Tại buổi thảo luận về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) tại hội trường sáng 2-6, phần đông ý kiến của các đại biểu mong muốn có những giải pháp chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng nhập công nghệ cũ, lạc hậu, biến Việt Nam thành "bãi thải công nghệ”.


                      Đại biểu Lê Quân phát biểu tại hội trường.

Ngăn chặn tình trạng biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đánh giá cao những điểm mới của dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), quan tâm tới nhiều chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thu hút doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ. Dự thảo luật lần này đã có một chương riêng về thẩm định công nghệ dự án đầu tư, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong công tác thẩm định công nghệ cũng đã quy định về việc kiểm tra giám sát công nghệ trong dự án đầu tư sau khi triển khai. Đây là điểm mới so với trước đây, tránh việc nhập khẩu các thiết bị lạc hậu, nhập khẩu các công nghệ lạc hậu vừa gây ô nhiễm môi trường vừa biến đất nước ta thành bãi thải công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ nát của thế giới.

Cùng ý kiến về những điểm mới này, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chia sẻ: "Dự thảo lần này rất hay khi đề cập đến các danh mục về công nghệ khuyến khích được chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao, công nghệ cấm chuyển giao. Những danh mục này hết sức cần thiết và tôi cũng mong rằng các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật danh mục để phù hợp với tình hình kinh tế phát triển của đất nước và tạo sự tiếp nhận một cách dễ dàng cho những cá nhân và tập thể có quan tâm đến lĩnh vực này. Điều mà tôi cũng như nhiều đại biểu khác rất lo lắng làm thế nào để ngăn chặn kịp thời những công nghệ lạc hậu tràn về Việt Nam chúng ta. Ở Điều 12, dự thảo cũng quy định rất rõ ở hai điều khoản về cấm chuyển giao công nghệ, gồm cấm chuyển giao vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước”.

Tuy nhiên, đại biểu Châu Quỳnh Dao cho rằng, những quy định về việc cấm chuyển giao công nghệ từ Việt Nam sang nước ngoài mặc dù khá cụ thể hơn so với dự thảo lần trước nhưng chưa thực sự là những tiêu chuẩn mạnh mẽ để đủ sức ngăn chặn những công nghệ lạc hậu, lỗi thời vào Việt Nam, bởi thực tế chúng ta thấy có những doanh nghiệp bị gài mua những công nghệ lạc hậu, lỗi thời, thiếu đồng bộ, hay những doanh nghiệp biết nhưng cố tình mua từ ngân sách nhà nước như thực tế báo chí cũng phản ánh. Để khắc phục tình trạng này, cần thiết phải phát triển các tổ chức, các cơ quan trung gian trong việc thẩm định, kiểm tra công nghệ trước khi cho nó du nhập vào Việt Nam”.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao cũng đề cập đến tình trạng những doanh nghiệp Việt Nam mua công nghệ giá rẻ nhưng trên chứng từ giá rất cao nhằm trục lợi ngân sách nhà nước, hoặc trường hợp các đối tác nước ngoài có tâm lý muốn chuyển giao những công nghệ lạc hậu sang nước khác để tránh tình trạng nước ta thành một bãi rác công nghệ tràn lan. Cho nên phải nghiên cứu kỹ và rà trước vấn đề này để có giải pháp ứng phó kịp thời, ngăn chặn chuyển giao những công nghệ lạc hậu đó, gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước và nhân dân. Với vấn đề này chúng ta thống nhất một quan điểm là chủ trương giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng quan trọng nhất là phải tăng cường quản lý nhà nước và vai trò giám sát của nhà nước, của nhân dân. "Tổng hợp tất cả những điều này, hy vọng chúng ta sẽ ngăn chặn kịp thời việc chuyển giao công nghệ lạc hậu, lỗi thời vào đất nước Việt Nam” – đại biểu nhấn mạnh.

Quan tâm đến trách nhiệm của các bên trong trường hợp nắm rõ trình độ công nghệ, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đác Nông) cho rằng, điều 31 của dự thảo luật cần phải có những bổ sung thêm một số nội dung. Thí dụ, bây giờ đặt ra đăng ký chuyển giao công nghệ thẩm định trên cơ sở hợp đồng thì làm sao biết được trình độ công nghệ chuyển giao như thế nào để cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao hay từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao. Đại biểu cũng cho rằng, việc xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các bên trong trường hợp phát hiện công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường khi đăng ký hợp đồng như thế nào cũng cần phải được làm rõ trong luật. Trong trường hợp nếu bị cơ quan quản lý nhà nước từ chối cấp đăng ký khi hai bên đã giao kết hợp đồng thì việc xử lý hậu quả của hợp đồng chuyển giao công nghệ như thế nào cũng cần phải được xử lý.

Cần khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước

Nhiều đại biểu quan tâm đến việc khuyến khích chuyển giao công nghệ từ các cơ quan, viện nghiên cứu, trường ĐH… trong nước. Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) đề nghị cần có quy định cụ thể để khuyến khích liên kết giữa các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở sản xuất hỗ trợ thương mại, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra từ trong nước. Bởi vì ở đây là những yếu tố hết sức quan trọng để kích cầu phát triển về phát minh sáng kiến cải tiến cũng như giải pháp công nghệ ở trong nước.

Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) cho rằng, tại kỳ họp lần này, các dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật chuyển giao công nghệ là những dự thảo luật rất có ý nghĩa để đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học công nghệ và phát triển các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo cũng như tháo gỡ cho việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, các viện nghiên cứu và các đơn vị chuyển giao. So với các dự thảo trước, dự thảo lần này có chuyển biến tích cực đã bổ sung nhiều nội dung đặc biệt liên quan đến khuyến khích chuyển giao khoa học công nghệ trong nước gắn với phát triển các tổ chức khoa học công nghệ và gắn với phát triển doanh nghiệp.

Để khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước, đại biểu Lê Quân đề nghị bổ sung một điều trong chương 4 về vai trò của các tổ chức khoa học công nghệ và nhà khoa học. "Hiện nay thực tế tại Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi cũng đang rất khuyến khích chuyển giao khoa học công nghệ, và khuyến khích để làm sao hợp tác với trường học, nhà trường đầu tư để chuyển giao, nhưng có một số nội dung vướng mắc. Tôi đề nghị bổ sung để cho phép tổ chức khoa học công nghệ được sử dụng nguồn thu sự nghiệp của mình để góp vốn cùng doanh nghiệp để sản xuất thử nghiệm” – đại biểu đề xuất.

Phát biểu kết thúc buổi thảo luận, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, kể từ kỳ họp lần thứ 2, cơ quan thẩm tra tiếp tục nhận được 51 ý kiến của các đoàn tập trung cho 13 vấn đề và tiếp tục xử lý đến nay. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp cụ thể, hoàn thiện chỉnh lý luật này cho phù hợp với tình hình.

 

                                             TheoNhandan

Các tin khác


Mai Châu - kết nạp 47 đảng viên mới


(HBĐT) - 5 tháng đầu năm 2017, công tác phát triển đảng viên tiếp tục được Đảng bộ huyện Mai Châu quan tâm, chú trọng. Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ra Quyết định chuẩn y kết nạp 47 đảng viên mới và chuyển đảng chính thức cho 77 đảng viên dự bị. Với kết quả đó, hiện Đảng bộ huyện có 4.388 đảng viên, trong đó có 4.152 đảng viên chính thức, 236 đảng viên dự bị.

Thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy


(HBĐT) - Tại kỳ họp lần thứ 8, ngày 31/5/2017, UBKT Tỉnh ủy Hòa Bình đã xem xét báo cáo kết quả giải quyết tố cáo đối với đồng chí Đoàn Văn Thu, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; xem xét kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, kiểm tra tài chính Đảng đối với BTV Huyện ủy Kim Bôi, BTV Huyện ủy Lạc Sơn; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với UBKT Huyện ủy Kim Bôi, UBKT Huyện ủy Lạc Sơn.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp đoàn Ủy ban Quân lực Thượng viện Hoa Kỳ

Ngày 1-6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đoàn Ủy ban Quân lực Thượng viện Hoa Kỳ, do Thượng nghị sĩ G.Mắc-kên dẫn đầu thăm làm việc tại Việt Nam.

Đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp


Ngày 1-6, Quốc hội khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ chín của Kỳ họp thứ ba. Buổi sáng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Tích cực triển khai pháp luật trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em


(HBĐT) - Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề "Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thăm hỏi, tặng quà trong dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.

Hiệu quả mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn

(HBĐT) - Trong những năm qua, ngành nông nghiệp xã Hợp Hòa (Lương Sơn) đã có những bước tiến mới nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lao động. Trong đó, diện tích sản xuất rau hữu cơ liên tục được mở rộng theo từng năm, góp phần không nhỏ đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng nhanh, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục