Xã Hiền Lương (Đà Bắc) chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi nhiều mỗi lần trở lại Hiền Lương, một trong những xã vùng hồ của huyện Đà Bắc. Con đường từ huyện đến trung tâm xã được đổ bê tông rộng rãi, có gia cố những điểm trượt sạt đã cơ bản xong, hiện tiếp tục triển khai nối với xã Tiền Phong. Cuộc sống người dân nâng lên rõ rệt. Từ một xã khó khăn vùng hồ, đến nay đã tìm được hướng phát triển liên kết nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch cộng đồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề phụ. Năm 2019, xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 36,5 triệu đồng, hộ nghèo còn 11,6%. Đồng chí Nguyễn Đăng Giáp, người vừa được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương tâm sự: Đời sống người dân đã có bước tiến rất lớn. Trước đây, từ trung tâm huyện đến xã dù chỉ khoảng 8 - 9 km cũng mất tới cả tiếng đồng hồ, chứ đừng nói đi xóm Ngù, xóm Mái, những nơi cao nhất của xã. Bây giờ, xã đã có nhiều khách du lịch đến trải nghiệm, tạo nguồn thu đáng kế cho một số hộ dân. Xóm Ké trở thành điểm du lịch cộng đồng có ấn tượng tốt với du khách thăm quan, trải nghiệm. Nhiều xóm mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát triển chăn nuôi trâu, bò, gia súc, nuôi trồng thủy sản có thu nhập ổn định.
Đà Bắc là huyện vùng cao, rộng nhưng lại khó khăn bậc nhất tỉnh, người dân chịu nhiều thiệt thòi vén nhà theo con nước di dời, hy sinh nhà cửa để xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Thời điểm đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước eo hẹp, mất nhiều năm chưa giải quyết căn cơ cuộc sống cho người dân. Hàng trăm hộ gia đình phải từ bỏ quê hương vào phương Nam, hoặc đến các vùng thuận lợi hơn ở trong và ngoài huyện với ước mong có cuộc sống đỡ cực nhọc hơn. Ngay cả những năm đầu tái lập tỉnh, đến cán bộ cũng ngại ngần khi đi công tác Đà Bắc. Các xã gần trung tâm huyện như Hiền Lương, Cao Sơn cũng rất khó khăn, chưa nói đến các xã Nánh Nghê, Trung Thành, Yên Hòa… Hồi ấy, cán bộ, giáo viên cắm bản đi làm đằng đẵng cả năm mới về quê vài lần. Người ta vẫn thường đùa mà rơi nước mắt: "Bao giờ Suối Nánh có kem, Đồng Nghê có phở thì em có chồng”.
Tuyến đường 433 độc đạo từ TP Hòa Bình đến các xã vùng cao Đà Bắc luôn nhức nhối, trở thành nỗi ám ảnh về khó khăn, cách trở của huyện Đà Bắc từng chỉ có 1 tuyến xe khách mỗi ngày, có những lần cả xe khách bị trượt sạt, đất, đá vùi lấp, đứt đường hàng tháng trời. Để giải quyết khó khăn cho Đà Bắc, Nhà nước cũng triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển KT-XH vùng hồ, hỗ trợ phát triển sản xuất; chính sách định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo… Nhiều công trình hạ tầng giao thông, trường học, trung tâm cụm xã, bến thuyền, chợ nổi ven hồ, nhiều chính sách trồng cây được triển khai. Ngay cả đến khi nhà máy thủy điện phát điện, nhiều khu vực ở Đà Bắc vẫn được coi là "quầng tối” nơi chân đèn. Và hiện tại, huyện luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, thiên tai mưa lũ thường trực, chỉ một trận mưa lũ, trượt sạt xảy ra quét sạch biết bao cố gắng của cán bộ và Nhân dân trong huyện. Có lẽ chính trong điều kiện khó khăn ấy, cán bộ và Nhân dân huyện Đà Bắc càng có ý thức phấn đấu, vươn lên, đổi mới tư duy, cách làm hoàn thành cơ bản Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV. Trong đó, huyện đã tạo sự bứt phá trong nhiều lĩnh vực công tác. Cán bộ tích cực nâng cao trình độ, nhận thức chính trị đáp ứng yêu cầu công tác. Người dân có ý thức sử dụng đồng vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Kết cấu hạ tầng KT-XH được chú trọng đầu tư phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển sản xuất và cải thiện dân sinh. Từ chỗ đứng trước nguy cơ là huyện trắng về xây dựng NTM vào năm 2016, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, năm 2019, huyện có xã Tú Lý, Hiền Lương đạt chuẩn NTM, đến năm 2020 thêm xã Toàn Sơn đáp đích NTM, dự tính năm nay có thêm xã Cao Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM…
Các tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, thủy sản, du lịch từng bước được đánh thức. Nhiều xóm, bản vùng hồ như: Xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Đức Phong (xã Tiền Phong), xóm Sưng (xã Cao Sơn)… đã ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch, trở thành điểm đến thăm quan, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước. Trên vùng hồ cũng hình thành nhiều mô hình liên kết phát triển nguồn lợi thủy sản, mang lại thu nhập khá cho người dân. Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng thương hiệu cá sông Đà có uy tín đối với thị trường khu vực. Nhiều nơi như Mường Chiềng, Tú Lý… đã hình thành các mô hình chăn nuôi gia súc quy mô lớn, hiệu quả cao… Người dân từng bước được tiếp cận các điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Những khó khăn, quan san, cách trở dần lùi vào quá khứ. Nếu như trước đây đi đến các xã vùng khó khăn mất cả ngày trời, nay chỉ còn vài tiếng. Đặc biệt, huyện đã ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Đảng bộ huyện cũng quyết liệt lãnh, chỉ đạo giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình phát triển. Công tác khắc phục thiên tai, khôi phục ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân, các chính sách an sinh xã hội cũng được chăm lo, rút dần những khó khăn, khoảng cách với các vùng thuận lợi.
Đồng chí Bùi Văn Luyến, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng huyện cũng đang có những cơ hội để bứt phá, vươn lên. Đó là vùng hồ Hòa Bình được quy hoạch là trọng điểm du lịch của tỉnh, nhiều dự án, tuyến đường quan trọng đang được tính toán đầu tư sẽ giúp Đà Bắc khai thác lợi thế để phát triển. Huyện tập trung chỉ đạo các giải pháp huy động các nguồn lực để phát triển nông nghiệp, thủy sản, chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc ở những khu vực có điều kiện; phát triển du lịch hồ Hòa Bình gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc. Huyện đang phối hợp đơn vị chức năng, chính quyền TP Hòa Bình hoàn thiện quy hoạch vùng thị trấn Đà Bắc, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đẩy mạnh cải cách hành chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chăm lo tốt hơn đến an sinh xã hội.
Lê Chung