Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kết luận hội nghị BTV Tỉnh ủy tháng 9/2023.
Hội nghị đã tập trung thảo luận và cho ý kiến đối với Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023; Báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công và tình hình thu ngân sách Nhà nước. Các đại biểu thống nhất, 9 tháng năm 2023, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, đạt kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước giảm 0,95%, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,44%; công nghiệp - xây dựng giảm 5,36%; dịch vụ tăng 3,41%; thuế sản phẩm giảm 3,29% (nếu không tính Nhà máy thủy điện Hòa Bình, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm ước tăng 2,77%). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.643 tỷ đồng, đạt 36% so với Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2023 và bằng 70% so với thực hiện cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu ước đạt 1.224,824 triệu USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ, bằng 72,26% kế hoạch năm. Có 32 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư nâng tổng số dự án đầu tư trên toàn tỉnh lên 736 dự án. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 31/8/2023 là 1.328 tỷ đồng, đạt 13% so với số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và số kế hoạch vốn đã được giao chi tiết cho các dự án. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng, an sinh xã hội được quan tâm. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được giữ vững; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định… Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; công nghiệp sản xuất điện giảm sút nghiêm trọng; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn; thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất đạt thấp. Chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch giữa các vùng.Phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gặp nhiều khó khăn...
Hội nghị đã đánh giá làm rõ những khó khăn, nguyên nhân của những hạn chế, từ đó đề xuất những giải pháp quyết liệt triển khai những tháng cuối năm để đạt được chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công, tăng thu ngân sách Nhà nước....
Hội nghị cũng cho ý kiến đối với: Tờ trình đề án của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về tập trung sự lãnh đạo xây dựng thành phố Hòa Bình đạt tiêu chí đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Hòa Bình; Đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030; về việc bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2023 cho Sở Y tế để các đơn vị thuộc ngành Y tế chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi nghề theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP của Chính phủ; Đề án thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình đến năm 2030; Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 – 2030…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị 3 tháng cuối năm 2023, các cấp ủy, chính quyền tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Trong công tác xây dựng Đảng, thực hiện rà soát các văn bản của Trung ương, tỉnh để sơ kết, tổng kết theo quy định; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm tra giám sát, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức CT-XH.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung các nhiệm vụ, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đảm bảo giải ngân hết nguồn kế hoạch vốn được giao, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm. Tăng cường quản lý, khai thác tốt nguồn thu ngân sách, tập trung huy động các nguồn thu từ thuế, phí, đặc biệt quan tâm và đôn đốc thu nợ đọng thuế. Quyết liệt các giải pháp phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Đối với Đề án của thành phố Hòa Bình về tập trung sự lãnh đạo xây dựng thành phố Hòa Bình đạt tiêu chí đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Hòa Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất ban hành kết luận của BTV Tỉnh ủy, giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc triển khai thực hiện.
Về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030, theo đó tỉnh Hòa Bình không có đơn vị hành chính hành chính cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp theo quy định. Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành xây dựng, hoàn thiện Đề án và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Về Đề án thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành Nông nghiệp nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện đề án trên cơ sở lựa chọn cây trồng, vật nuôi chủ lực, trọng điểm có quy mô sản xuất lớn để có chính sách hỗ trợ, tập trung vốn đầu tư phục vụ cho xuất khẩu…
Đối với Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định đây là nội dung quan trọng, cần thiết ban hành trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai theo lộ trình; phối hợp với các huyện, thành phố sớm triển khai các nội dung của Đề án sau khi được thông qua...
L.C