Chợ Độc Lập, xã Độc Lập (TP Hòa Bình) được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hoá của người dân.
Trên địa bàn TP Hòa Bình có một nơi giống như "nóc nhà”, khi đứng ở đó có thể ngắm nhìn gần như toàn cảnh phố núi xinh đẹp bên dòng sông Đà. Đó là xã vùng cao Độc Lập, xã ĐBKK duy nhất của thành phố. Với 98% dân số là người DTTS, Độc Lập từng là một xã khó khăn về đường giao thông, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, giao thông dễ bị chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều… Tuy vậy, dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có, xã xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của địa phương, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể thúc đẩy kinh tế phát triển, lấy khó khăn làm động lực vươn lên.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Quế, Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết: Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế địa phương theo từng năm, xã phân công cán bộ, công chức phụ trách các xóm định hướng cách làm cho người dân. Tận dụng nguồn lực từ 3 chương trình MTQG: xây dựng NTM, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS&MN, giảm nghèo bền vững để hỗ trợ nhân dân làm nhà ở, xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập... Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân đã mang lại "quả ngọt” khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,25%, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 51 triệu đồng. Các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm được hình thành và phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân...
Ngoài Độc Lập, những năm qua, từ điểm xuất phát thấp, nhiều xã vùng cao, vùng ĐBKK trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, có nhiều sáng tạo, nỗ lực trong phát triển KT-XH, về đích NTM, thoát khỏi vùng ĐBKK. Tiêu biểu như các xã: Hưng Thi (Lạc Thủy); Hữu Lợi, Bảo Hiệu, Lạc Lương (Yên Thủy); Quyết Chiến, Gia Mô, Lỗ Sơn (Tân Lạc); Hợp Phong (Cao Phong); Cao Sơn (Đà Bắc)...
Giai đoạn 2019 - 2024, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS&MN, vùng ĐBKK. Tỉnh ưu tiên dành nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề, mở rộng việc làm cho con em người dân tộc thiểu số; triển khai các hoạt động sinh kế hỗ trợ đồng bào ổn định sản xuất, đời sống. Thực hiện các chương trình MTQG đã tạo đà phát triển toàn diện khu vực nông thôn của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 80/129 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 62%), trong đó có 14 xã ĐBKK và 7 xã khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,20% (năm 2023); thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2024 ước đạt 77,59 triệu đồng/năm.
Đồng chí Hà Văn Di, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Kế hoạch năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm6 xã đạt chuẩn NTM; bình quân tiêu chí NTM đạt 16,2 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 28 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu và 75 khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu; 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Theo đó, phát huy những kết quả đạt được, tỉnh tiếp tục thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS&MN; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN với 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung đầu tư khác nhau được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc đã được UBND tỉnh ban hành.
Thu Hằng