(HBĐT) - Thăm lại Điện Biên vào ngày đầu hè, chúng tôi có chuyến đi đến huyện Điện Biên Đông. Cung đường ngoằn ngoèo từ TP Điện Biên Phủ đến huyện thơ mộng hơn bởi sắc tím hoa sim, hoa mua, giúp cho vùng rẻo cao này không còn xa vắng. Kết thúc chặng đường đèo khoảng 30 km, hồ Noong U, bản Tìa Ló B, xã Pú Nhi (Điện Biên Đông) hiện ra trước mắt.

 


Du khách thích thú chụp ảnh check-in tại hồ Noong U, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên).

Với diện tích rộng khoảng 4 ha, hồ Noong U được người dân địa phương ví như "mắt rừng” của vùng rẻo cao Pú Nhi, bởi nó nằm trọn trong vòng ôm của dãy núi Phù Lùng. Ðây là hồ nước tự nhiên duy nhất và cũng lớn nhất ở huyện vùng cao Ðiện Biên Ðông. Hồ nằm cạnh rừng thông hơn 20 năm tuổi, cùng với lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, hồ Noong U toát lên vẻ đẹp quyến rũ, vừa hoang sơ, mộc mạc, vừa trữ tình như một bức tranh thủy mặc, tạo điểm nhấn quan trọng về du lịch sinh thái nơi đây.

Vào buổi sáng sớm, mặt hồ Noong U bảng lảng hơi sương, từ trên lưng núi, những nương đá tai mèo tới quanh hồ đều mờ ảo bởi mây trắng bao phủ. Đến trưa, mặt hồ trong xanh như ngọc bích, gợn sóng lăn tăn hiền hòa, in bóng hình của núi, mây trời và rừng thông. Đây chính là khoảng thời gian thích hợp nhất để du khách vãn cảnh, buông cần câu cá giải trí. Xung quanh hồ, những cây cầu gỗ nhỏ bắc qua những "vùng vịnh” vừa tạo điểm nhấn cho cảnh quan, vừa giúp cho du khách có thể dễ dàng di chuyển để khám phá quanh lòng hồ. Những thảm hoa đua nở xung quanh hồ càng thêm rực rỡ dưới nắng trưa. Ở khu vực gần bờ, những bè cỏ, rong rêu và các ụ đá nổi nằm rải rác khiến nhiều khách thăm quan thích thú, ngỡ ngàng như lạc vào cảnh quan sinh thái của một khu rừng ngập mặn ven biển. Với tôi, ấn tượng khi đặt chân đến hồ Noong U có lẽ là đi tản bộ dưới rừng thông xanh. Cảm giác như đang đứng giữa "Đà Lạt thu nhỏ”, thả hồn tận hưởng bầu không khí trong lành và những làn gió mang hơi nước của hồ thổi về thật thư thái. Đặc biệt, dọc hành trình về với Noong U, khi đi qua những tiểu vùng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Thái, Mông…, chắc hẳn ai ghé thăm nơi đây cũng cảm thấy hào hứng khi được trải nghiệm những nét văn hóa, sinh hoạt thường ngày của đồng bào vùng cao ở những bản làng bình yên nằm dưới chân núi, bám lưng chừng núi.

Ngoài tên gọi Noong U (cái ao tĩnh lặng) theo cách đặt tên của người dân tộc Thái, hồ còn có tên gọi khác là Pa Già (Ao Rồng) theo cách đặt tên của người Mông. Một hồ nước trên đỉnh núi với rất nhiều huyền tích từ bao đời nay chính là nét quyến rũ riêng khiến bao người tò mò. Được biết, chừng hơn 20 năm trước, tiềm năng của hồ mới được "đánh thức” khi ông Cứ Chừ Tú, bản Tìa Ló B, ngày ấy là Bí thư Đảng ủy xã Pú Nhi phụ trách quản lý hồ Noong U. Ông đã chứng minh cho bà con trong bản, xã thấy hồ Noong U là tài sản quý mà thiên nhiên ban tặng cho người dân để phát triển sinh kế, thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Những câu chuyện kì bí, ma mị tồn tại trước đây trong dân bản dần được xóa bỏ. Đến nay, khuôn viên rừng thông đã rộng hơn 7.000 m2, ngoài ra, một số hạng mục được cải tạo thêm để phục vụ nhu cầu thăm quan, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi cho du khách. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách, các hộ dân trong xã cải tạo nhà ở, xây dựng thực đơn ẩm thực là những món ăn được chế biến theo cách thức truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, để du khách thưởng thức khi có nhu cầu đặt hàng. Song, do còn khó khăn về giao thông và thiếu tiềm lực đầu tư nên mọi thứ vẫn còn sơ khai.

Bà Lò Thị Linh, thị trấn Điện Biên Đông (Điện Biên Đông) cho biết: Hồ Noong U nằm giữa một vùng thiên nhiên hùng vĩ, địa hình, địa mạo đa dạng, khí hậu trong lành, rất thích hợp cho việc du lịch, khám phá, đặc biệt là với giới trẻ. Bởi ngoài ngắm cảnh, du khách còn có thể giao lưu văn hóa, văn nghệ tại sân khấu ở khu vực rừng thông, câu cá tại hồ và thưởng thức ẩm thực dân tộc. Nếu đến đây vào thời điểm tháng 10, 11 còn có thể được ngắm một dải vàng bởi bạt ngàn hoa dã quỳ bung nở hai bên đường. 

Hiện, hoạt động du lịch ở khu du lịch hồ Noong U chủ yếu tập trung vào những ngày cuối tuần. "Mắt rừng” mang vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ như sơn nữ xinh đẹp vừa thức giấc chắc chắn sẽ làm say đắm những ai đặt chân tới nơi này.


Thu Hằng

Các tin khác


Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục