ khi "luật pháp bất vị thân” thì mới có thể khiến những con sâu tham nhũng, những con sâu lợi ích nhóm, bè phái, cánh hẩu, rụt cổ, co vòi lại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục