Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với ngành TN&MT tỉnh về công tác quản lý đất đai.
Nhìn lại chặng đường phát triển 20 năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình luôn bám sát và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng qua các thời kỳ, các nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh giao, đã kế thừa thành quả của các thế hệ lãnh đạo, vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng trưởng thành, phát triển, khẳng định được vai trò là cơ quan chuyên môn quan trọng, giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý tổng hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, góp phần rất to lớn vào sự phát triển của tỉnh Hòa Bình.
Với khối lượng công việc được giao rất lớn, Sở đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở để phân bổ, bố trí quỹ đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 20 năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh thu hồi, giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 20.522,28 ha, giao đất cho 907 lượt tổ chức, cho thuê đất đối với 926 lượt tổ chức, cấp mới. Đo đạc, thành lập bản đồ địa chính được 9/10 huyện, thành phố. Toàn tỉnh đã cấp được 2.081.130 trên tổng số 2.219.091 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần cấp với tổng diện tích 304.198 ha/325.374 ha, đạt 93,78%. Tổ chức thẩm định đánh giá tác động môi trường trên 660 dự án đầu tư, 190 bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và Cam kết bảo vệ môi trường. Cấp 354 lượt giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; thu hồi 47 giấy phép khai thác khoáng sản. Tiếp 573 lượt công dân theo quy định và tiếp nhận 1.273 đơn thư khiếu nại; kiểm tra, xác minh kiến nghị biện pháp giải quyết 592 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để những năm gần đây đều đạt 100%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 95,3%. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn năm 2023 ước đạt 88%. Hàng năm đóng góp của ngành Tài nguyên và Môi trường cho ngân sách nhà nước từ 15% đến 20% vào nguồn thu ngân sách của tỉnh...
Bên cạnh đó, Sở đã chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động nhằm đẩy mạnh, tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi môi trường.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước: Thu ngân sách 10.000 tỷ đồng, thu hút 1 tỷ USD vốn đầu tư; thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Nhiệm vụ đặt ra cho ngành môi trường thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi sự phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao hoàn nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tài nguyên, môi trường đã đề ra trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Để phát huy vai trò của ngành đối với nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh, thời gian tới, Đảng bộ, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Sở Tài nguyên và Môi trường cần tập trung cao độ tinh thần, trí tuệ, nguồn lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản sau:
Một là, chấp hành và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên và môi trường. Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương; xây dựng Đảng bộ Sở thực sự trong sạch, vững mạnh, luôn đoàn kết, thống nhất; phát huy tinh thần dân chủ, sức mạnh và trí tuệ tập thể; nêu cao trách nhiệm người cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện 5 rõ trong thực thi nhiệm vụ: rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả.
Hai là, tham mưu rà soát quy định các cơ chế, chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường để đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài nguyên và môi trường chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định không phù hợp, đề nghị ban hành các quy định mới đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công bố công khai để tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định; Chỉ đạo đẩy mạnh việc rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là cấp lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành việc đo đạc, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai khép kín trên địa bàn tỉnh.
Phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm để góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh thông qua việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các nguồn thu khác từ đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường...
Hoàn thành các chỉ tiêu tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đến năm 2025 đạt 90%; hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để đến năm 2025 đạt 100%...
Ba là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, bám sát tình hình thực tiễn để tham mưu cho tỉnh các chủ trương, cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo đồng bộ, minh bạch, khắc phục các tồn tại, hạn chế, nhất là trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, nguy cơ suy giảm, suy thoái nguồn nước, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chủ động ứng phó một cách chủ động trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Bốn là, chủ động hướng về cơ sở; phối hợp với các địa phương kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là tập trung đôn đốc, hướng dẫn địa phương, tham mưu cho tỉnh chỉ đạo giải quyết các vụ việc ngay khi mới phát sinh không để phát sinh điểm nóng, đơn thư khiếu kiện vượt cấp.
Năm là, chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm, chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, có bản lĩnh, tư duy đột phá, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu; thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành hiệu quả với phương châm sáng tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm.
Với truyền thống vẻ vang của ngành Tài nguyên và Môi trường, kế thừa và phát huy hiệu quả những thành tích đã đạt được, tin tưởng ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, góp phần đạt mục tiêu xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững.