Chiều 25/7, trời Hà Nội lại đổ mưa. Những cơn mưa sầm sập đổ xuống phố đã hòa cùng dòng nước mắt của người dân đang chờ đến giờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ quốc gia số 5, Trần Thánh Tông...
Đoàn đại biểu lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình về Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trên chuyến xe chung cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh từ Hòa Bình về Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không còn sự hoạt náo như mọi khi. Suốt chặng đường không khí trên xe trầm buồn. Mọi câu chuyện xoay quanh về kỷ niệm, tình cảm và sự gần gũi trong những lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Trong số những cán bộ của tỉnh về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có lẽ đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy là người được gặp gỡ, trò chuyện với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều nhất. Lúc sinh thời, trong 3 lần Tổng Bí thư lên làm việc với tỉnh thì đồng chí Nguyễn Tiến Sinh có 2 lần được tiếp và làm việc. Đó là khi Tổng Bí thư đi thăm đồng bào xã Toàn Sơn (Đà Bắc) vào năm 2011. Khi ấy anh Nguyễn Tiến Sinh là Bí thư Huyện ủy Đà Bắc và lần gần đây nhất là năm 2022 khi Tổng Bí thư lên làm việc tại Hoà Bình. Ngoài những lần kể trên thì trong thời gian tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, anh đã thường xuyên được gần gũi, trò chuyện với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau những phút giải lao giữa giờ. Trong câu chuyện của mình, anh Nguyễn Tiến Sinh luôn nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo tài năng, gần gũi, chan hòa, khiêm nhường và đức độ. "Trong bất kỳ cuộc họp nào Tổng Bí thư dự, chủ trì mà tôi được chứng kiến, chưa bao giờ chúng tôi thấy ông phải để những anh em cán bộ thuộc cấp, dưới quyền phải mang, xách cặp phục vụ mình. Đi đến đâu, Tổng Bí thư cũng tự mình xách cặp, tự mình mang tài liệu hội nghị. Hơn nữa, đi đến đâu ông cũng gần gũi, chan hòa với nhân dân, lắng nghe nhân dân để nắm tình hình từ người dân. Đó chỉ là những hành động rất nhỏ nhưng lại là điều mà chúng tôi hàng ngày phải học Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, đồng chí Nguyễn Tiến Sinh nhớ lại.
Chẳng vậy, trong 3 lần về thăm và làm việc tại Hòa Bình trên cương vị Tổng Bí thư vào các năm 2011, 2017, 2022 lần nào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dành thời gian về với dân, gần gũi với nhân dân. Tổng Bí thư quan tâm việc thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương cũng như đề xuất, kiến nghị để nhanh chóng phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự quan tâm ân cần của vị lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước mãi là nguồn động viên, khích lệ tinh thần với nhân dân các dân tộc toàn tỉnh.
Lần cuối cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên thăm Hòa Bình là vào ngày 22/3/2022. Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng vì thấy Hòa Bình có nhiều đổi thay, phát triển và chỉ rõ: Hòa Bình là địa phương giàu truyền thống yêu nước cách mạng, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, tiêu biểu nhất là dân tộc Mường với các di sản văn hóa nổi tiếng như Mo Mường, sử thi Đẻ đất đẻ nước... nơi có thủy điện Hòa Bình - một trong những công trình thế kỷ, biểu tượng của công cuộc CNH, HĐH đất nước... Do vậy, Đảng bộ, chính quyền các cấp phát huy hơn nữa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, cân đối, hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn; phát triển công nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và đô thị. Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan nông thôn; chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, làm cho giá trị của các di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa trong đời sống xã hội; phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng nhân cách con người Hòa Bình phát triển toàn diện. Khai thác, phát huy có hiệu quả di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình gắn với phát triển du lịch, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...
Nhớ lại lời căn dặn của Tổng Bí thư, tại lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, chiến sỹ LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình trân trọng, thành kính ghi vào sổ tang với một sự tri ân sâu sắc đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những dòng chữ: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người cộng sản kiên trung, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã dành trọn đời vì Đảng, vì Nước, vì Dân. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với cán bộ, đảng viên và chiến sĩ nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình xin bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc đối với công lao và tình cảm mà đồng chí Tổng Bí thư đã dành cho tỉnh Hòa Bình; xin hứa với đồng chí sẽ tiếp tục đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Đảng bộ, chính quyền, LLVT và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình xin gửi tới gia quyến đồng chí Tổng Bí thư lời chia buồn sâu sắc nhất!
Xin vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!”
Từ 18h00 ngày 25/7/2024, rất nhiều người dân có mặt tại gần khu vực Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông để vào thắp nén hương tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, có những người đi từ xa đến. Bất chấp thời tiết mưa gió, nhưng người dân vẫn một lòng hướng về lễ tang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lòng thành kính, tri ân sâu sắc với những đóng góp quan trọng, to lớn của Tổng Bí thư để cho đất nước "có cơ đồ như ngày hôm nay”. Hướng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Dị (52 tuổi) - một cựu TNXP đến từ Đông Anh (Hà Nội) xúc động: Đi qua chiến tranh, tôi hiểu cái giá của cuộc sống hòa bình, no ấm hôm nay. Càng hiểu hơn và biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một nhân cách lớn, một trái tim nhân hậu, một đời hết lòng vì nước, vì dân, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Cũng trong số những người đến sớm, bà Nguyễn Thị Thu (72 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chia sẻ: Tôi thực sự xúc động, tình cảm của tôi cũng như mọi người dành cho bác, nghe tin ai cũng buồn và nói về bác là người cần kiệm, trong sáng, giản dị, những công lao to lớn của bác đối với đất nước.
Mưa vẫn sầm sập trút xuống những con phố Tăng Bạt Hổ, Lò Đúc. Nhưng hàng nghìn người dân vẫn kiên nhẫn chờ đến giờ để được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là tình cảm thiêng liêng mà Nhân dân dành trọn cho nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, cống hiến trọn đời một lòng vì Tổ quốc, vì Nhân dân... để rồi trong những hạt mưa rơi trên con phố nhỏ, có nhiều giọt tiếc thương...
Mạnh Hùng