Quy định cấm triệt để uống rượu bia khi lái xe tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu dân cử, khi cho ý kiến về Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khoá XV thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, diễn ra sáng 27/3.


Phiên họp sáng 27/3 của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5.

Sáng 27/3, tiếp tục chương trình làm việc, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu quan tâm đến quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) cho biết, trong phiên thảo luận tổ ở kỳ họp Quốc hội thứ 6, đại biểu đề nghị xem xét cần phải có ngưỡng nồng độ cồn, tuy nhiên, sau khi đánh giá kỹ ưu, nhược điểm thì hiện tại, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đồng tình với quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho biết, thời gian vừa qua, cảnh sát giao thông đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, thể hiện nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, qua đó đã góp phần giảm các vụ tai nạn giao thông.

"Theo số liệu của cơ quan chức năng, năm 2023 số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, giảm 50% số người chết, giảm 22% số người bị thương so với cùng kỳ. Với phương châm tính mạng của con người là trên hết, trước hết thì quy định cấm người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết”, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng nói.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho biết, quy định vi phạm nồng độ cồn đến ngưỡng mới xử lý thì khi đã ngồi vào bàn uống rượu, bia, chúng ta xác định thế nào là uống trong ngưỡng cho phép?

"Hiện nay khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn thì người dân đã dần hình thành thói quen "đã uống rượu bia thì không lái xe”, Đại biểu nói.

Đồng tình với việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, cần tăng nặng xử phạt mức vi phạm cao, tuy nhiên mức vi phạm thấp, dưới 0,1mg/ lít khí thở, thì đối với xe máy cá nhân chỉ bị phạt hành chính, nhưng không tước giấy phép lái xe.

"Tuy nhiên, quy định không tước giấy phép lái xe này không nên áp dụng với người lái xe máy hoạt động dịch vụ chở người và chở hàng”, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ.

Thảo luận về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho biết, báo cáo giải trình cho thấy, việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm mục đích phòng ngừa, làm giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu khi điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Đồng thời, đã có nhiều số liệu minh chứng cụ thể thực trạng tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia.

"Do đó, tôi tán thành với quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, việc quy định này kế thừa quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ”, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm nói.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, thực tiễn việc sử dụng rượu, bia ở nước ta được xem là một nét văn hóa, là thói quen của một bộ phận người dân. Hơn nữa các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia, cũng đã góp một phần không nhỏ trong nguồn thu ngân sách của Nhà nước; tạo việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn.

"Việc quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông sẽ làm giảm lớn mức tiêu thụ rượu, bia và có tác động nhất định đến đời sống văn hóa, nguồn thu của ngân sách và thu nhập của người lao động. Do đó, để thuyết phục hơn,đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động sâu hơn, toàn diện hơn đối với chính sách này. Đồng thời, nghiên cứu để đưa ra các số liệu minh chứng "ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép” để kiểm soát rượu, bia khi tham gia giao thông như trong thời gian qua là không khả thi, không làm giảm số vụ tai nạn giao thông và khó kiểm soát tình hình tai nạn giao thông”, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết.

Lý giải về đề nghị tiếp tục đánh giá chính sách này, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng tại báo cáo Chính phủ về tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn trong dự án Luật TTATGT đường bộ mặc dù đã đề cập tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ; tuy nhiên, báo cáo chỉ mới đưa ra những con số về số vụ tai nạn, số người bị chấn thương sọ não, số người chết liên quan đến rượu, bia mà chưa thống kê cụ thể trong số các vụ tai nạn liên quan đến người tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng cồn thì có bao nhiêu trường hợp vi phạm vượt ngưỡng,ở ngưỡng quy định,bao nhiêu trường hợp dưới ngưỡng quy định?

"Vì vậy, để có cơ sở và đảm bảo tính thuyết phục trong việc quy định "cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” cần có thống kê số liệu cụ thể để minh chứng rõ hơn”, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề xuất.

Có quan điểm khác với các đại biểu trên, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, cần quy định vi phạm nồng độ cồn đến ngưỡng thì mới xử lý.

"Không phải tôi cố chấp bảo lưu quan điểm chủ quan của mình, mà thực tế cuộc sống hiện nay, sau khi có đám tiệc, người có tiền thì đi xe dịch vụ, còn người không có tiền vẫn tự chạy xe. Đặc biệt là ở nông thôn, người lao động chân tay rất nhiều, họ đi bằng xe máy. Nếu 100% không có nồng độ cồn là khó khả thi. Thực tế, khi uống 1 lon bia hoặc 1-2 chén rượu thì tâm trí vẫn bình thường, lái xe vẫn được. Ví dụ uống rượu, bia chiều hôm qua, sáng hôm sau lái xe vẫn còn có nồng độ cồn và bị xử phạt thì rất vô lý”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

 

Tại phiên họp, đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị cân nhắc về mức xử phạt và hình thức xử phạt, để từng bước tạo thành ý thức và văn hóa khi tham gia giao thông.
Theo đại biểu đoàn Hà Giang, thực tế tại địa bàn các dân tộc thiểu số, khi tham gia giao thông chưa thực hiện được triệt để quy định này. Do yếu tố văn hóa, sinh hoạt, như vào dịp tết, đi từ làng này sang làng kia, thường uống với nhau chén rượu, nếu thổi nồng độ cồn thị bị, nhưng còn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thì phải có sự đánh giá. Đại biểu đề nghị rà soát hình thức và mức xử phạt có lộ trình để dần dần hình thành ý thức tham gia giao thông.

 

Nữ đại biểu đoàn Hà Giang cũng đề nghị tránh lạm dụng việc kiểm tra xử phạt. Theo đại biểu, vừa qua mạng xã hội đưa nhiều hình ảnh, lực lượng chức năng đi vào tận những nơi rất khó khăn để kiểm tra nồng độ cồn để xử phạt, như vậy sẽ gây phản cảm. Đại biểu cho rằng, mạng xã hội và người dân rất ủng hộ khi Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, tham gia cùng lực lượng, gặp người dân đi ăn cưới về, sử dụng rượu bia khi lái xe, đã tuyên truyền, vận động, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. "Theo tôi, cần phải xem xét, có lộ trình về hình thức xử phạt trong thời gian tới”, Đại biểu Lý Thị Lan nói.

Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho biết, về cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đại biểu đồng tình với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn, thực tế quy định này đã được thảo luận và thống nhất thông qua trong Luật Phòng chống tác dụng rượu bia. Qua quá trình triển khai thì người dân nâng cao ý thức vấn đề sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và thay đổi thói quen lạm dụng rượu bia trong đời sống hiện nay, không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài trong nâng cao chất lượng sức khoẻ của người Việt.

Theo đại biểu, mặc dù việc thực hiện quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển kinh tế nhưng đại biểu đồng ý và cho rằng nên tiếp tục thực hiện quy định này trong khoảng thời gian ít nhất 5 năm nữa để thay đổi hành vi, thói quen sử dụng rượu bia khi tham gia giai thông, sau đó mới đánh giá xem xét có cần quy định giới hạn nồng độ cồn hay không,

"Tuy nhiên, để thực hiện quy định này được thuận lợi thì dự thảo luật cần bổ sung giải thích từ ngữ thế nào là điều khiển phương tiện, hành động uống rượu bia, rồi dắt xe có bị xử phạt hay không?”, Đại biểu Thái Thị An Chung nêu câu hỏi. 



Theo Baotintuc

Các tin khác


Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Thủ tướng thị sát tuyến đê biển bảo vệ hơn 600.000 hộ dân

Chiều tối 23/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như: Tuyến đê kè biển Gò Công, dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2.

Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Sáng 22/3, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn công tác kiểm soát quyền lực để PCTN,TC. Hội nghị được triển khai theo hình thức trực tuyến toàn tỉnh với 161 điểm cầu. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN,TC tỉnh; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh... Tham gia tập huấn có trên 2.580 cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn.

Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng

Tại Kỳ họp bất thường thứ 6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, cho thôi làm đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Văn Thưởng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá thực hiện nhiệm vụ quý I năm 2024

Ngày 21/3, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy cho ý kiến đánh giá công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quý I, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II/2024 và một số tờ trình, dự thảo báo cáo quan trọng khác.

Quốc hội họp bất thường để xem xét, quyết định công tác nhân sự

Kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào 21/3/2024 để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục