Bí thư chi bộ 8x ở xóm đặc biệt
Tôi gặp Bùi Văn Hiển giữa chiều hè chói chang. Gạt tay
lau giọt mồ hôi, anh kể vừa đi mời khách dự lễ khánh thành nhà văn hóa xóm Bu.
Đây là xóm anh được Đảng ủy xã phân
công nhiệm vụ làm bí thư chi bộ từ tháng 1/2015. Nơi đây từng là khu vực khai
thác vàng nóng bỏng. Cơn bão vàng đi qua, nhiều người tứ xứ ở lại cùng hơn 10 hộ dân bản địa lập xóm. Mong tìm vàng để đổi đời
đâu chẳng thấy, chỉ thấy con dốc nghèo cao vời vợi như ngọn núi. Bao năm, xóm ở
trong tình trạng không điện, không đường, không trường, không chi bộ Đảng...
Đứng ở xóm Nại, chỉ tay về phía dãy núi chót vót, Hiển
nói đó là xóm Bu. Nhìn chiếc xe máy xước xác, bùn đất quấn chặt nan hoa, bắn
lên tận yên của Hiển, tôi thấm cái đặc biệt của xóm. "Nếu trời nắng, có thể lên
xóm theo đường mòn nhưng ngay cả dân bản địa không phải ai cũng dám bạo gan
trước dốc đứng, đá hộc. Cách tốt nhất đi đường vòng xa 32 km, qua các xã vùng
cao Ngọc Sơn, Ngọc Lâu. Nói vậy nhưng nhiều lúc có việc gấp phải lắp bộ xích
chống trơn trượt tự chế vào bánh xe để đi lên, ngã là chuyện thường. Được giao
trọng trách xóa trắng tổ chức Đảng, gây dựng các đoàn thể cho xóm, tôi xác định
phải cố gắng thật nhiều. Xóm có 44 hộ thì có đến 22 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo,
chiếm gần 80%. Mọi nhu cầu ăn, mặc, chi tiêu… của 169 nhân khẩu đều trông vào
45 ha ngô. Đường trắc trở nên giá ngô thấp hơn các xóm khác.” - Bùi Văn Hiển
chia sẻ.
Với tính chất đặc biệt của xóm Bu, lý giải việc giao
trọng trách cho đảng viên trẻ, sinh năm 1983 Bùi Văn Hiển, Bí thư Đảng ủy xã
Tân Mỹ Quách Văn Khoa cho biết: Xóm Bu có 2 đảng viên và sinh hoạt ghép với Chi
bộ xóm Lọt, cách 3 km. Sau đó, 1 đảng viên đi nước ngoài bị xóa tên. Các đoàn
thể hầu như chưa thành lập được. Đảng ủy mạnh dạn phân công 3 đảng viên về sinh
hoạt tại xóm Bu để thành lập chi bộ. Trong đó, Hiển được giao nhiệm vụ làm Bí
thư chi bộ. Anh từng làm Phó Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên,
nay là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã. Qua thực tế công việc, Hiển chứng tỏ sự
năng động, trách nhiệm, nhiệt huyết. Hiển được tín nhiệm bầu vào BCH Đảng bộ
xã. Chúng tôi tin tưởng anh có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Không phụ lòng tin, chỉ 2 tháng sau khi nhận nhiệm vụ,
Hiển đã vận động thành lập được các tổ chức hội, đoàn thể. Đến nay, xóm đã có
chi đoàn, chi hội NCT, chi hội CCB, chi hội nông dân, chi Hội Phụ nữ và hoạt
động theo quy chế. Đặc biệt đã bồi dưỡng kết nạp được 2 đảng viên mới từ những
quần chúng ưu tú ở các hội, đoàn thể. Hiện nay, chi bộ có 5 đảng viên và đang
tiếp tục bồi dưỡng 1 đồng chí, cử 1 đồng chí theo học lớp nhận thức về Đảng.
Xóm đã xóa trắng được tổ chức Đảng.
Dẫu
còn nhiều khó khăn nhưng 2 năm gần đây, xóm Bu đã có chuyển biến tích cực. Các
nhóm hộ được hỗ trợ giống, phân bón, 1 chiếc máy cày, 1 con bò sinh sản. Hội
viên các đoàn thể trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Năng
suất ngô trung bình tăng từ 40 tạ/ha lên 45 tạ/ha. Một số giống mới như ngô
ngọt bán bắp giá trị cao hơn được đưa vào trồng. Bí thư Hiển cũng là người đưa
cây cỏ voi lên vùng cao này và đã có 4 hộ nuôi nhốt bò thay vì thả rông, tạo
hiệu ứng lan tỏa. Đàn trâu, bò tăng lên 178 con. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9 hộ,
hộ cận nghèo 14 hộ. Thu nhập bình quân đầu người từ 12 triệu đồng năm 2015 tăng
lên 18 triệu đồng năm 2016. Người dân đã kéo điện về nhà, không còn cảnh đèn
dầu leo lét. Xóm cũng vừa khánh thành nhà văn hóa vào ngày 25/6/2017.
Trưởng
nhóm khởi nghiệp nhiệt huyết
Bùi
Văn Hiển còn là trưởng "nhóm khởi nghiệp” nhiệt huyết, tập hợp những thanh niên
đã từng ly hương đi làm ăn tứ xứ.
Trước vấn đề thanh niên bỏ đi làm ăn xa, thiếu vốn,
kiến thức và ý chí phát triển kinh tế, rèn luyện bản thân, Hiển đã sáng lập ra
nhóm. Hiển tâm sự: Bản thân từng đi làm công nhân giày da ở Hải Phòng. Mấy năm
không tiết kiệm được đồng nào, tôi quyết định trở về quê. Quay lại với thửa
ruộng, loay hoay mãi tôi nhận thấy người nông dân cần nắm vững kỹ thuật và mạnh
dạn đổi mới. Mày mò theo hướng đó, tôi dần tích lũy được một số kinh nghiệm.
Tham gia làm cán bộ Đoàn xã, tôi thấy vấn đề nổi lên là một số bạn bè, thanh
niên không tập trung làm ăn, sa vào cờ bạc, uống rượu say gây sự, ảnh hưởng đến
ANTT. Từ thực tế đó, năm 2012, tôi đã vận động thành lập nhóm khởi nghiệp, lúc
đầu có 14 thành viên, nay có 16 thành viên. Chúng tôi đã xây dựng quy chế hoạt
động và phân công nhiệm vụ cụ thể. Họp 3 tháng/lần và mỗi thành viên góp
600.000 đồng để lập quỹ hỗ trợ luân phiên. Nếu có việc đột xuất triệu tập họp
luôn. Chúng tôi cùng chia sẻ kinh nghiệm, bàn hướng đi và nhắc nhở nhau chấp
hành pháp luật, sống có trách nhiệm.
Mỗi gia đình trung bình có 2.000 m2 đất canh tác.
Nhiều thành viên đã mạnh dạn thầu thêm đất để sản xuất. Nuôi bò nhốt chuồng, bò
vỗ béo, trồng bí xanh, củ đậu là hướng đi chính được nhóm lựa chọn. Năm 2016,
nhóm đưa thêm cây ớt vào trồng. Gia đình Hiển có 4.000 m2 đất, ngoài trồng trọt,
anh duy trì nuôi nhốt 5 con bò.
Gia đình thành viên Phạm Văn Đông cũng nuôi 6 con bò.
Nuôi bò vỗ béo, số vốn ban đầu khá cao nhưng sau vài tháng đem lại thu nhập
đáng kể. Tại các buổi sinh hoạt nhóm, những vấn đề phát sinh được ưu tiên bàn
thảo như phòng - chống dịch bệnh, đầu ra cho nông sản… Điều đặc biệt nhóm sẽ có
biện pháp "xử lý” những thành viên mắc lỗi như uống rượu say rồi chửi vợ con
hay đánh bạc. Nhờ vậy, nếu khi mới lập nhóm vẫn còn xảy ra hiện tượng trên, từ
năm 2014 đã được khắc phục. 5 thành viên thuộc diện nghèo nay đã có kinh tế
khá.
"Bùi Văn Hiển là đảng viên trẻ năng động, nhiệt huyết,
dám nghĩ, dám làm. Anh đã "truyền lửa” cho nhiều thanh niên chí thú làm ăn,
tránh xa các tệ nạn. Hiển cũng là nhân tố tích cực trong xóa xóm trắng chi bộ
góp phần củng cố hệ thống chính trị của xã. Anh tiêu biểu trong việc học tập và
làm theo tấm gương Bác Hồ.” - Bí thư Đảng ủy xã Quách Văn Khoa nhận xét.
Cẩm Lệ