Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Lạc Sơn đã có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Đây là điều kiện giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có được nguồn vốn để phát triển sản xuất, vượt lên khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, đã có trên 800 lượt hộ nghèo trên địa bàn huyện Lạc Sơn được vay vốn chính sách để phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập. Ảnh chụp tại xã Tân Mỹ.
Gia đình bà Bùi Thị Viến, xã Quyết Thắng là hộ nghèo của xã. Do không có vốn nên việc phát triển kinh tế của gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Thông qua tư vấn, giúp đỡ của các tổ chức hội, bà Viến đã làm thủ tục xin vay vốn từ NHCSXH. Với số tiền được vay 100 triệu đồng, gia đình bà đã mở rộng chuồng trại nuôi gà thả vườn. Sau gần một năm, đàn gà tăng lên, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Bà Viến chia sẻ: "Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH mà gia đình tôi có điều kiện để đầu tư chăn nuôi gà. Hiện nay đàn gà phát triển tốt, gia đình rất hy vọng sẽ cải thiện thu nhập, sớm thoát khỏi diện hộ nghèo. Bên cạnh đó, gia đình mong muốn thời gian tới có thêm nguồn vốn vay với thời hạn cho vay dài hơn”.
Cũng thuộc diện hộ nghèo, năm 2021, gia đình anh Quách Ngọc Tấn, xóm Mặc, xã Tân Mỹ đã được vay 40 triệu đồng đầu tư nuôi trâu sinh sản. Theo anh Tấn chia sẻ, những năm trở lại đây nhiều hộ dân trong xóm đã chuyển đổi đất ruộng sang trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ được vay vốn chính sách, gia đình anh tiếp tục mua thêm trâu về nuôi, mỗi năm đem lại nguồn thu nhập cao hơn trước. Qua đó vợ chồng anh không còn đi làm ăn xa mà ở nhà tập trung nuôi trâu. "NHCSXH thực hiện giao dịch ngay tại xã nên rất thuận tiện cho người dân. Đặc biệt là lãi suất phù hợp, thủ tục vay vốn đơn giản, ngân hàng luôn quan tâm, hỗ trợ người dân để sử dụng vốn hiệu quả”, anh Tấn chia sẻ.
Với tỷ lệ hộ nghèo còn trên 19%, có thể nói, nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH có vai trò hết sức quan trọng trong giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Hiện nay, NHCSXH huyện quản lý 17 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ hơn 639,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn cho vay hộ nghèo có dư nợ lớn nhất với 176,5 tỷ đồng. Đồng chí Trần Quốc Lập, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lạc Sơn cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn cao nên nhu cầu được vay vốn chính sách còn rất lớn. Thời gian qua, đơn vị đã tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện để tăng thêm nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Bên cạnh đó, đơn vị tập trung huy động tiền gửi tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân tại điểm giao dịch xã theo lãi suất thị trường.
Cùng với đó, NHCSXH huyện Lạc Sơn đã triển khai các biện pháp để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, góp phần cùng thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Được biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, NHCSXH huyện Lạc Sơn đã thực hiện giải ngân vốn chính sách đối với 9 chương trình tín dụng, cho 3.148 lượt khách hàng vay vốn, trong đó, có trên 800 lượt hộ nghèo được vay vốn chính sách.
Viết Đào
Theo đồng chí Bùi Hồng Diên, Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo (Lạc Sơn), Tuân Đạo là xã thuộc vùng 135, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó tích cực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, công tác giảm nghèo của xã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần.
Đời sống của người dân trên địa bàn xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) dựa vào nông nghiệp là chính. Để trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả, tác động đến công cuộc giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH, cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể xã chú trọng tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời quan tâm công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững (GNBV) đã tạo sự chuyển biến toàn diện ở các xóm, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn huyện Cao Phong. Với việc thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), chính sách an sinh xã hội gắn với GNBV, trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 3,58%, cao hơn so với kế hoạch đề ra là 3%/năm.
Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã Yên Phú (Lạc Sơn) ước đạt 52 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 7,55%, hộ cận nghèo 9%. Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững.
Tuy xuất phát điểm khó khăn nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, xã Đa Phúc (Yên Thủy) đã gặt hái được thành công trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân.
Mới đây, tại ngày hội Đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc khu dân cư phố Côm, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp cấp ủy, chính quyền thị trấn bàn giao nhà ĐĐK cho hộ bà Bùi Thị Kiên và hộ ông Bùi Văn Thức thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Chương trình có ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống.