Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giải trình chất vấn của các đại biểu Quốc hội, chiều 15-6.
Trong phiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chiều 15-6, một trong những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm là việc chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu ý kiến, việc này mặc dù Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã có trả lời chất vấn nhưng nhiều cử tri, đặc biệt là cử tri trong ngành giáo dục rất hoang mang. Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quan điểm của Chính phủ trong chỉ đạo việc này.
Giải trình vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, câu chuyện biên chế giáo viên hay hợp đồng mới chỉ là đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ. "Đây là vấn đề liên quan tới chủ trương đồng thời liên quan tới chính sách và pháp luật. Pháp luật liên quan tới luật công chức, viên chức. Chính sách liên quan tới người lao động, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa”.
Theo Phó Thủ tướng, công chức phải làm thế nào trở thành những người "tác nghiệp” chuyên nghiệp trong bộ máy công quyền, còn viên chức "tác nghiệp” trong bộ máy sự nghiệp và làm theo hợp đồng. "Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ, còn đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ là ý kiến đề xuất", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho biết, hiện Chính phủ đang giao cho các Bộ Tài chính, Nội vụ xây dựng đề án về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập để trình Hội nghị Trung ương 6 tới đây. Và Hội nghị Trung ương 6 sẽ xem xét việc xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu quả, trong đó có nghiên cứu xây dựng lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo như Tờ trình.
Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nguồn lực để phát triển
Cho rằng đồng bằng sông Cửu Long vốn là "vựa” lúa, trái cây và thủy sản của cả nước nhưng hiện nay quy hoạch khu vực này còn phân tán và nguồn lực đầu tư thấp. Cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nhiều tỉnh thành nhưng hệ thống giao thông không đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản. Vậy Chính phủ sẽ giải quyết tình trạng này như thế nào? - Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn.
Giải trình vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm cả nước về hàng hóa nông sản, đặc biệt là lúa, trái cây, thủy sản. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực này, đặc biệt là hệ thống giao thông.
Phó Thủ tướng nêu rõ, giai đoạn 2011-2015, Nhà nước đã đầu tư 40 dự án với tổng mức 58.800 tỷ đồng tương đương 11,5% tổng mức đầu tư cả nước. Tuy nhiên hiện đang có 26 dự án dở dang với tổng vốn lên đến 90.000 tỷ đồng. Nhà nước có quan tâm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu để khu vực này trở thành vùng kinh tế năng động.
Chính phủ đã và đang tiếp tục rà soát các dự án hiệu quả để thúc đẩy đầu tư theo điều kiện phân bổ vốn. Phó Thủ tướng cho biết, trong đó, riêng dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ có chậm, Chính phủ đã thấy có sự yếu kém trong công tác tham mưu. Sự chậm trễ này đã góp phần làm kìm hãm phát triển trong vùng. Khó khăn nằm ở việc thu xếp vốn của Bộ Giao thông vận tải; theo đó, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiếp độ. Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành cùng các địa phương trong vùng hoàn thành các công trình theo quy hoạch để sớm đưa vào sử dụng hiệu quả.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý: "Kết cấu hạ tầng là quan trọng, cho nên cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đề nghị các địa phương cũng nâng cao vai trò trong việc đáp ứng yêu cầu, huy động các nguồn lực khác chứ không chỉ ‘trông chờ’ vào ngân sách Nhà nước”.
Không dùng ngân sách để xử lý 12 dự án thua lỗ
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về 12 dự án thua lỗ lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho hay, thời gian qua Chính phủ đã công khai, minh bạch các thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về 12 dự án thua lỗ. Theo đó, hướng xử lý 12 dự án này là Chính phủ sẽ tổ chức tái cơ cấu, sắp xếp lại các dự án trên cơ sở không gây thất thoát ngân sách, không dùng ngân sách để trả nợ, giải quyết theo cơ chế thị trường và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây thất thoát, thua lỗ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập một Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, với một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban.
"Tuy nhiên, giải pháp quan trọng hơn là phải làm sao để không còn các dự án, công trình thua lỗ. Để làm được điều này, trách nhiệm của các cấp, các ngành là phải chấp hành nghị quyết Chính phủ về việc tích cực sắp xếp các doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế, cơ cấu lại các ngành nghề. Đồng thời tăng cường thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về cơ chế phòng chống tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm các vi phạm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.