(HBĐT) - Tân Lạc là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Nơi đây được biết đến với các di chỉ của nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng, quê hương của người Việt cổ, nơi cội nguồn của dân tộc. Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người dân Tân Lạc luôn thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, cùng nhân dân cả nước bảo vệ, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Sau khi huyện Tân Lạc được thành lập (15/10/1957), vượt lên
những khó khăn, thử thách ban đầu, Đảng bộ huyện Tân Lạc đã lãnh đạo nhân dân
tiến hành cuộc cách mạng cùng với cả nước góp phần vào công cuộc cách mạng XHCN
ở miền Bắc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và giải phóng đất
nước.
60 năm qua, trong các giai đoạn lịch sử, Đảng bộ huyện đã
lãnh đạo nhân dân hoàn thành xuất sắc
các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong 30 năm đổi mới (từ năm 1986 đến nay),
Đảng bộ huyện Tân Lạc đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng linh hoạt,
sáng tạo, phù hợp các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước để lãnh đạo đổi mới phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội.
Những năm gần đây, nhiều chủ trương quan trọng, mang tính đột phá của huyện
được ban hành và được triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả như: Nghị quyết
số 10 - NQ/HU, ngày 10/7/2013 về "Phát triển bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn
huyện, giai đoạn 2013 – 2020”; Nghị quyết số 12 - NQ/HU về cải tạo vườn
tạp... đã làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức
và diện mạo kinh tế của huyện. Từ một nền kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp
kém hiệu quả, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng
chuyên canh sản phẩm nông nghiệp chất lượng, giá trị kinh tế cao như: vùng
trồng bưởi đỏ, bưởi da xanh ở các xã dọc đường 12B; sản xuất rau sạch, rau trái
vụ, chăn nuôi gia súc ở vùng cao; trồng mía tím, mía nguyên liệu ở các xã vùng
12B, vùng thượng...
Tân Lạc giữ gìn và
phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua các lễ hội. Ảnh: Lễ hội Khai hạ Mường Bi
được tổ chức hàng năm góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đạt
13,3%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông, lâm
nghiệp, thủy sản còn 35,4%, CN - TTCN - xây dựng 31,8%, thương mại - dịch vụ 32,8%.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 34,21 triệu đồng. Kết cấu hạ tầng KT-XH được
tăng cường, văn hóa - xã hội được chăm lo, phát triển; AN-QP được giữ vững;
công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mttq và các đoàn thể thường xuyên được
quan tâm.
Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, cách mạng,
trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Tân Lạc quyết tâm
đoàn kết, thống nhất vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi các
nhiệm vụ chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII;
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ
XVI và các mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã đề ra. Phấn đấu tốc
độ tăng trưởng đạt trên 8%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt
50 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%/năm; xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 40%
trở lên. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu
cầu của sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Để thực hiện thắng lợi
các mục tiêu trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tân Lạc
tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tập trung phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo
hướng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến và nhu cầu thị trường; rà soát, điều
chỉnh quy hoạch phát triển các loại cây, con trên cơ sở lợi thế của từng vùng;
hình thành các vùng nguyên liệu, nhất là vùng nguyên liệu cây công nghiệp để
thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến; tăng cường công tác khuyến nông,
khuyến lâm, ứng dụng có hiệu quả khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Phát triển
hợp lý đàn gia súc, gia cầm theo hướng nâng cao chất lượng; thực hiện tốt công
tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng có hiệu quả đất lâm nghiệp. Quy
hoạch, bố trí lại dân cư nông thôn một cách hợp lý. Thực hiện tốt xây dựng nông thôn mới.
Đội
văn nghệ của làng Mường cổ - xóm ải, xã Phong Phú thường xuyên tập luyện các
tiết mục đặc sắc để phục vụ khách thăm quan.
Hai là, phát triển CN-TTCN theo hướng nâng cao
chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, có cơ cấu ngành nghề hợp lý.
Làm tốt công tác xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch. Tập trung đầu tư xây
dựng kết cấu hạ tầng khu vực thị trấn, phát triển mạnh thương mại, dịch vụ và
du lịch trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên phát triển mạnh du lịch văn hóa, nghỉ
dưỡng, sinh thái theo tinh thần Nghị
quyết số 03-NQ/HU, ngày 21/7/2016 của Huyện ủy về phát triển du lịch huyện Tân
Lạc giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện tốt chính sách thu
hút cán bộ khoa học kỹ thuật nhằm chủ động ứng dụng các thành tựu khoa học công
nghệ tiên tiến vào quản lý, sản xuất, kinh doanh và đời sống; bảo vệ, khai thác
và sử dụng hợp lý tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường.
Ba là, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng
giáo dục; thực hiện đúng lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia; giữ vững kết
quả phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, từng bước
phổ cập giáo dục THPT. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị các cơ sở y tế trên địa
bàn; nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sỹ, làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc
sức khỏe nhân dân. Nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hóa”; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tăng
cường đầu tư cơ sở vật chất văn hoá, thể dục - thể thao. Thực hiện tốt chương
trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ ở các
xã khó khăn; thực hiện tốt chính sách
xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển KT-XH
với tăng cường tiềm lực QP-AN, xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ, cơ bản,
liên hoàn, vững chắc. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn
diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Kịp thời
phát hiện và xử lý hiệu quả các vấn đề phức tạp phát sinh, bảo đảm giữ vững ổn
định chính trị xã hội.
Năm là, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh học tập
và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn,
đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện
"tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tích cực đổi mới nội dung sinh
hoạt cấp uỷ, chi bộ. Thực hiện tốt công tác cán bộ, chú trọng quy hoạch, đào
tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Kết hợp công tác
dân vận của cấp uỷ với công tác dân vận chính quyền theo hướng trọng dân, gần
dân, có trách nhiệm với dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Tích cực đổi mới nội dung,
phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể; phát huy sức mạnh đại đoàn kết
dân tộc. Nhiệm vụ trước mắt là phải nghiêm túc thực hiện tốt các yêu cầu, nội
dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và phát
triển, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trong huyện phải giữ vững
đoàn kết, nêu cao ý chí, quyết tâm, năng động, sáng tạo, kiên trì phấn đấu
trong lao động, học tập, công tác, quyết tâm xây dựng huyện Tân Lạc ngày càng
giàu đẹp, văn minh.