* Trước đó, sáng 9-11, lễ đón chính thức Tổng thống M.Ba-chê-lê đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia. Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì lễ đón.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón Tổng thống Cộng hòa Chi-lê M. Ba-chê-lê. Ảnh: NGUYÊN ĐĂNG
* Ngay sau lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Tổng thống Chi-lê M.Ba-chê-lê.
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống M.Ba-chê-lê cùng đánh giá thực trạng quan hệ song phương, tập trung trao đổi về phương hướng và các biện pháp nhằm tiếp tục tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Chi-lê, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chân thành cảm ơn Tổng thống M.Ba-chê-lê về tình đoàn kết, sự ủng hộ quý báu dành cho Việt Nam và những đóng góp quan trọng đối với quan hệ hai nước; đánh giá cao Chính phủ Chi-lê về sự phối hợp chặt chẽ và tích cực ủng hộ Việt Nam đăng cai Năm APEC 2017 và tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng; khẳng định, Việt Nam coi trọng và mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn diện với Chi-lê.
Tổng thống M.Ba-chê-lê chia buồn sâu sắc với lãnh đạo và nhân dân Việt Nam về những tổn thất to lớn về người và của do bão số 12 và đợt mưa lũ những ngày qua gây ra ở miền trung Việt Nam; khẳng định, Chi-lê coi Việt Nam là một đối tác quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhân dịp này, Tổng thống M.Ba-chê-lê chúc mừng Việt Nam đã ghi dấu ấn và có nhiều đóng góp quan trọng cho tiến trình APEC thông qua việc đăng cai Năm APEC 2017, tổ chức chu đáo Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống M.Ba-chê-lê đánh giá, mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Chi-lê những năm qua tiếp tục phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Hai nhà lãnh đạo nhất trí, thời gian tới, hai bên tiếp tục thúc đẩy duy trì trao đổi đoàn ở các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp; duy trì thường xuyên và ngày càng hiệu quả các cơ chế Hội đồng Thương mại tự do song phương và Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao hai nước; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường; quan tâm thúc đẩy hợp tác văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, du lịch...
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ giữa hai nước tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương. Lãnh đạo hai nước cũng trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; chia sẻ lập trường ủng hộ giải quyết các tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) cũng như các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
* Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Chi-lê (Toàn văn đăng số báo hôm nay).
* Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống M.Ba-chê-lê chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác song phương, gồm Bản ghi nhớ cấp Chính phủ về hợp tác chăm sóc trẻ em và trẻ vị thành niên là nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam; Hiệp định về các hoạt động có thu nhập cho thân nhân cán bộ ngoại giao, lãnh sự, nhân viên và kỹ thuật viên các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và tổ chức quốc tế; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Học viện Ngoại giao hai nước.
* Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Chi-lê M.Ba-chê-lê chủ trì họp báo chung, thông báo về kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm.
* Trưa 9-11, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì tiệc chiêu đãi trọng thể chào mừng Tổng thống M.Ba-chê-lê và Đoàn đại biểu cấp cao Chi-lê.
* Ngày 9-11, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Chi-lê M.Ba-chê-lê, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gặp Tổng thống Chi-lê M.Ba-chê-lê.
* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Chi-lê M.Ba-chê-lê.
Phát biểu ý kiến tại buổi hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Tổng thống M.Ba-chê-lê sang thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao APEC. Thủ tướng nhấn mạnh, sự tham dự của Tổng thống M.Ba-chê-lê đóng góp quan trọng vào thành công Hội nghị cấp cao APEC; nêu rõ, nhân dân Việt Nam rất coi trọng tình bạn thân thiết, gắn bó với nhân dân Chi-lê. Chuyến thăm này của Tổng thống chắc chắn tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục tăng cường, đưa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Tổng thống M.Ba-chê-lê bày tỏ vui mừng trở lại thăm Việt Nam. Bà nêu rõ, lịch sử đã gắn bó hai nước chúng ta, nhất là hiện nay, hai nước đang tích cực phát triển giao lưu thương mại. Chi-lê luôn ủng hộ Việt Nam trong mọi hoàn cảnh. Để tăng cường quan hệ song phương, hai bên cần thúc đẩy kết nối cộng đồng doanh nghiệp tìm ra những dự án hợp tác cụ thể để nâng cao hiệu quả. Chi-lê muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong việc trồng lúa nước; mong hợp tác với Việt Nam về ngành dự báo thời tiết vì Chi-lê có những trung tâm nghiên cứu dự báo thời tiết rất hiện đại, phát triển. Nhân dịp này, Tổng thống chia sẻ với nhân dân Việt Nam về những thiệt hại nặng nề do bão lụt vừa qua; đề nghị, hai nước cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu. Bà hy vọng, trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, hội nghị các thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đạt kết quả tốt đẹp. Bà cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Chi-lê đẩy mạnh hợp tác với ASEAN. Tổng thống M.Ba-chê-lê nêu rõ, Chi-lê sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam để tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC.
Hoan nghênh và nhất trí với ý kiến của Tổng thống M.Ba-chê-lê, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai nước có bề dày lịch sử, quan hệ chính trị gắn bó, tin cậy; hợp tác tích cực trong các khuôn khổ đa phương. Để tăng cường quan hệ hai nước, Thủ tướng đề nghị, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn cấp cao, thúc đẩy hợp tác những lĩnh vực tiềm năng; nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác; chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các văn kiện đã ký; đàm phán các thỏa thuận về hải quan, kiểm dịch động-thực vật; hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý những văn kiện song phương. Trong khi chưa hình thành Hiệp định TPP thì hai nước cần đẩy mạnh giao lưu thương mại. Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về Hiệp định Thương mại tự do song phương; khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau, thiết lập quan hệ làm ăn, đầu tư trực tiếp về khai khoáng, sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, ứng phó biến đổi khí hậu...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tổng thống M.Ba-chê-lê tạo điều kiện thuận lợi cho các nông sản Việt Nam, nhất là xoài, vải, nhãn được vào thị trường Chi-lê thuận lợi. Về hợp tác đa phương, Thủ tướng đề nghị hai nước tiếp tục ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương nhằm nâng cao vị thế và vai trò của mỗi nước. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, chuyển giao công nghệ trồng lúa nước cho Chi-lê. Thủ tướng đề xuất, hai nước cần phát huy truyền thống hợp tác tốt đẹp; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực mới như khoa học - công nghệ, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, y học, du lịch... Việt Nam ủng hộ và hợp tác để Chi-lê tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2019.
* Chiều 9-11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Tổng thống Chi-lê M.Ba-chê-lê.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ hài lòng về kết quả tốt đẹp đạt được trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống M.Ba-chê-lê; bày tỏ tin tưởng, cùng với các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống M.Ba-chê-lê sẽ góp phần đưa quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Chi-lê bước sang giai đoạn phát triển mới, ngày càng thực chất và hiệu quả. Chủ tịch QH vui mừng nhận thấy, quan hệ giữa QH Việt Nam và QH Chi-lê đang phát triển tốt đẹp; khẳng định, QH Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với QH Chi-lê trên lĩnh vực song phương và đa phương.
Tổng thống Chi-lê M.Ba-chê-lê đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được trong xây dựng và phát triển đất nước; nhấn mạnh, Chi-lê và Việt Nam có mối quan hệ đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau từ những năm tháng nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, hai nước cần tiếp tục hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong điều kiện cùng đối mặt những thách thức chung như biến đổi khí hậu, vấn đề môi trường...
* Trước đó, sáng cùng ngày, Tổng thống Chi-lê M.Ba-chê-lê đã đặt vòng hoa và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Nhà sàn Bác Hồ; đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.