Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam (Khu công nghiệp bờ trái sông Đà - TP Hòa Bình) là một trong những doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài nỗ lực ổn định sản xuất, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng.
Tính đến cuối tháng 9/2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 1.224,824 triệu USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 72,26% kế hoạch năm. Trong đó, nhóm hàng điện tử chiếm 54%; nhóm hàng dệt may chiếm khoảng 30 - 34% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tập trung vào những thị trường truyền thống như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, EU..., phát triển thêm một số thị trường mới như: Canada, Anh quốc, Ấn Độ, châu Phi...
Công ty TNHH Sankoh Việt Nam nằm trong khu công nghiệp (KCN) bờ trái sông Đà, TP Hòa Bình với ngành nghề sản xuất chính là điện trở thành phẩm; dây dẫn sử dụng cho ô tô; điều hòa và máy tính xách tay. Năm 2020, giá trị xuất khẩu của công ty đạt hơn 15 triệu USD; năm 2021 hơn 16 triệu USD; năm 2022 hơn 17,4 triệu USD. Trong bối cảnh khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu chịu tác động do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhất là xung đột giữa Nga và Ukraine làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, năm 2023, công ty phấn đấu giá trị xuất khẩu đạt khoảng 14,5 triệu USD.
Bà Trần Thị Tuyết, Phó trưởng phòng Hành chính, Công ty TNHH Sankoh Việt Nam cho biết: Hiện nay, do ảnh hưởng chung tình hình thế giới, công ty không chỉ gặp khó khăn về thị trường đầu ra mà giá nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng cao. Trước thực tế đó, công ty kiên trì tìm kiếm đơn hàng, từng bước khắc phục khó khăn để hoàn trả các đơn hàng đảm bảo uy tín, chất lượng. Khi có uy tín trên thị trường thì việc tìm kiếm đầu ra cũng thuận lợi và ổn định sản xuất hơn.
Không chỉ Công ty Sankoh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế. Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, cam kết tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Chu Văn Thắng, Giám đốc BQL các KCN tỉnh cho biết: Ban luôn coi thành công của các doanh nghiệp chính là thành công của BQL; những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hoạt động trong KCN là những nội dung ưu tiên phối hợp giải quyết của Ban, các sở, ngành hữu quan và chính quyền địa phương. Từ đầu năm đến nay, BQL các KCN tỉnh trực tiếp tổ chức 3 cuộc và tham gia cùng lãnh đạo tỉnh đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Giá trị sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN tỉnh ước đạt 13.103,8 tỷ đồng, đạt 59,56% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu đạt 492,04 triệu USD, đạt 63,9% kế hoạch năm. Các doanh nghiệp giải quyết việc làm mới cho trên 800 lao động.
Ngoài xuất khẩu hàng công nghiệp như điện tử, may mặc, tỉnh đặc biệt chú trọng xuất khẩu nông sản chủ lực ra nước ngoài. Đến nay, tỉnh đã có nhiều nông sản đặc trưng được xuất khẩu như: Bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy xuất khẩu sang Anh quốc, nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi) xuất khẩu sang EU, mía ăn tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ...
Tuy nhiên, theo đánh giá của các sở, ngành, suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao tại những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Vì vậy, trước những rủi ro, thách thức lớn chưa từng có mà hoạt động xuất khẩu đang phải đối mặt, tỉnh cần sẵn sàng các phương án, giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã đề ra.
Theo đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương, để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định 18%/năm như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, ngành Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và sản phẩm có lợi thế của tỉnh nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.