Những năm gần đây, Công ty TNHH MTV 2-9 Hòa Bình, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cho ra đời sản phẩm chè búp xanh Yên Thủy - Hòa Bình khẳng định được thương hiệu trên thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người lao động.
Công nhân Công ty TNHH MTV 2-9 Hòa Bình (Yên Thủy) đóng gói sản phẩm chè.
Nhiều năm qua, sản phẩm chè của Công ty TNHH MTV 2-9 Hòa Bình đã từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường, giá trị sản phẩm được nâng lên. Năm 2023, chè của công ty được chứng nhận sản phẩm, dịch vụ vàng vì người tiêu dùng tại Chương trình diễn đàn phát triển thương hiệu uy tín quốc gia. Tháng 1/2024, "Chè búp xanh Yên Thủy - Hòa Bình” được UBND tỉnh chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Bà Đào Thị Thanh Thảo, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV 2-9 Hòa Bình cho biết: "Để có được sản phẩm "Chè búp xanh Yên Thủy - Hòa Bình”, công ty đã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến với dây chuyền chế biến từ búp chè tươi ra chè khô công suất bình quân 0,5 tấn sản phẩm/giờ, hoàn toàn có khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn phục vụ xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu búp chè cung cấp từ hộ dân nhận khoán đất của công ty tại vùng chè Yên Thủy - Lạc Sơn. Đây là vùng nguyên liệu tập trung diện tích khoảng 730 ha, giải quyết việc làm cho 200 công nhân tham gia trồng chè, thu nhập bình quân đạt 78 triệu đồng/người/năm.
Để sản phẩm "Chè búp xanh Yên Thủy - Hòa Bình” đạt đến sự tinh túy, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn OCOP 4 sao, sản phẩm phải trải qua 8 bước trong quy trình sản xuất, gồm: nguyên liệu búp chè tươi sau khi được thu hái bằng tay tập kết tại xưởng chế biến của công ty; tiếp đến búp chè tươi được đưa vào đầu ống xào để diệt men làm héo ở nhiệt độ 3000C từ 3 - 5 phút, công đoạn này quyết định đến vị thơm ngon tự nhiên của chè; sau khi xào đưa lên kệ ráo làm nguội; sau khi làm nguội đưa vào máy vò, thời gian vò từ 1,5 - 2 giờ; từ máy vò chuyển sang máy sàng tơi ở nhiệt độ 250 - 3000C, đây là công đoạn giúp sản phẩm không bị kết dính, làm cho chè tơi, bỏ phần vụn; tiếp đó chuyển sang máy sấy khô đạt trên 90%; sau khi sấy khô chuyển sang máy lăn để lên hương với nhiệt độ 220 - 3500C trong khoảng 40 phút; bước cuối cùng là đóng gói sản phẩm vào các túi giấy lụa loại 10g, 100g, 200g hút chân không, hoặc đóng theo từng hộp quà tặng đựng chè loại 0,5kg, 1kg, thời hạn sử dụng 24 tháng kể từ ngày sản xuất.
Sản phẩm có thành phần 100% là chè búp xanh được lưu giữ ở dạng khô với màu xanh đen, có mùi thơm tự nhiên, đặc trưng. Hiện nay sản phẩm đã có mặt tại thị trường trong và ngoài tỉnh như: Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định…
Để tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng diện tích trồng chè góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người trồng chè, bà Đào Thị Thanh Thảo, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV 2-9 Hòa Bình cho biết thêm: Trong thời gian tới, công ty tập trung phát triển cây chè theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; mở rộng diện tích chè giống mới, đặc biệt là chè chất lượng cao diện tích từ 30 - 50ha, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến chè xanh, đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng chè. Công ty đang hướng tới thị trường nước ngoài như Nhật Bản. Tích cực xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm, chương trình trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, lễ hội, hội nghị kết nối cung - cầu có quy mô lớn trong và ngoài tỉnh. Với quy mô công suất chế biến hiện tại, công ty dự tính sản lượng chè nguyên liệu cần cho sản xuất từ 300 - 350 tấn trên/năm.
Việc sản xuất, chế biến chè búp xanh Yên Thủy - Hòa Bình không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà còn hướng tới xuất khẩu, quá trình hoạt động giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động tại địa phương, góp phần phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, tạo dịch chuyển cơ cấu kinh tế của huyện, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm chè Việt Nam.
Xuân Thiên
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Yên Thủy)
Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Cùng với những tín hiệu khả quan từ xuất khẩu nông sản, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 158 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Đặc biệt, trong số 8 sản phẩm mới của 6 chủ thể được phân hạng đánh giá năm 2023 đạt tiêu chuẩn 4 sao đều là những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh, qua sự sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại đã trở thành những sản phẩm chất lượng, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Huyện Yên Thủy đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển các sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện có 4 sản phẩm OCOP 4 sao và 17 sản phẩm OCOP 3 sao. Tiêu biểu là sản phẩm OCOP 4 sao "Cao cà gai leo Yên Thủy” ngày một vươn xa trên thị trường trong và ngoài tỉnh, khẳng định thương hiệu sản phẩm của địa phương.
Ngày 28/12, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2023 - 2025 tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2023. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.
Thực hiện Kế hoạch số 234/KH-UBND, ngày 7/12/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021- 2025, thời gian qua, tỉnh ta đã xây dựng thí điểm 1 mô hình du lịch cộng đồng xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc; triển khai xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch và bán hàng.
Theo báo cáo, năm 2023, toàn tỉnh xây dựng được 39 sản phẩm OCOP mới. Trong đó, các huyện: Yên Thủy, Cao Phong, Lạc Thủy, Đà Bắc mỗi huyện 4 sản phẩm; các huyện: Kim Bôi, Lương Sơn, Mai Châu, TP Hòa Bình mỗi đơn vị 3 sản phẩm; huyện Tân Lạc 5 sản phẩm; huyện Lạc Sơn 6 sản phẩm. Trong 39 sản phẩm OCOP mới có 6 sản phẩm được đánh giá trên 70 điểm tham gia đánh giá cấp tỉnh.