NGUYỄN PHI LONG 
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

Trong không khí tràn ngập sắc xuân trên quê hương Hòa Bình, cùng nhìn lại năm 2023, là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm (2021 - 2025) đã đề ra. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo; ở trong tỉnh, do các tác động lâu dài của hậu dịch bệnh Covid-19 nên một số ngành, lĩnh vực hồi phục chậm; thị trường tiêu thụ giảm, xuất nhập khẩu bị thu hẹp, thị trường bất động sản đình trệ khiến cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều khó khăn. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn nước phục vụ sản xuất điện thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến sản lượng điện thương phẩm sản xuất trong năm giảm sút; kinh tế của tỉnh dưới tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong nước, quốc tế và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm đã bộc lộ rõ hơn những khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh.



Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác kiểm tra dự án Khu công nghiệp Yên Quang, thành phố Hòa Bình.

Trong bối cảnh đó, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng DN và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, kịp thời và đạt được những kết quả quan trọng.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường, công tác tổ chức cán bộ được quan tâm, trong năm 2023 đã thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm 28 cán bộ lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, công tác cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Lãnh đạo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện NQĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Triển khai toàn diện hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; chuẩn bị chu đáo, an toàn tuyệt đối, đón tiếp các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nguyên thủ quốc gia thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình, trong đó phải kể đến chuyến thăm và làm việc tại tỉnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh.

Có 16 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt mức kế hoạch, trong đó có một số chỉ tiêu, lĩnh vực kinh tế quan trọng tăng khá so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là bệ đỡ kinh tế của tỉnh, giá trị tăng thêm tăng 4,35% so với cùng kỳ, một số mặt hàng sản xuất, sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài; Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai thực hiện sâu rộng, trong năm có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới lên 80 xã, chiếm 62,01% tổng số xã. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.695 triệu USD, tăng 17,94% so với cùng kỳ… Hoạt động du lịch tiếp tục đà phục hồi và có sự tăng trưởng, là 1 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh, trong năm đã có 3,8 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh (trong đó khách quốc tế là 450.000 lượt) tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước, tổng thu từ du lịch ước đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.


Biểu diễn nghệ thuật chào năm mới 2024.

Đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg, ngày 20/12/2023, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để cấp ủy, chính quyền của tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách, thu hút đầu tư, là cơ sở để quản lý, phân bổ nguồn lực đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nhằm thực hiện mục tiêu NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án với tổng mức đầu tư khoảng 86 nghìn tỷ đồng, đã khởi công một số dự án trọng điểm như: Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Trong bối cảnh kinh tế, DN và người lao động gặp nhiều khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội GD&ĐT, y tế, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm phát triển, có kết quả rõ nét hơn; đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân được nâng lên; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 60%; giải quyết việc làm cho 18.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,09% (từ 12,29% còn 9,2%); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 95%. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, văn hóa các dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm; tỉnh đã ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng bộ hồ sơ Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; tổ chức thành công nhiều lễ hội cấp tỉnh mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống và những nét đặc trưng của tỉnh Hòa Bình như: Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, Liên hoan Làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Lễ hội cá tôm sông Đà và Hội chợ nông nghiệp, triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du, miền núi phía Bắc lần thứ nhất, năm 2023. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. QP-AN được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không để xuất hiện các điểm nóng, bất ngờ xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung khắc phục. Tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách chưa đạt chỉ tiêu đề ra; hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn; chất lượng giáo dục còn chênh lệch giữa các vùng; đời sống của Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn...

Năm 2024 là năm "nước rút” thực hiện NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025). Dự báo tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có rất nhiều khó khăn, thách thức đan xen, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển KT-XH của cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của năm 2024, Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 06/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2024 đã đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu trên tất cả các lĩnh vực, trong đó: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9%; GRDP bình quân đầu người 77,59 triệu đồng; tổng đầu tư toàn xã hội 23.600 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 5.760 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 2.000 triệu USD, giá trị nhập khẩu đạt 1.376 triệu USD; năng suất lao động đạt 123,91 triệu đồng/lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều từ 2,3 - 2,5%...

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2024 đã đề ra, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các ngành, đoàn thể trong tỉnh phải tổ chức thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 06/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 318/NQ-HĐND, ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 tỉnh Hòa Bình, trọng tâm là các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện hiệu quả NQĐH XIII của Đảng, NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các kết luận, các đề án, nghị quyết chuyên đề của cấp ủy tỉnh, kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025.

Thứ hai, triển khai đồng bộ các giải pháp về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, quản lý, kết nạp đảng viên; đổi mới, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng từ cấp chi bộ; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên có chức vụ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, đẩy mạnh công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây khó khăn, nhũng nhiễu, tham ô, tham nhũng, cản trở sự phát triển chung của tỉnh.

Thứ ba, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên và Nhân dân, kịp thời tham mưu để cấp ủy, chính quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo đồng thuận trong nhân dân thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH. Nâng cao hơn nữa đời sống của Nhân dân, đặc biệt là ở vùng xa, vùng cao; quan tâm hơn nữa các hoạt động văn hóa, tinh thần, chính sách an sinh xã hội.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện các đột phá chiến lược, trong đó: (1) Quản lý, thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; (2) Chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực; hoàn thành các thủ tục để khởi công dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình giai đoạn 2; đường Hòa Bình - Mộc Châu vào quý II/2024, hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng nâng cấp đô thị thành phố Hòa Bình lên đô thị loại II và xây dựng thị trấn Lương Sơn và vùng phụ cận thành thị xã Lương Sơn vào năm 2025; (3) Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN, nhà đầu tư; thu hút một số DN sản xuất lớn để tạo sự ổn định nền kinh tế của tỉnh; (4) Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là đường Hòa Bình - Mộc Châu, đường liên kết vùng, nguồn vốn 3 CTMTQG; (5) Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế tỉnh. Thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch; nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giáo dục và y tế. Thực hiện có hiệu quả 3 CTMTQG. Quan tâm công tác đảm bảo an sinh xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quảng bá mạnh mẽ về tiềm năng du lịch của tỉnh, nghiên cứu xây dựng đề án phát triển kinh tế đêm khu vực hạ lưu sông Đà. Tổ chức thực hiện tốt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” và các sự kiện lớn, các hoạt động văn hóa, du lịch của tỉnh trong năm 2024. Đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, huy động mọi người cùng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thứ sáu, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong công tác cấp, điều chỉnh biến động giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ dân trên địa bàn tỉnh. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gây khó khăn cho người dân, DN trong thực thi công vụ.

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông hiệu quả, tạo đồng thuận xã hội. Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ việc kéo dài, phức tạp, dư luận quan tâm. Quan tâm thực hiện các hoạt động đối ngoại để tranh thủ nguồn lực, sự hợp tác giúp đỡ từ Trung ương, các tỉnh bạn, các tỉnh kết nghĩa có quan hệ ngoai giao với Hòa Bình.

Với khí thế, quyết tâm mới, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng DN và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, các khâu đột phá chiến lược, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ tốt nhất cho các DN, nhà đầu tư triển khai các dự án, huy động và sử dụng tốt các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững.

Nhân dịp năm mới 2024 và đón Tết cổ truyền của dân tộc – Tết Giáp Thìn, xin trân trọng gửi tới toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sỹ trong tỉnh, bà con quê hương Hòa Bình đang sinh sống, làm việc và học tập ở ngoài tỉnh và ở nước ngoài lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

Năm mới giành nhiều thắng lợi mới!


Các tin khác


94 năm Ngày thành lập Đảng: Khát vọng bước tới đài vinh quang

Trong không khí rộn ràng Xuân mới, ngày 3/2/2024, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc.

Khai trương triển lãm và trưng bày biểu tượng linh vật chào mừng Xuân Giáp Thìn 

Chiều 2/2, tại Quảng trường Hoà Bình (thành phố Hòa Bình), Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND thành phố Hòa Bình tổ chức khai trương triển lãm và trưng bày biểu tượng linh vật chào mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Đến dự và chúc mừng có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, thành phố Hòa Bình cùng đông đảo Nhân dân trên địa bàn.

Báo Hoà Bình có 1 tác phẩm đoạt giải khuyến khích Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023

Tối 1/2, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tổ chức T.Ư chủ trì, phối hợp Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ công bố và trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023.

Gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán 2024

Chiều 1/2, nhân dịp Tết Nguyên đán 2024, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì buổi gặp mặt. Tham dự có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến những nội dung quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 1/2, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến những nội dung quan trọng phát triển KT-XH. 

Giải Búa Liềm vàng: Phản ánh sinh động, kịp thời những sự kiện, sinh hoạt chính trị của Đảng

Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023 được tổ chức vào tối 1/2 tại Hà Nội. Theo Ban Tổ chức, nét mới trong nội dung các tác phẩm báo chí tham dự Giải năm nay là đã phản ánh sinh động, kịp thời những sự kiện, sinh hoạt chính trị của Đảng, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, bạn đọc, khẳng định sự lan tỏa mạnh mẽ của Giải Búa liềm vàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục