Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, huyện Kim Bôi xác định giải pháp cần chú trọng hàng đầu là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Vì vậy hàng năm, huyện Kim Bôi đã tập trung tuyên truyền, các văn bản về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR tới các chủ rừng và mọi người dân trên địa bàn huyện thông qua các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép vào các cuộc họp thôn, bản.
Công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Kim Bôi được thực hiện tốt duy trì độ che phủ rừng 48%. Ảnh: Cán bộ phòng NN&PTNT huyện kiểm tra rừng trồng tại xã Nam Thượng.
Qua thống kê, tổng diện tích đất lâm nghiệp của huyện Kim Bôi là 39.034,54 ha, trong đó có 13.279,97 ha rừng phòng hộ; 4.823,27 ha rừng đặc dụng; 20.903,93 ha rừng sản xuất, trong số đó có 17.527,65 ha là rừng tự nhiên. Hàng năm, có 100% rừng tự nhiên được bảo vệ, khoanh nuôi; 16.104,45 ha rừng trồng được chăm sóc; độ che phủ rừng hàng năm được duy trì từ 48% trở lên. Công tác trồng rừng trung bình đạt trên 1.400 ha/năm, trong đó trồng rừng theo dự án bảo vệ và phát triển rừng đạt 100 - 200 ha, chủ yếu là rừng sản xuất với loài cây keo tai tượng thực sinh. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tổ chức hướng dẫn các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho các đối tượng chủ rừng áp dụng rộng rãi sử dụng giống keo tai tượng nhập khẩu từ Úc để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Năm 2018, có trên 120 ha diện tích rừng trồng sau khai thác được sử dụng giống keo Úc. Chất lượng rừng ngày một tăng lên do chất lượng giống đã được kiểm soát. Hiện tượng khai thác rừng non cũng giảm dần. Việc sắp xếp 3 loại rừng cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn; công tác giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được chú trọng, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từng bước được hoàn thiện, cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo đã giúp người dân làm nghề rừng, nhất là các hộ nghèo cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Việc xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng từng bước đã huy động được mọi nguồn lực, cũng như mọi thành phần kinh tế tham gia vào bảo vệ và phát triển rừng. Có nhiều chương trình, dự án đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, tạo cơ hội việc làm và tăng thêm thu nhập cho người làm nghề rừng. Do đó, không xảy ra tình trạng chặt phá khai thác rừng, lấn chiếm rừng, săn bắt động vật rừng .
Đồng chí Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Công tác trồng rừng, bảo vệ rừng được quan tâm, diện tích trồng rừng hàng năm đều vượt kế hoạch đề ra; phát triển theo hướng tăng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây bản địa. Ngành lâm nghiệp đang trong giai đoạn tái cơ cấu, tạo ra những đột phá mới trong canh tác lâm nghiệp, việc khuyến khích thâm canh rừng và xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành. Do đó, ngành lâm nghiệp tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan làm tốt công tác quản lý rừng bền vững, duy trì và phát triển nguồn tài nguyên rừng hướng đến cấp chứng chỉ rừng.