Bức tranh đã tái hiện khoảnh khắc lịch sử hồi 17h30’ ngày 7/5/1954 khi lá cờ "Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.
Theo thông tin Nguyễn Thùy Dương chia sẻ, bức tranh tròn Panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” là bức tranh toàn cảnh đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến năm 2024. Đây là bức tranh có quy mô lớn nhất Đông Nam Á và là 1 trong 3 bức tranh tròn lớn nhất trên thế giới. Bức tranh đã đồng hiện những khoảnh khắc tiêu biểu, sự kiện điển hình của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Tác phẩm được khởi công, thực hiện trong thời gian 9 năm, từ năm 2013 và mãi đến tháng 5/2022 mới hoàn thành. Đây là công trình nghệ thuật đồ sộ với sự tham gia của gần 200 họa sỹ. Bức tranh được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan trong không gian 3600. Bức tranh có chiều cao 20,5m, chiều dài 132m, đường kính 42m. Phần đắp nổi sắp đặt các mẫu vật nối tiếp, phần mái vòm thể hiện bầu trời hòa bình tạo nên một bức tranh có tổng diện tích 3.225m2. Hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng Tây Bắc và sự hùng tráng, ác liệt của chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954 được các họa sỹ khắc họa từ hàng nghìn tư liệu lịch sử được sưu tầm từ Trung tâm dữ liệu quốc gia Pháp, Thư viện Quốc gia Việt Nam và các Trung tâm lưu trữ quốc gia, Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, các nhân chứng lịch sử. Bức tranh đã khắc họa, thể hiện liên hoàn, kết hợp với các khối nổi và nhiều vật dụng trong chiến tranh được sắp đặt hợp lý đã tạo nên một không gian vừa thực lại vừa ảo, gây ấn tượng mạnh người xem.
Nội dung bức tranh được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên. Tất cả hình ảnh và sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạnh theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho người xem cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động.
Ở Trường đoạn 1 tái hiện hình ảnh "Toàn dân ra trận”. Thể hiện sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Đó là bức chân dung của cả một thế hệ với hàng nghìn, hàng vạn con người cùng dấn thân vào một trận chiến vĩ đại vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Hàng trăm chiến sỹ công binh, thanh niên xung phong cùng phá đá, mở đường, từng đoàn dân công chân đất trèo đèo, lội suối thồ hàng cung cấp cho tiền tuyến. Những đoàn xe đạp thồ chất đầy những bao gạo như đoàn ngựa sắt dã chiến hùng dũng tiến ra mặt trận. Khẩu pháo nặng hàng tấn được kéo bằng những sợi dây thừng siết chặt trên đôi vai người lính vượt qua bao núi cao, vực sâu để tiến vào trận địa.
Trường đoạn 2 là "Khúc dạo đầu hùng tráng” với điểm nhấn là trận đánh mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ tại trung tâm đề kháng Him Lam vào ngày 13/3/1954. Thể hiện sức mạnh và quyết tâm giành thắng lợi ngay trận đánh mở màn. Sau khi tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, bộ đội ta tiến đánh cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo và tiến vào phân khu trung tâm Mường Thanh, đánh chiếm các cứ điểm phòng ngự của địch, trong đó có Đồi A1.
Trường đoạn 3 tái hiện một cách chân thực, sinh động về "Cuộc đối đầu lịch sử” với sự khốc liệt của đợt tấn công thứ 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt là trận đánh tại cứ điểm Đồi A1 vào đêm 6/5/1954. Giữa trận địa là cột khói bốc cao ngùn ngụt, đen đặc và những tia lửa chói lòa, đỏ rực cả bầu trời. Đó là tiếng nổ của khối bộc phá gần 1.000kg mà các chiến sỹ của Đại đoàn 316 anh hùng đặt trọn quyết tâm tiêu diệt cứ điểm phòng ngự của Pháp trên Đồi A1.
Cuối cùng là Trường đoạn 4 "Khúc khải hoàn mừng chiến thắng” đã tái hiện khoảnh khắc lịch sử hồi 17h30’ ngày 7/5/1954 khi lá cờ "Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ nhưng cũng vô cùng oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bức tranh "Trận chiến Điện Biên Phủ” là tác phẩm nghệ thuật, hoành tráng về quy mô, ấn tượng về nghệ thuật, đem đến cho người xem cảm giác chân thực, sống động nhất về diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trò chuyện với chúng tôi trong khoảng chờ, đón những vị khách mới đến tham quan bức tranh, Nguyễn Thùy Dương chia sẻ một "bí mật” mà không phải ai cũng biết, đó là trong quá trình thực hiện tác phẩm, các họa sỹ phải đi nhiều nơi, gặp các cựu chiến binh, đến nhiều gia đình có thân nhân là liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ để thu thập thông tin, hình ảnh… Nhất là chân dung các cựu chiến binh tham gia chiến dịch và chân dung các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ngoài mặt trận. Do vậy, phần lớn chân dung các "Chiến sĩ Điện Biên” xuất hiện trong tác phẩm này đều là hình ảnh, chân dung thật. Kể cả những tướng lĩnh, chỉ huy của quân Pháp sau khi bại trận.
Mạnh Hùng