Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nâng tầm nông sản địa phương. Tại huyện Kim Bôi, nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, thế mạnh của địa phương được triển khai hiệu quả. Từ đó đưa nông sản địa phương trở thành hàng hóa có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.


Sản phẩm nước khoáng của Công ty CP nước khoáng thương hiệu Kim Bôi đang hướng tới sản phẩm OCOP 5 sao.

Năm 2023, sản phẩm nước khoáng của Công ty cổ phần nước khoáng thương hiệu Kim Bôi được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện nay, công ty tiếp tục thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu đạt chuẩn 5 sao. Ông Vũ Hải Phòng, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Trải qua hơn 45 năm hình thành và phát triển, sản phẩm nước khoáng Kim Bôi của công ty đã, đang chiếm lĩnh được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Với hệ thống nhà xưởng và dây chuyền máy móc sản xuất hiện đại, đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2008, ISO 22000:2005, nước khoáng Kim Bôi đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Y tế kiểm định và chứng nhận; được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao... Để đạt được thành công đó, trong thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ, đồng hành của các sở, ngành, cơ quan chức năng cấp tỉnh và huyện Kim Bôi. 

Năm 2024, toàn tỉnh có 14 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, huyện Kim Bôi có 2 sản phẩm tham gia là: Mật ong rừng Hợp Tiến của Hợp tác xã (HTX) Greenlife - xã Hợp Tiến và Nước khoáng Kim Bôi của Công ty CP Nước khoáng thương hiệu Kim Bôi. Qua đánh giá, cả 2 sản phẩm của huyện Kim Bôi đều đủ điều kiện tham gia và được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Hiện nay, huyện có 12 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 2 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, còn lại đạt chuẩn 3 sao. 

Nhiều năm trở lại đây, huyện Kim Bôi xác định ưu tiên công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Huyện cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ đưa sản phẩm vào các sàn thương mại điện tử, xuất khẩu… Song song đó, để xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP bền vững, lâu dài, huyện chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đến nay, huyện có trên 200 ha trồng trọt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hình thành các vùng trồng bí xanh, dưa chuột tập trung tại các xã: Nam Thượng, Sào Báy, Kim Lập, Đú Sáng với khoảng 60 ha/vùng; vùng trồng khoai tây tại xã Vĩnh Đồng; vùng trồng cây ăn quả có múi tại các xã: Tú Sơn, Kim Lập, Vĩnh Tiến, Mỵ Hoà với khoảng 100 ha/xã; vùng trồng cây dược liệu khoảng 40 ha tại xã Hùng Sơn. Duy trì, phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu tiêu thụ đến chế biến. Đây chính là lợi thế về vùng nguyên liệu đầu vào để Kim Bôi xây dựng các sản phẩm OCOP.

Huyện cũng tập trung tạo điều kiện phát triển mạnh các HTX nông, lâm nghiệp, lấy HTX làm nòng cốt, chủ thể xây dựng các sản phẩm OCOP. Trên địa bàn huyện hiện có 52 HTX, trong đó lĩnh vực nông, lâm nghiệp 31 HTX, chiếm 60%; 21 HTX phi nông nghiệp, chiếm 40%. Các HTX nỗ lực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Các HTX là chủ thể của 8/11 sản phẩm OCOP.

Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Tuấn Sơn, Chương trình OCOP ở huyện Kim Bôi đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Việc thực hiện chương trình đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập… Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ để xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP từ nguồn nguyên liệu của địa phương. 


Hải Yến

Các tin khác


Sản phẩm OCOP 4 sao chè búp xanh Yên Thủy - Hòa Bình

Những năm gần đây, Công ty TNHH MTV 2-9 Hòa Bình, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cho ra đời sản phẩm chè búp xanh Yên Thủy - Hòa Bình khẳng định được thương hiệu trên thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người lao động.

Huyện Đà Bắc thúc đẩy Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Với đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Đà Bắc có nhiều sản phẩm nông sản nổi bật như: dong riềng, chè shan tuyết, măng khô, cá sông Đà, lợn bản địa… Đây là những sản phẩm thế mạnh để huyện thúc đẩy thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nâng cao mức sống người dân.

Huyện Lạc Sơn thúc đẩy chương trình phát triển sản phẩm OCOP

Cùng với tập trung phát triển sản phẩm OCOP, huyện Lạc Sơn đề ra mục tiêu mỗi năm xây dựng ít nhất 5 sản phẩm. Từ đó, thúc đẩy và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Rượu nếp râu và rượu mía - bộ đôi sản phẩm OCOP 4 sao

Tại hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hòa Bình năm 2023, bộ đôi sản phẩm rượu mía và rượu nếp râu của HTX Yên Thượng (xã Thạch Yên, huyện Cao Phong) đã đạt tiêu chí sản phẩm OCOP 4 sao. Hai sản phẩm được làm từ công thức men lá của người Mường Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục