Mô hình thu gom phế liệu gây quỹ của Hội LHPN xã Bắc Phong (Cao Phong) nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên và người dân.
Lan tỏa những hành động, mô hình thiết thực
Đồng chí Phạm Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hòa Bình cho biết: Trong gia đình, phụ nữ thường là người sử dụng, tiếp cận và trực tiếp giải quyết các vấn đề về rác thải. Vì vậy, Hội LHPN các cấp đã tích cực triển khai các mô hình gần gũi trong cuộc sống gia đình. Từ đó làm thay đổi thói quen, nhận thức của hội viên về các hoạt động BVMT.
Mỗi sáng, chị Bùi Thị Mai ở phường Tân Hòa cùng chị em trong khu dân cư đi chợ. Thời gian gần đây, thay vì lấy túi nilon đựng thức ăn, các chị đều cẩn thận xếp thực phẩm vào chiếc làn mang theo. Chị Mai chia sẻ: "Từ khi tham gia các chương trình sinh hoạt Hội, được tuyên truyền về tác hại của túi nilon, được tặng chiếc làn nhựa nên tôi đã thay đổi suy nghĩ và thấy rất vui khi góp hành vi nhỏ nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường xung quanh”.
Đối với phường Quỳnh Lâm, Hội LHPN đã thành lập mô hình "Chi hội phụ nữ thu gom rác thải tái chế" tại Chi hội 6. Mô hình thu hút đông đảo hội viên tham gia. Đặc biệt việc biến rác thải thành quỹ đã góp phần có thêm kinh phí hỗ trợ hội viên khó khăn và ý nghĩa hơn nữa khi chị em có thêm kiến thức về phân loại rác thải, thay đổi thói quen khi xử lý rác thải tại gia đình. Không chỉ ở khu vực trung tâm thành phố, tại xã Độc Lập, Hội LHPN xã phối hợp với UBND xã tổ chức hội nghị nhân rộng mô hình "Phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình” ở 5 chi hội: Mường Dao, Can, Sòng, Nưa, Mùi với 100 thành viên tham gia…
Đồng chí Khà Thị Luận, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh, từ công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên, Hội LHPN các cấp đã xây dựng, duy trì hiệu quả các mô hình "Thùng rác tự quản”, "Lò xử lý rác thải”,"Hố rác nội đồng”, "Thu gom, xử lý rác thải hộ gia đình”. Ngoài ra, các mô hình "Chạn bát hợp vệ sinh”, "Phụ nữ xách làn đi chợ” và gần đây nhất là "Phụ nữ nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần” đang ngày càng nhân rộng. Trong 3 năm (2020 - 2023), các cấp hội tặng gần 1.790 làn nhựa và thùng đựng rác cho các hộ hội viên; xây dựng 105 hố rác, 32 "lò đốt rác mi ni” tại gia đình, thu hút 406 hội viên phụ nữ tham gia. Đặc biệt là trong nhiều năm nay, vào sáng Chủ nhật hàng tuần, trên khắp các tuyến đường từ thành thị đến vùng nông thôn rất đông người dân tham gia vệ sinh môi trường, trong đó phần lớn là phụ nữ. Để công tác BVMT trở thành thói quen hàng ngày của mỗi người dân, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở phối hợp phát động sâu rộng phong trào "Ngày Chủ nhật xanh”. Qua đó từng bước nâng cao tinh thần tự giác của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không vứt rác bừa bãi, thường xuyên vệ sinh nhà ở và nơi làm việc, các khu vực sản xuất, kinh doanh, đường phố sạch sẽ…
Hưởng ứng tích cực, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi
Đồng chí Khà Thị Luận, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết thêm: Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò chủ trì tham mưu và là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động triển khai các chương trình, phong trào, cuộc vận động (CVĐ) tại cộng đồng dân cư. Từ đó, các cấp hội đã nhận được sự phối hợp thống nhất hành động của các hội, đoàn thể, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia.
Theo đó, Hội Phụ nữ xác định tuyên truyền là nhiệm vụ then chốt để lồng ghép tuyên truyền các nội dung BVMT tới cán bộ, hội viên, phụ nữ (HVPN) trong tỉnh bằng hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp thực tế tại địa phương. Tiêu biểu như: Lồng ghép tổ chức các hoạt động đặc thù gắn với CVĐ "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và "Gia đình 5 có, 3 sạch”, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội; phối hợp tổ chức truyền thông về BVMT, góp phần xây dựng NTM tại các buổi sinh hoạt chi hội. Trong 3 năm (2020-2023), có 19.450 HVPN tham gia các chương trình truyền thông BVMT của Hội; 489 cuộc tuyên truyền cho trên 24.450 lượt HVPN, người dân về việc không sử dụng túi nilon, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, thường xuyên phân loại rác tại nguồn, thu gom, xử lý đúng nơi quy định, góp phần đảm bảo sức khỏe, môi trường sống cho nhân dân.
Đặc biệt, các cấp Hội thông qua các mô hình, CLB để đẩy mạnh hoạt động chung tay BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương tập thể, cá nhân phụ nữ điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Từ năm 2020 đến nay đã đăng tải gần 600 bài trên website, fanpage của Hội về các hoạt động nổi bật trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần xây dựng môi trường an toàn, đảm bảo mỹ quan và sức khỏe cho nhân dân; tổ chức 15 hội nghị truyền thông chủ đề "Phụ nữ BVMT và phòng chống rác thải nhựa” cho 675 HVPN tại các huyện: Lương Sơn, Mai Châu, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong và TP Hòa Bình; 4 cuộc giao lưu truyền thông sân khấu hoá về BVMT tại 2 huyện: Tân Lạc, Mai Châu; 27 lớp tập huấn về cách thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn cho 1.350 CBHVPN...
Ngoài ra, các cấp Hội tiếp tục thực hiện CVĐ "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và "Gia đình 5 có, 3 sạch” gắn với xây dựng NTM; duy trì hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, trong đó tập trung phân loại rác thải tại nguồn, phòng chống rác thải nhựa, vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông kênh mương, cống rãnh; thu gom, phân loại rác thải, thu hút 10.024 lượt HVPN tham gia; xây dựng mới hơn 200 nhà tiêu hợp vệ sinh trị giá gần 1 tỷ đồng; thành lập và nhân rộng 23 mô hình "Mỗi rác thải là một cây xanh”, "Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn”, "thôn, xóm kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu”, "phòng chống rác thải nhựa”… Các cấp Hội, cán bộ HVPN còn tích cực hưởng ứng cuộc thi trực tuyến "Phụ nữ chung tay phục hồi hệ sinh thái” do T.Ư Hội LHPN Việt Nam tổ chức (năm 2021) với 90 bài dự thi. Bài dự thi "3Tfarm – Hệ sinh thái tự nhiên vì môi trường bền vững” của Hội LHPN huyện Cao Phong đã dành được giải nhì. Hội LHPN tỉnh cũng quan tâm triển khai thực hiện dự án "Tăng cường vai trò của phụ nữ trong BVMT sống vì sức khỏe cộng đồng” tại xã Thanh Hối, Nhân Mỹ (Tân Lạc) và Mai Hạ, Vạn Mai (Mai Châu)...
"Từ những kết quả đạt được, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tốt các phong trào thi đua, nhân rộng các mô hình phụ nữ BVMT phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương. Các hoạt động BVMT thể hiện vai trò, trách nhiệm cũng như nỗ lực vượt khó của các cấp Hội Phụ nữ thời gian qua rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, BVMT xanh - sạch - đẹp không phải trách nhiệm riêng ai. Chính vì vậy rất cần sự vào cuộc, chung tay góp sức tích cực của toàn xã hội, có như thế các phong trào, mô hình BVMT mới có sức lan tỏa mạnh, phát huy hiệu quả tích cực, đảm bảo cho sự phát triển bền vững… ", đồng chí Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh.
Bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động trọng tâm của công tác Hội Bùi Thị Thúy Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Lạc Hàng năm, Hội LHPN huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia BVMT, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt định kỳ của CLB, chi, tổ hội với hình thức đa dạng, phong phú như: Nói chuyện chuyên đề, giao lưu, tọa đàm vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10), Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Khí tượng thế giới (23/3)... Hội LHPN huyện còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên nâng cao nhận thức về nước sạch và vệ sinh môi trường, phổ biến kỹ thuật, công nghệ về BVMT, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; phát động các chiến dịch ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thực hiện phân loại rác thải ngay tại gia đình, hạn chế sử dụng túi nilon; thu gom vỏ thuốc trừ sâu; không đốt rơm rạ, không xả rác thải ra suối; trồng hoa, trồng cây xanh, xây nhà tiêu hợp vệ sinh… Với những hoạt động thiết thực, phong trào BVMT của các cấp Hội Phụ nữ huyện Tân Lạc đã góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức cho hội viên tham gia BVMT; duy trì và nhân rộng các phong trào, mô hình điểm thiết thực như: "Đoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp”, "Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình”, "Ngày Chủ nhật xanh”, "Đi chợ bằng làn”, các dự án xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh… góp phần xây dựng NTM bền vững. |
Nâng cao ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường Bùi Thị Dung Chủ tịch Hội LHPN xã Bắc Phong (Cao Phong) Từ khi triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào về BVMT, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp, tiêu biểu là các cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, "Nhà sạch - vườn đẹp” đã thu hút đông đảo phụ nữ tại các chi hội tham gia. Qua đây chị em có ý thức tự giác giữ vệ sinh nơi ở, tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, hăng hái phát triển kinh tế và hỗ trợ phụ nữ nghèo. Đặc biệt, phụ nữ xã cũng quan tâm các hoạt động truyền thông về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu và hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm hàng năm. Theo đó, các chi hội đồng loạt ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chăm sóc, cắt tỉa hoa vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật với gần 10 km đường. Thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 lồng ghép với phong trào thi đua "Phụ nữ Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hội LHPN xã xây dựng công trình cây xanh tại chi hội xóm Môn; phát động, vận động hội viên trồng cây xanh; phối hợp ra quân khơi thông cống rãnh, nạo vét mương, bai 2 vụ. Hội phối hợp Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân xã tổ chức các lớp tập huấn quy trình sản xuất thân thiện với môi trường cho nông dân tại các xóm; tổ chức ra mắt mô hình "Thu gom phế liệu gây quỹ, bảo vệ môi trường” tại xóm Má 1; phối hợp tuyên truyền về phân loại, thu gom, xử lý rác thải... |
Bảo vệ môi trường trở thành hoạt động thường xuyên Bùi Thị Đại Tổ trưởng tổ 2, Chi hội Phụ nữ thôn Rường, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) Đã thành nếp, hàng tuần hội viên, phụ nữ thôn Rường duy trì hoạt động vệ sinh đường làng ngõ xóm, chăm sóc đường hoa, thu gom rác thải tại hộ gia đình... "Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm" nên chúng tôi thường xuyên bảo ban nhau giữ nhà cửa, ngõ xóm xanh, sạch đẹp để BVMT, bảo vệ sức khỏe cho gia đình. Ngoài ra, tôi cùng chị em trong chi hội vận động hội viên tham gia nhóm tiết kiệm góp vốn xoay vòng để mỗi tháng hỗ trợ 2 chị mua sắm các vật dụng trong gia đình như: chạn bát, giá treo xoong nồi, xây nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh… Từ khi thực hiện mô hình, đến nay có 32 chị tham gia và đã giúp được 240 lượt chị em. Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã và sự đồng tình hưởng ứng của người dân, việc bảo đảm VSMT trên địa bàn thôn ngày càng được nâng cao. Môi trường được cải thiện rõ rệt, góp phần tích cực xây dựng NTM tại địa phương. |