Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Sáng 23-11, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Trong đó, một số nội dung chỉnh sửa có liên quan đến phạm vi nợ công, hành vi vi phạm và xử lý trong quản lý nợ công, quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ…
Về nội dung liên quan đến phạm vi nợ công, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) không đưa nội dung đưa nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi nợ công...
Về những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý nợ công (Điều 8), Luật bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm là vay hoặc cho vay không đúng hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật, cụ thể tại khoản 1, khoản 5 Điều 8 Dự thảo luật...
Về quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, Luật bổ sung quy định tổ chức tín dụng được lựa chọn là cơ quan cho vay lại phải đáp ứng điều kiện: Phải được ít nhất một trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín nhiệm ở mức tín nhiệm ngang bằng hoặc thấp hơn một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Đây là điều kiện rất chặt chẽ, khách quan do các tổ chức này hoạt động độc lập, có uy tín trên phạm vi toàn cầu, xếp hạng theo phương pháp, quy trình đánh giá rất khắt khe cả về quản trị hoạt động và quản trị rủi ro. Nội dung sửa đổi thể hiện cụ thể tại Điều 35 Dự thảo luật.
Về chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ (Điều 42), điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ (Điều 43), Luật bỏ quy định về danh mục chương trình, dự án xét cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 5 năm.
Tại phiên biểu quyết, đã có 438 đại biểu tham gia, 421 đại biểu tán thành, chiểm tỷ lệ 89,21%.
Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2018.
Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Theo Báo Nhân Dân