Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: VGP
Sáng 4-6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là tư lệnh ngành đầu tiên trả
lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa IV.
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng,
công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ an ninh trật tự thời gian qua đạt
nhiều kết quả. Việt Nam được xem là điểm đến an toàn của khách du lịch, trong
đó có công sức đóng góp của ngành công an. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự
đang diễn biến phức tạp. Trong đó tội phạm ma tuý gia tăng, nhiều vụ vận chuyển
ma túy lớn bị bắt giữ. Nhóm tội phạm này đang lợi dụng Việt Nam để vận chuyển
ma túy sang nước thứ ba. Trong khi đó, người nghiện ngày càng gia tăng.
"Ma túy đang là tội phạm của nhiều loại tội phạm khác. Trong
khi đó, tín dụng đen cũng diễn biến phức tạp, len lỏi đến các vùng quê. Tình trạng
mua bán trẻ em có diễn biến mới như mua bán bào thai qua biên giới. Vấn đề tai
nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu, bia cũng đang cần sự chung tay giải quyết
của toàn xã hội”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh. Chủ trương của Bộ Công an là giảm
tội phạm, xoá bỏ nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm. Những tháng đầu năm
2019, số vụ phạm pháp hình sự đã giảm 3% nhưng bên cạnh kết quả đạt được còn
không ít thách thức.
Công an Việt Nam hoàn toàn có thể ngăn chặn tội phạm ma túy
Mở đầu phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa
(Đồng Tháp) chất vấn về tội phạm ma túy, tín dụng đen, thảm sát. Dẫn ra vụ thảm
sát đổ bê tông giấu thi thể mới đây, ĐB này chất vấn phải chăng do yếu kém của
công tác bám sát địa bàn, vấn đề con người yếu kém hay do đạo đức công vụ?
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng),
ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đều thể hiện bức xúc với tội phạm ma túy, khi
mà lượng ma túy đến hàng tấn, len lỏi khắp địa phương. Trách nhiệm của Bộ Công
an ở đâu, giải pháp phòng ngừa căn cơ? Nhiều ĐB khác cùng có chung chất vấn về
tội phạm ma túy.
.
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh:
QUOCHOI.VN
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Việt Nam đã dành
nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Quốc hội cũng thông
qua luật với hình phạt rất nghiêm khắc cho loại tội phạm này, 9/13 hình phạt ở
khung cao nhất (tử hình). Chính phủ có kế hoạch phòng chống ma túy; các bộ
ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để đối phó với loại tội phạm này. Những năm
qua, lực lượng công an đã dự báo trước tình hình, triển khai nhiều biện pháp, kết
quả đấu tranh phòng chống ma túy vừa qua đã nói lên điều này. Tội phạm ma
túy là tội phạm quốc tế, Việt Nam lại ở gần trung tâm sản xuất ma
túy là Tam Giác Vàng nên nguy cơ phát triển tội phạm này rất cao. Hiện
nay, đã phát hiện các đường dây ma túy có sự can thiệp của các đối tượng người
nước ngoài, phát hiện các đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.
Nhờ dự báo trước tình hình, từ 2018, công an đã ngăn chặn các vụ vận
chuyển qua Tây Bắc gồm các tỉnh Điện Biên, Hoà Bình, Sơn La. Sau đó chúng chuyển
hướng hoạt động vào miền Trung, miền Nam. "Với sự quyết tâm cao của hệ thống
chính trị, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn tội phạm ma túy, không để Việt
Nam thành địa bàn trung chuyển", Bộ trưởng Bộ Công an nói. Dù ở gần vòng
xoáy trung tâm thứ 2 sản xuất ma tuý lớn trên thế giới, nguồn cung lớn, nhu cầu
trong nước đang phát triển nhưng so với ASEAN thì Việt Nam có thể kiểm soát được.
Số người nghiện ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 Philippines.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng thừa nhận, chống tội phạm ma túy
có nhiều thách thức lớn. Việt Nam ở gần vòng xoáy thứ 2 về ma túy, lượng người
nghiện ma túy lớn. Cũng còn nhiều vướng mắc trong công tác phòng chống ma túy, như
Bộ Luật hình sự đã bỏ quy định về xử lý hình sự người sử dụng ma túy; quy trình
đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong quản lý cửa khẩu, thủ tục
hàng hóa nhập khẩu thông quan rất thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp
nhưng lại bị tội phạm lợi dụng. "Chúng tính toán là làm 3 vụ, bị bắt 2 vụ thì vẫn
có lời", Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho rằng, thời gian tới, các lực lượng ở
cửa khẩu như biên phòng, công an... cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa.
Nói về các giải pháp căn cơ để phòng chống ma túy, Bộ trưởng nhấn
mạnh, tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phòng chống
ma túy, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, song song đó chặn nguồn cung - cầu ma
túy, phối hợp chặt chẽ với quốc tế để phòng chống ma túy.
Phải chăng việc vận chuyển ma túy qua Việt Nam dễ dàng hơn?
Dù Bộ trưởng trả lời sâu về chống tội phạm ma túy, nhưng hàng loạt
các ĐB sau đó vẫn tiếp tục chất vấn về nội dung này. ĐB Nguyễn Thị Minh Trang
(Vĩnh Long) cho rằng, người dân vô cùng bất an về tội phạm ma túy với những đường
dây tội phạm khủng. Vì thế, ngoài những giải pháp đó, cần những giải pháp cụ thể
nào nữa. Việt Nam liệu có chắc chắn không thành điểm trung chuyển ma túy? ĐB
Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) tranh luận yêu cầu phải làm rõ tại sao thời gian gần
đây xuất hiện nhiều vụ án ma túy vận chuyển với số lượng lớn, phải chăng việc vận
chuyển qua Việt Nam dễ dàng hơn?. Chỉ khi làm rõ nguyên nhân thì mới có
giải pháp căn cơ để ngăn chặn.
Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, sở dĩ có thực trạng trên vì Việt Nam
đang phải chịu áp lực ma túy từ nước ngoài vào rất lớn. Từ khu vực Tam Giác
Vàng đến Việt Nam chỉ 500 km; điều kiện đất nước mở cửa để phát triển kinh tế
cũng là cơ sở để tội phạm lợi dụng đưa ma túy vào Việt Nam. Ngoài ra, đường
biên giới Việt Nam rất dài khiến việc kiểm soát khó khăn. Hiện cơ quan chức
năng mới kiểm soát được ở các cửa khẩu, còn các lối mòn thì chưa thể kiểm soát.
"Bộ Công an đã đề xuất với Chính phủ kế hoạch tổng thể để ngăn chặn tội phạm
qua biên giới và được phê duyệt. Chúng tôi cũng phối hợp Lào tổ chức cao điểm
triệt phá ma túy có hiệu quả tốt...", Bộ trưởng nói.
Cùng với đó, quản lý chặt cửa khẩu. Tăng cường tuyên truyền, giáo
dục người dân để phòng ngừa ma túy...
Theo SGGP