(HBĐT) - Tết là dịp để họp mặt gia đình, để quây quần bên nhau chào đón năm mới. Tuy nhiên có những bạn du học sinh vì học hành, thi cử, kinh tế mà không thể về quê hương đón năm mới cùng gia đình. Vì vậy, các bạn chỉ có thể đón giao thừa qua từng bức ảnh, những dòng tin nhắn của gia đình, bạn bè gửi tới hay trên những bài viết ở trang mạng xã hội mà thôi.
Bạn Lê Tuấn Anh (thứ 3 từ phải sang) cùng các du học sinh Việt Nam ở thủ đô Moskova (Nga) tổ chức tiệc tất niên mừng Tết Nguyên đán.
Tết chỉ thật sự trọn vẹn khi được ở cạnh gia đình. Bạn Lê Tuấn Anh (phường Phương Lâm, TP. Hoà Bình, hiện đang theo học tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia "MISiS", Thủ đô Moskova, Nga) cho biết: "Năm đầu tiên đón Tết xa quê hương, sống một mình nơi đất khách, học cách tự làm quen với tất cả mọi thứ từ sinh hoạt đến việc học nên em nhớ nhà vô cùng. Vì chưa quen được nhiều bạn người Việt Nam ở đây, giao thừa năm đó em chỉ căn giờ gọi điện về nhà chúc tết gia đình. Đến giờ đã 4 năm, quen được nhiều học sinh Việt bên này nên tết đến không còn cảm giác tủi thân và cô đơn nữa. Vào đêm Giao thừa, em cùng nhóm bạn chơi thân tập trung nhau lại nấu ăn, có năm tự gói bánh chưng, vui vẻ quây quần bên mâm cơm tất niên và đếm ngược tới khoảnh khắc đầu tiên bước sang năm mới. Tụi em dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp và ngay sau đó là gọi điện về Việt Nam để chúc Tết gia đình.”
Trước khi chưa đi du học, mọi năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Tuấn Anh cùng mẹ đi sắm đồ cúng ông Công, ông Táo, phụ mẹ làm mâm cơm cúng và phụ trách "nhiệm vụ” thả cá chép vàng. Nhớ lại thời gian đó, Tuấn Anh nghẹn ngào: "Ngày còn ở nhà em ít khi để ý đến chuyện mua đào, quất, dọn dẹp nhà cửa. Mẹ bảo gì mới làm nấy. Tới khi sang đây, phải tự làm tất cả mọi việc càng thấy nhớ và thương mẹ nhiều. Tết Nguyên đán ở Việt Nam diễn ra trùng với kỳ nghỉ đông của trường, tuy vậy vì nhiều lí do em vẫn không có điều kiện về đón tết cùng gia đình. Chỉ có thể cùng bạn bè ăn bữa cơm tất niên, cùng tham quan một số địa điểm gần nơi đang theo học mà thôi. Dù bên này cũng có bán đủ mọi thứ từ nguyên liệu làm bánh chưng và nhiều đồ ăn truyền thống, nhưng không khí Tết không thể như ở nhà, em vẫn luôn mong đến ngày được trở về đón giao thừa ấm cúng với gia đình, cùng xem pháo hoa, mua muối và diêm rồi về nhà xông đất, nhận lì xì của mẹ”.
Lệch múi giờ 6 tiếng đồng hồ so với Việt Nam, bạn Nguyễn Thị Diệu Huyền (phường Phương Lâm, TP. Hoà Bình, hiện đang là sinh viên của trường Kingsbrook Idiomas, thành phố Balcerlona, Tây Ban Nha) cho biết: " Ở đây, người bản địa chỉ đón Tết Dương lịch, thế nên khi đến Tết cổ truyền của dân tộc, bọn mình vẫn đi học, đi làm như bình thường. Giao thừa năm nào cũng phải xem bắn pháo hoa qua mạng xã hội. Nhìn thấy gia đình quây quần bên nhau, con gái ở xa cũng nghẹn ngào. Có tết mẹ mình còn trêu: "Bố và các bác lì xì cho con nhiều lắm, mẹ nhận hộ hết rồi con về sẽ đưa cho cả xấp nhé!”. Nghe đến đó, thật sự muốn vỡ oà vì nhớ nhà. Nhưng chỉ dám rơi nước mắt lúc đã kết thúc cuộc gọi cho mẹ đỡ lo.” Thấy các bạn ở quê nhà chia sẻ video tự tay gói bánh chưng, làm mứt, đi mua đào, quất, mình chỉ ước được ùa vào vòng tay gia đình ngay lập tức và được ăn bữa cơm 30 tết đoàn tụ.
Để vơi đi nỗi nhớ nhà trong Tết cổ truyền này, cộng đồng du học sinh tại Barcelona càng gắn chặt với nhau hơn bao giờ hết. Sinh viên Hoà Bình tại Barcelona hay bất cứ đất nước nào cũng luôn có tinh thần dân tộc và hướng về truyền thống đất nước. Huyền cùng bạn bè ở Hoà Bình và nhiều địa phương khác của Việt Nam đến siêu thị mua nguyên liệu và tự tay gói những chiếc bánh chưng xanh, tự nấu những món giò, nộm, nem... Đó là những món ăn truyền thống mà dù có đi xa thì bất cứ người con đất Việt nào cũng nhớ tới. Thấy du học sinh người Việt hân hoan đón Tết, các bạn học sinh ở nước ngoài cũng rất tò mò và hào hứng.
Dù không được ăn Tết ở nhà, những người con Hoà Bình nói riêng và những du học sinh quê hương Việt Nam nói chung vẫn chuẩn bị những bữa cơm tất niên, thắp hương vào thời khắc giao thừa, hướng những tình cảm yêu thương nhất về quê hương trong dịp Tết cổ truyền. "Chúc gia đình năm mới an khang, phú quý, sức khoẻ dồi dào, vạn sự bình an” - đó là những ước nguyện mà các bạn du học sinh tại nước ngoài muốn gửi gắm đến gia đình. Dù đón tết xa nhà nhưng hương vị Tết cổ truyền và hình ảnh gia đình luôn in sâu trong tâm trí mỗi người, đó sẽ là nguồn động viên tinh thần lớn nhất để những người con xa quê phấn đấu, nỗ lực vì tương lai của chính bản thân, gia đình và cả quê hương.
Thu Hằng