Phát biểu khánh thành Di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa, đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Lương Sơn nêu rõ: Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi và Hiệp định Giơnevơ được ký kết, với tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng T.Ư Ðảng đã chỉ đạo đưa con em cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, làm việc nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng.
Năm 1956, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, 45 cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc cùng một số đồng chí tù chính trị thuộc khám Chí Hòa do Pháp trao trả đã đến huyện Lương Sơn. Những cán bộ và tù chính trị từ miền Nam ra đã thành lập Tập đoàn 1 và Tập đoàn sản xuất Chí Hòa làm nhiệm vụ khai khẩn đất hoang, phát triển kinh tế tại huyện Lương Sơn. Sau đó, Tập đoàn 1 sáp nhập với Tập đoàn sản xuất Chí Hòa gọi là Tập đoàn sản xuất miền Nam, sau đổi tên là Tập đoàn sản xuất Cửu Long - tiền thân của Nông trường quốc doanh Cửu Long.
Với những thành tích xuất sắc trong quá trình sản xuất, năm 1958, Tập đoàn sản xuất Chí Hòa được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng ba với thành tích "sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi ở Lương Sơn, Hoà Bình, đã lập nhiều thành tích sản xuất góp phần vào việc khôi phục kinh tế xây dựng miền Bắc".
Ngày 19/10/1958, trong chuyến thăm đồng bào các dân tộc và cán bộ tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Sư đoàn Bộ đội miền Nam tập kết đóng ở huyện Lương Sơn và Tập đoàn sản xuất Chí Hòa.
Nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng biết ơn đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu; để gìn giữ, bảo tồn di tích và lưu giữ chứng tích lịch sử cho các thế hệ và cũng là tâm nguyện của cán bộ, chiến sĩ cách mạng miền Nam tập kết ra Bắc, ngày 9/10/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký Quyết định số 1959 xếp hạng địa điểm Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa, tại xóm Dốc Phấn, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Cũng tại buổi lễ, huyện Lương Sơn vinh dự được đón bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh - Cơ sở A2, Báo Nhân Dân. Theo đó, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt (1965-1972), được sự đồng ý của T.Ư Đảng, Ban Biên tập Báo Nhân Dân chỉ đạo xây dựng tòa soạn và xưởng in dự phòng (cơ sở A2) tại xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn. Cơ sở A2, Báo Nhân Dân gồm 2 nơi: khu nhà in tại hang Nhà báo và khu tòa soạn cạnh hang Hổ.
Trung tâm hang Nhà báo đặt 2 máy in loại LB201 và LB202, phía trong để máy phát điện, vật tư in, bên ngoài cửa hang có lò đúc chữ, kho chứa giấy, buồng phóng và biên tập ảnh, nhà sắp chữ khu hậu cần…
Khu tòa soạn cạnh hang Hổ, có nhiều dãy nhà tre lợp mái tranh làm nơi ở và làm việc cho phóng viên. Tổ thông tin do Nhà báo Ngô Thi làm tổ trưởng cùng các thành viên Kim Khúc, Xuân Tiến có nhiệm vụ bảo đảm thông tin với T.Ư và đồng chí Tổng Biên tập Hoàng Tùng trong trường hợp Tòa soạn tại 71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom không thể hoạt động.
Tuy chưa chính thức in Báo Nhân Dân nhưng Cơ sở A2 đã in một số báo tuần của một số đoàn thể như: Báo Khoa học, Báo Phụ nữ, Báo Thiếu niên tiền phong... Đến đầu năm 1973, Báo Nhân Dân đã chuyển máy móc, cơ sở về Hà Nội.
Hiện, hang Nhà báo nằm trong quần thể của sân golf Phượng Hoàng, thuộc xã Lâm Sơn. Mặc dù trải qua gần 60 năm, trên vòm hang vẫn còn nguyên dòng chữ khắc trên đá: "Chống Mỹ cứu nước, năm 1965-1970”. Con đường đổ bằng xi măng trắng từ lán dẫn vào cửa hang vẫn còn nguyên vẹn.
Với mong muốn hang Nhà báo trở thành địa chỉ đỏ cho các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Đảng, đồng thời là minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó giữa Nhân dân các dân tộc của tỉnh Hòa Bình với Nhân dân cả nước trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, Báo Nhân Dân đã đề xuất tỉnh Hòa Bình lập hồ sơ di tích.
Ghi nhận những giá trị lịch sử của di tích, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với di tích Cơ sở A2, Báo Nhân Dân.