Giải quyết kiến nghị của cử tri từ cơ sở
Trình bày báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và
sau kỳ họp thứ tư của Quốc hội, 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố
đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị này đã
được Ban Dân nguyện chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải
quyết (giảm 357 kiến nghị so với kỳ họp trước).
Báo cáo đánh giá, với sự nỗ lực cao của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành trong giải quyết các kiến nghị, phản
ánh của cử tri về công tác điều hành của Chính phủ, từ đó đã tháo gỡ được nhiều
khó khăn, vướng mắc mà người dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Các đại biểu cho rằng, thời gian qua đã có sự thay đổi, chuyển
biến rõ rệt về chất lượng giải quyết những vấn đề mà cử tri phản ánh; nội
dung, số lượng các văn bản trả lời bảo đảm kịp thời, đầy đủ. Một số bộ trưởng
đã dành nhiều thời gian để trực tiếp chỉ đạo, giải quyết và ký tất cả các văn
bản trả lời gửi tới cử tri nên chất lượng trả lời, số lượng các vấn đề được
giải quyết dứt điểm khá nhiều, được cử tri đồng tình. Tại kỳ họp này, một điểm
nhấn trong công tác giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành đó là 83,5%
các kiến nghị chưa thể giải quyết được ngay đều đã được các bộ, ngành xây dựng
lộ trình để giải quyết.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ cơ bản thống nhất với đánh giá kết
quả giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan Quốc hội. 100% ý kiến kiến
nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã được nghiên cứu
tiếp thu và giải quyết. Trong tổng số 1.993 kiến nghị, Chính phủ, các cơ quan
của Chính phủ đã nghiên cứu giải quyết xong đối với 162 kiến nghị; giải
trình, cung cấp thông tin đối với 1.474 kiến nghị; còn lại 357 kiến nghị hiện
nay đang trong quá trình giải quyết.
Trong báo cáo còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác giải
quyết kiến nghị của cử tri, nổi lên là việc giải quyết mang tính cung cấp
thông tin vẫn còn nhiều, thậm chí phổ biến. Số lượng nghiên cứu, tiếp thu giải
quyết xong còn ít, còn nhiều kiến nghị đang nghiên cứu trả lời cử tri sẽ giải
quyết trong thời gian tới. Việc giải quyết thông qua công tác ban hành sửa đổi
văn bản chiếm đa số. Nhiều vấn đề bất cập, các vụ việc cụ thể chưa được quan
tâm đúng mức...
Một số ý kiến đề nghị báo cáo cần làm rõ hiệu quả của việc giải
quyết trả lời ý kiến kiến nghị cử tri. Một số nội dung đã được xử lý nhưng vẫn
có nhiều ý kiến nhiều lần. Phải làm rõ trách nhiệm, kể cả về công tác thông
tin, tuyên truyền, vấn đề báo cáo giám sát cần phải hướng tới mục đích cuối
cùng là kết quả đó, việc trả lời, giải quyết của cơ quan đã đáp ứng được yêu
cầu của cử tri hay không. Cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ
quan, đơn vị trong việc trả lời không đúng, không đầy đủ các ý kiến kiến nghị
của cử tri.
Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác tập hợp,
tổng hợp ý kiến kiến nghị cử tri, tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri,
khắc phục tình trạng tiếp xúc cử tri chuyên nghiệp, đại cử tri. Tăng cường
công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho công tác giám sát. Phải làm rõ thêm
các tồn tại, hạn chế về vấn đề tổ chức, về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của
các bộ, ngành trong việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri...
Một số đại biểu nêu các số liệu phân tích, đánh giá đầy đủ trong
báo cáo đã nêu thực trạng và mối quan tâm của các bộ, ngành, của Quốc hội,
Tòa án và Viện Kiểm sát trong việc trả lời kiến nghị của cử tri. Như vậy,
100% các kiến nghị đã được xem xét, trả lời và có chất lượng. Dẫn số liệu có
tới 1.474/1.993 kiến nghị (chiếm gần 74%) về công tác điều hành của Chính phủ
được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc
của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh
công tác thông tin tuyên truyền trong thời gian tới.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội
Tòng Thị Phóng đặt vấn đề về nguyên nhân những kiến nghị của người dân chưa
được làm rõ. Đó là do pháp luật chưa hoàn thiện hay do công tác tổ chức thực
hiện, cơ chế phối hợp chưa tốt.
Do đó, báo cáo cần nêu trách nhiệm rõ hơn ở cấp trung ương, cả
Quốc hội, Chính phủ trong việc quan tâm rà soát và tổ chức thực hiện luật
pháp. Bên cạnh đó nêu rõ trách nhiệm xử lý những vấn đề cụ thể, những vụ việc
liên quan đến các chính sách điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành...
Kỳ vọng quyết tâm và hành động của Đảng, Nhà nước
Tiếp theo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Báo
cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội
khóa XIV.
Trình bày dự thảo Báo cáo, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, chuẩn bị kỳ họp thứ
năm, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam phối hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.093 ý kiến, kiến
nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 763 ý kiến,
kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội và 2.330 ý
kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam các cấp.
Đặc biệt, cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin
tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà
nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí với nhiều
kết quả cụ thể, đáng ghi nhận. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng,
phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, không có "vùng cấm”, kể cả đối với cán bộ
lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu.
Tuy nhiên, dự thảo báo cáo chỉ rõ, nhiều vụ việc chỉ được quan
tâm xử lý khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, của Ban Chỉ đạo
Phòng, chống tham nhũng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; còn nhiều
ngành và địa phương vẫn chưa thực sự "vào cuộc”, có biểu hiện né tránh, kết
quả thực hiện chưa rõ nét. Vì vậy, cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước
tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp,
các ngành, các địa phương, cơ sở, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của
cả hệ thống chính trị.
Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ sự tin tưởng và đồng tình cao trước
quyết tâm của Đảng, Nhà nước tiếp tục có giải pháp hiệu quả để phòng, chống
tham nhũng, lãng phí, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý
nghiêm những người có liên quan đến tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tài
sản của Nhà nước. Trong đó tăng cường hiệu quả trong thu hồi tài sản tham
nhũng; tiếp tục phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên có hành vi tham
nhũng, lãng phí.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành năm nhóm kiến nghị của
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình bày. Các ý
kiến bám sát, xuất phát từ nội dung kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.
Đây vừa là đề xuất, kiến nghị vừa tạo cơ sở cho giám sát việc tổ chức thực hiện
của các cơ quan hữu quan.
Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, phân loại làm rõ những
đề xuất nào được nêu nhiều lần, cần phải có lộ trình, thời hạn cụ thể để giải
quyết dứt điểm. Có kiến nghị cụ thể đối với từng nhóm với Quốc hội, Chính phủ
với các ngành, các cấp để rõ từng mảng và nội dung.
|
TheoNhandan