Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh: TRẦN HẢI
Đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao
Với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tình
hình kinh tế - xã hội năm 2018 đạt kết quả toàn diện, hoàn thành toàn bộ 12/12
chỉ tiêu Quốc hội giao khẳng định vai trò là năm bản lề trong kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
cho biết, trong đó, có ba chỉ tiêu đạt và chín chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch,
tăng thêm một chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu
tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 7,08% (số đã báo cáo Quốc hội là
6,7%).
Một số chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước đã báo cáo Quốc hội,
như: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 13,2% (số đã báo cáo Quốc hội là
tăng 11,2%); Xuất siêu 2,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (số đã báo cáo Quốc hội là
xuất siêu 0,4%); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân là 3,54% (số
đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%)…
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. CPI bình quân năm
2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, là năm thứ 3 liên tiếp thực hiện
thành công mục tiêu Quốc hội giao (dưới 4%). Nền kinh tế tăng trưởng tích cực,
GDP tăng cao, quy mô GDP theo giá hiện hành tăng thêm gần 536,4 nghìn tỷ đồng
so với năm 2017. Thu ngân sách nhà nước tăng khá, chi ngân sách nhà nước được bảo
đảm. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 1.424,9 nghìn tỷ đồng,
vượt dự toán 8%. Cùng với đó, việc huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội
tăng, đạt 1.856,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2017. Xuất,
nhập khẩu hàng hóa tăng cao, tổng kim ngạch đạt 480,2 tỷ USD.
"Có sự chuyển
biến khá rõ nét, thực chất hơn trong triển khai thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế
gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, cơ cấu kinh tế tiếp
tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp
và thủy sản, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Trong
nội bộ từng ngành cũng có sự chuyển biến, thực chất và đúng hướng hơn” – Phó Thủ
tướng Trương Hòa Bình nhìn nhận.
Nỗ lực để đạt các mục tiêu năm 2019
Nhận định về tình hình kinh tế năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực
Trương Hòa Bình cho biết, tăng trưởng thương mại thế giới năm 2019 được dự báo
đạt thấp hơn so với năm 2018 do tác động tiêu cực từ tình hình căng thẳng
thương mại giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ với Trung Quốc, Ấn Độ, EU. Do đó,
kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến đối mặt với nhiều yếu tố bất định hơn từ môi
trường kinh tế thế giới, như: cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; thay đổi chuỗi
cung ứng; thay đổi dòng vốn đầu tư; việc tham gia các Hiệp định thương mại tự
do thế hệ mới như CPTPP, FTA với EU… đòi hỏi yêu cầu cao hơn và phải thực hiện
đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ…;
cuộc cách mạng khoa học 4.0 buộc các nước đang theo đuổi chiến lược phát triển
kinh tế dựa vào xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư nước ngoài như nước ta phải có những
điều chỉnh trong chính sách phát triển kinh tế.
Trong khi nền kinh tế trong nước thời gian qua tiếp tục ghi nhận
những kết quả tích cực, nền tảng vĩ mô được củng cố và môi trường kinh doanh được
cải thiện trong những năm gần đây sẽ tiếp tục tạo động lực tăng trưởng trong
năm 2019. Kết quả thực hiện bốn tháng đầu năm, nhìn chung vẫn giữ được xu thế
tích cực từ cuối năm 2018. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khá,
kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục
chuyển dịch tích cực. Các chỉ số tài chính, tiền tệ, lãi suất nhìn chung ổn định;
thị trường ngoại hối diễn biến tích cực, cung cầu ngoại tệ trong nước thuận lợi,
thanh khoản tốt, dự trữ ngoại hối tiếp tục được nâng lên. Thu, chi ngân sách
nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá. Môi trường
đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao. Cán cân
thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng
81% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, bên cạnh những
kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng
như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới, nhất là thiên tai, dịch bệnh diễn
biến hết sức phức tạp, có khả năng ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh những
tháng tiếp theo và khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019.
"Mặc dù triển vọng kinh tế trong nước tiếp tục tích cực, kinh tế
thế giới được dự báo có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều khó
khăn, thách thức và các yếu tố khó lường; đòi hỏi được nghiên cứu, đánh giá thận
trọng để chuẩn bị các phương án ứng phó và giải pháp phù hợp” - Phó Thủ tướng
lưu ý.
TheoNhandan