Mô hình nuôi lợn bản địa của phụ nữ xóm Bai Khựa, xã Định Cư (Lạc Sơn) đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Đồng chí Khà Thị Luận, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ được triển khai mạnh, có sự đổi mới về chất theo hướng hỗ trợ toàn diện, tăng cường kết nối sự tham gia hỗ trợ, đồng hành của các ngành, các cấp, các nguồn lực xã hội và sự chủ động của HVPN. Thực hiện Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Ðề án 939), hàng năm, hội phụ nữ các cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hội thảo, diễn đàn, phiên chợ truyền thông, kết nối tiêu thụ sản phẩn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu... Trong nửa nhiệm kỳ qua, hội đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho 824 chị là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã (HTX), chủ hộ kinh doanh; hỗ trợ hơn 600 chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng hỗ trợ giống, vốn, tiền mặt, tiếp cận vốn, trong đó hỗ trợ 102 chị tham gia Cuộc thi khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Hoà Bình tổ chức 2 năm 1 lần. Có 28 ý tưởng đoạt giải và hiện thực hoá ý tưởng khởi nghiệp thành công, tiêu biểu có các dự án, ý tưởng về phát triển nông nghiệp, du lịch và dược liệu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các cấp hội vận động phụ nữ tích cực tham gia các mô hình kinh tế tập thể. Trong đó, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức rà soát mô hình kinh tế và sản phẩm có chất lượng trên địa bàn; ký kết chương trình phối hợp với Liên minh HTX tỉnh. Trong nửa nhiệm kỳ, hội đã hỗ trợ thành lập 9 HTX do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý; hỗ trợ thành lập 143 mô hình (gồm 27 HTX, 40 tổ hợp tác, 76 tổ liên kết ), tập trung vào các ngành nghề sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, làm dịch vụ, du lịch... Nhiều mô hình kinh tế tập thể, HTX tích cực tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, xây dựng được nhiều sản phẩm có chất lượng, có tem, nhãn mác, được xếp hạng sản phẩm OCOP như: trà, cao cà gai leo, hạt dổi, ớt rừng, tinh dầu xả, gà Lạc Sơn, cam 3TFarm, rau su su Quyết Chiến, rau hữu cơ Lương Sơn, rau PGS Kim Bôi, dầu omega sa chi; thổ cẩm Mai Châu, Lạc Sơn... Nhiều sản phẩm đã được kết nối, tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng trong và ngoài nước.
Ngoài ra, các phong trào: "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, ”Giúp hộ nghèo có địa chỉ” tiếp tục được các cấp hội quan tâm, đẩy mạnh. Hàng năm, hội tổ chức rà soát, đăng ký giúp hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ và tổ chức các hoạt động giúp đỡ. Trong nửa nhiệm kỳ qua số hộ có phụ nữ thuộc hộ nghèo được hội giúp thoát nghèo là 1.679 hộ, số hộ có phụ nữ thuộc hộ cận nghèo được hội giúp thoát cận nghèo là 1.314 hộ.
Đặc biệt, các cấp hội đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi với các ngân hàng: Chính sách xã hội, NN&PTNT, Liên Việt với tổng dư nợ trên 1.975 tỷ đồng, cho 32.453 hội viên vay phát triển kinh tế. Nguồn vốn đã kịp thời hỗ trợ chị em có điều kiện làm ăn, khởi nghiệp và làm giàu chính đáng, góp phần cùng địa phương thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả.
Trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh triển khai các chương trình phát triển KT-XH gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho HVPN là giải pháp đảm bảo an sinh xã hội tích cực, hiệu quả, bền vững. Phát động các cấp hội tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua tích cực lao động, sản xuất - kinh doanh, khởi nghiệp làm giàu, thoát nghèo bền vững, đặc biệt tập trung thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025; phối hợp với các ngành, tổ chức khai thác, huy động nguồn lực kết hợp với dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kiến thức quản lý kinh tế hộ gia đình, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ… góp phần thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Hồng Duyên