(HBĐT) - "Thú thực, tôi không biết rõ về chính sách của Nhà nước dành cho vợ liệt sỹ tái giá sẽ được trợ cấp, ưu tiên những gì. Nhưng với hơn 7 năm thanh xuân đằng đẵng chăm sóc bố mẹ chồng già yếu (ngay cả khi đã nhận được giấy báo tử của chồng từ nơi chiến trường), tôi mong muốn một ngày nào đó được cấp có thẩm quyền công nhận là thân nhân liệt sỹ"… Bà Bùi Thị Sin, xóm Ngái, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) bộc bạch như vậy để minh chứng cho việc bà cặm cụi đi tìm "danh phận” của mình trong suốt 4 năm qua.



Bà Bùi Thị Sin xóm Ngái, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) vui vầy cùng các cháu cho khuây khỏa những tháng năm nhọc nhằn.     

Bước thấp bước cao dẫn chúng về căn nhà ở cuối xóm Ngái, xã Ân nghĩa, vừa đi bà Sin vừa chuyện trò như thể để đoạn đường ngắn bớt. Khi khách đã yên vị trong ngôi nhà và tận mắt chứng kiến người đàn ông không biết chào hỏi khách, chỉ biết lầm rầm nói những câu chuyện không ăn nhập, bà Sin bắt đầu kể về cuộc đời mình.

"Tôi sinh năm 1959, tuổi lợn nhưng chẳng được 1 ngày sung sướng. Nhà có 9 anh chị em, nên 17 tuổi tôi đã được gả chồng. Chồng tôi là anh Bùi Văn Tròn, xóm Song, xã Tân Mỹ. Chúng tôi đã sống với nhau gần 2 năm, nhưng chưa có con. Đến năm 1978, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh Tròn lên đường nhập ngũ, việc chăm sóc bố mẹ già yếu và 2 người em còn nhỏ dại được đặt lên vai tôi. Ngày đó, cuộc sống vất vả nên chỉ biết lên đồi, xuống ruộng cấy hái, trồng tỉa, mò cua, bắt ốc để lo bữa ăn hàng ngày chẳng có thời gian mà suy nghĩ sâu xa. Đến năm 1982, gia đình nhận được giấy báo tử, anh Tròn đã hy sinh ở mặt trận phía Tây Nam. Chồng hy sinh rồi, con không có để vỗ về, an ủi, lúc đó tôi thực sự bị mất phương hướng. Khi đó, 2 người em chồng cũng đã trưởng thành không cần đến sự bao bọc, chở che của chị nữa nên tôi xin phép trở về nhà bố mẹ đẻ ở xóm Tuôn, xã Ân Nghĩa. Định rằng sẽ sống dựa dẫm vào các anh chị và cháu trong suốt phần đời còn lại. Nhưng lo cho em gái sau này già sẽ phải sống đơn độc, chết không có người hương khói, các anh chị tôi vừa khuyên, vừa ép cô em gái đi bước nữa. Trong tâm thế nhắm mắt đưa chân, hơn 1 năm sau, tôi kết duyên với anh Bùi Văn Chung và về sống ở xóm Ngái, xã Ân Nghĩa cho đến nay”.

Có được bến đỗ và lần lượt sinh được 4 người con, nhưng hạnh phúc của bà Sin không được trọn vẹn. Bởi ông Chung bị khuyết tật thần kinh, tuổi càng cao bệnh càng trở nặng. Hiện, ông Chung đang được hưởng trợ cấp xã hội đối với người tâm thần (900 ngàn đồng/ tháng). Một tay bà Sin lo toan gánh vác việc gia đình nuôi con khôn lớn rồi dựng vợ, gả chồng. Để có tiền cho cô con gái út đi học nghề, năm 2011, bà Sin xuống Hà Nội làm giúp việc gia đình và gắn bó với "nghề ô sin” cho đến nay.

Thông cảm với hoàn cảnh của bà Sin, có người bà con mách bảo: Bà làm đơn đề nghị cấp có thẩm quyền xác nhận để được hưởng chế độ vợ liệt sỹ tái giá và cũng là để khẳng định danh phận của mình. Năm 2018, bà Sin nhờ người cháu viết hộ lá đơn đề nghị để gửi lên huyện và được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị gặp khó khăn do không còn Giấy đăng ký kết hôn, bố mẹ chồng đã mất, còn em chồng (em của liệt sỹ Bùi Văn Tròn) không hợp tác, không ký xác nhận khiến bà Sin không thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị.

Nhân chuyến công tác về xóm Song, nay là xóm Song Khảnh, xã Tân Mỹ, chúng tôi tìm gặp một số nhân chứng cùng thời để rõ chuyện. Bà Bùi Thị Xẻm, người hàng xóm thân thiết khi còn ở xóm Song, xã Tân Mỹ xác nhận: Tôi, bà Sin, ông Tròn và 3 cặp vợ chồng khác đăng ký kết hôn cùng ngày (năm 1976). Đến năm 1978, ông Tròn đi bộ đội, bà Sin ở lại chăm sóc bố mẹ chồng và các em chồng suốt 5 năm sau đó. Tuy đã lâu không gặp, nhưng tôi vẫn nhớ bà Sin là người phụ nữ hiền lành chịu thương, chịu khó và sống có trước, có sau. Bà Bùi Thị Khịt, nguyên Bí thư Chi bộ xóm Song Khảnh cũng chia sẻ: Hiếm ai được như bà Sin lúc còn trẻ. Khi ông Tròn đi chiến đấu, bà Sin ở lại đảm đương hết việc cày, bừa, gặt hái, làm giao thông, thủy lợi... Bố ông Tròn bị dị tật ở chân nên không thể đi lại bình thường, chỉ có thể làm những việc vặt trong gia đình, mẹ chồng mắt kém, 2 em chồng còn nhỏ nên mọi gánh nặng đổ lên vai bà Sin khi ấy. Chúng tôi chỉ là hàng xóm nên không biết rõ những chuyện uẩn khúc trong gia đình ông Tròn, nhưng việc các em ông Tròn không ký Biên bản họp gia tộc liệt sỹ để bà Sin được hưởng chế độ Vợ liệt sỹ tái giá thì đó là điều đáng trách. Chúng tôi cũng là phụ nữ, cũng sống qua thời gian khó đó nên hết cảm thông và chia sẻ với bà Sin. Mong cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn, hỗ trợ để bà Sin sớm được công nhận là vợ liệt sỹ tái giá, thể hiện rõ ý nghĩa việc thực hiện chế độ ưu đãi với người có công với cách mạng và thân nhân đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Thúy Hằng (Hội Nhà báo tỉnh)

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục