(HBĐT) - Khởi nghiệp trên mảnh đất nổi tiếng của các loại trái cây cam, quýt đã tạo nên thương hiệu riêng nhưng Nguyễn Duy Hưng, Bí thư chi Đoàn khu 9, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) chọn cách ươm giống các loại cây có múi cung cấp cho những người trồng cây. Sau gần 6 năm gắn bó với nghề, khách hàng của Hưng không chỉ là người trồng cây trong huyện mà ở nhiều huyện khác trong tỉnh như: Yên Thuỷ, Kỳ Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi… và các tỉnh Thanh Hoá, Sơn La…


Gặp Nguyễn Duy Hưng tại vườn ươm, Hưng cho biết: Năm 2011, tôi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp I về không xin được việc làm. Có thời gian tôi đi làm hợp đồng không lương, thấy không ổn định nên quyết định bắt tay vào làm kinh tế. Bố mẹ là bộ đội nghỉ hưu, nhà không có nhiều đất, chỉ có mảnh vườn, tiềm lực kinh tế không có nên không thể đầu tư trồng cam. Hơn nữa, một vài nhà trong khu đang làm giống cây nên tôi nhận thấy mình làm ươm cây là phù hợp nhất. Nghĩ là làm, tôi mượn của bố mẹ 17 triệu đồng ra trường Đại học Nông nghiệp mua 3.000 cây giống các loại (cam, quýt, ổi, bưởi, nhãn…), bắt đầu con đường khởi nghiệp. Thời điểm đó là năm 2012, cùng lúc đó, tôi đăng ký thi tuyển công chức ở Hưng Yên. Thời gian phân tán, tôi không tập trung hoàn toàn cho việc chăm sóc cây, lại là mới bắt đầu làm, không có người hướng dẫn, chưa biết nhiều về kỹ thuật nên cũng có cây bị hỏng. Vụ cây giống đầu tiên dư dả chút ít, tôi tái đầu tư, dần tăng số cây giống lên.



                   Nguyễn Duy Hưng giới thiệu về cây giống tại vườn ươm của gia đình.

 Con đường khởi nghiệp hoàn toàn tự lập, tự học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu về kỹ thuật, cách phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc để cho ra những cây giống khoẻ, có chất lượng. Trên hành trình lập nghiệp cũng có những thất bại, ấy là khi cây giống bị sâu bệnh mà không biết bị bệnh gì, dùng thuốc gì để phun. Cây đang lên đẹp mà cứ bị vàng thân rồi chết… Rồi đất vườn ươm thì tơi, xốp, độ kết dính thấp dễ vỡ bầu, vận chuyển xa bất tiện mà không trồng ngay thì cây héo, lấy đất khác độ keo hơn thì chỉ một sai sót lại làm cho đất chặt quá, nắng lên làm khô bầu rễ không phát triển được… Nhưng chính từ thất bại giúp Hưng rút ra bài học, có kinh nghiệm hơn trong nghề. Hưng chia sẻ: Những lúc cây bị hỏng không biết phải làm thế nào. Lần đầu làm cây giống bị hỏng tôi buồn mất mấy ngày, tối tối ra vườn tìm bắt sâu. Cũng từ đó tôi nhận thấy mình thật sự yêu thích và hợp với nghề trồng cây. Năm 2016, do thời gian ươm cây đúng vào mùa mưa không trừ được sâu bệnh nên ươm 4 vạn cây giống bị mất trắng một nửa, chỉ thu được 2 vạn cây. Vì đam mê, yêu thích công việc nên bản thân không nản chí mà càng quyết tâm để thành công hơn. Qua tìm hiểu và được gợi ý nhân giống cây từ hạt bưởi rừng cho chất lượng cây giống khoẻ, ít sâu bệnh nên đến mùa bưởi chín, tôi tự đi lấy quả bưởi rừng về tách lấy hạt làm giống. Các loại cây trong vườn ươm hiện đều được ghép từ giống cây bưởi rừng.

 Từ mảnh vườn nhà mấp mô chỗ cao chỗ thấp được dùng làm vườn ươm, khu vực nào bằng phẳng ươm cây trước, có tiền rồi đầu tư san ủi, đổ đất tạo mặt bằng mở rộng diện tích vườn ươm, vụ đầu ươm 3.000 cây, đến năm sau là 7.000 cây, dần dần tăng 1 vạn rồi lên 4 vạn cây giống. Nắm chắc kỹ thuật nhưng Hưng cho rằng, cũng chỉ đảm bảo thành công khoảng 80% bởi trong quá trình ươm cây không thể tránh khỏi rủi ro. Hiện, Hưng làm 2 vườn ươm, một vườn 4 vạn cây giống, 1 vườn 5.000 cây. Năm 2016, Hưng tham gia "Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế giỏi” của tỉnh tạo thêm cơ hội giao lưu, học hỏi phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp.

 Tích lũy kinh nghiệm, tích lũy kinh tế để tái đầu tư, con đường khởi nghiệp của Nguyễn Duy Hưng không hoàn toàn bẳng phẳng mà trải qua những gian nan, khó khăn nhưng đã mang lại những thành công nhất định. Từ vườn ươm mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, mỗi tháng cho thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Với Hưng, phát triển kinh tế từ nghề ươm cây, tạo lập kinh tế ổn định từ mảnh đất mình gắn bó, sinh sống là mục đích, hướng đi chính. Cùng với đó, Hưng cũng mở hướng đầu tư vào trồng cam. Năm 2016, Hưng mua 1 ha đất ở xóm Nếp, xã Tây Phong (Cao Phong) bắt đầu trồng cam. Mong muốn của Hưng là được hỗ trợ vốn để có nguồn lực đầu tư trồng cam. "Làm nghề ươm cây giống ổn định nhưng để làm bật hẳn kinh tế lên thì không chỉ ươm cây mà cần cả trồng cây. Thêm nữa, khi vài năm tới thị trường cây giống bão hoà còn có vườn cây làm bệ đỡ phát triển kinh tế để tiếp tục với công việc mình yêu thích, đam mê” - Hưng chân tình chia sẻ.

 


                                                                                     Hà Thu

Các tin khác


Khởi nghiệp từ những viên gạch bê tông


(HBĐT) - Những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của ngành xây dựng, gạch bê tông đã và đang dần thay thế gạch nung truyền thống. Nắm bắt được xu thế đó, anh Bùi Văn Tự, xóm Yên Mu, xã Lạc Lương (Yên Thủy) đã đưa công nghệ gạch bê tông về sản xuất, mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Người lập kỳ tích nuôi cá tầm ở vùng hạ lưu sông Đà


(HBĐT) - Lâu nay, cá nước lạnh thường được các doanh nghiệp, hộ đầu tư nuôi ở vùng lòng hồ có nguồn nước ổn định và nhiệt độ thích hợp, không ai hình dung có thể nuôi ở phía cuối nguồn. Vậy mà ngay tại thành phố Hòa Bình, một hộ dân đã "liều lĩnh” làm cái việc trước đó chưa ai dám làm - nuôi cá tầm ở… hạ lưu sông Đà.

Ông chủ trẻ với 1.000 gốc táo lê Nhật


(HBĐT) - Táo lê Nhật là giống cây ăn quả có giá trị mà đến nay chưa có nhiều nông dân trong tỉnh trồng. Tại huyện Kim Bôi có 1 người đã tiên phong trồng táo lê Nhật. Anh là Đỗ Đức Bằng, 25 tuổi, Phó Bí thư chi đoàn đội 3 - xã Nam Thượng, gương mặt tiêu biểu trong phong trào tuổi trẻ khởi nghiệp sáng tạo.

Khởi nghiệp từ giống gà bản địa


(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo thôn An Sơn 1, xã An Bình (Lạc Thủy), chàng thanh niên Bùi Đông Giang không nuôi mộng đổi đời từ tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn. Anh chọn cho mình lối đi riêng - phát triển kinh tế từ nuôi gà trên mảnh đất quê hương.

Người làm giàu từ cỏ ở Đồng Chum

(HBĐT) - Không phải lúa, không phải ngô hay bất cứ loại cây màu nào khác mà con đường làm giàu của anh Lường Văn Sương ở xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum (Đà Bắc) lại được bắt đầu từ việc trồng... cỏ.

“Vua ổi" Yên Mông

(HBĐT) - Bà Nguyễn Thị Huệ, xóm Bắc Yên, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) không ngừng nỗ lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, gây dựng quy mô trang trại tổng hợp rộng 4 ha, trong đó có hơn 1 ha ổi đem lại nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng/năm. Bà được người dân gọi là “Vua ổi Yên Mông” và được đề xuất khen thưởng điển hình học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của TP Hòa Bình năm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục