Để thực hiện hiệu quả phương án sắp xếp, BCĐ huyện đã ban hành công văn hướng dẫn một số nội dung liên quan. Trong đó, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn 5 xã thực hiện sắp xếp lấy ý kiến cử tri. UBND 5 xã đã thành lập các BCĐ và tổ chức cuộc họp tại các xóm để tuyên truyền, giải thích đến người dân. Đồng thời, lập, niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở và khu vực bỏ phiếu (nhà văn hóa các xóm). Đến ngày 1/6, toàn bộ danh sách 9.565 cử tri tại 3.064 hộ gia đình đã được niêm yết công khai.
Cán bộ Phòng Nội vụ huyện Cao Phong rà soát cán bộ, công chức trong huyện để thực hiện phương án sắp xếp sau nhập xã.
UBND huyện đã chỉ đạo 5 xã thành lập các tổ lấy ý kiến cử tri của 28 xóm. Thành viên gồm 5 người: bí thư chi bộ, trưởng xóm, công an viên, trưởng các chi hội. Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện đồng loạt tại 5 xã vào ngày 16/6. Kết quả, 99,15% cử tri đến bỏ phiếu. Tỷ lệ nhân dân đồng thuận khá cao. Cụ thể, xã Đông Phong có 98,4%; xã Tân Phong 82,34%, xã Xuân Phong 97,3%, xã Yên Thượng 89,35%, xã Yên Lập 99,37% cử tri đồng ý.
Trên cơ sở ý kiến đồng thuận của cử tri, UBND huyện xây dựng phương án chi tiết về sắp xếp và được BTV Huyện ủy thông qua. 100% đại biểu HĐND các xã và cấp huyện dự kỳ họp HĐND đã biểu quyết nhất trí phương án sắp xếp.
Đồng chí Đinh Văn Duẩn, Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết: Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã sẽ dôi dư cán bộ là tất yếu. Cụ thể, số cán bộ, công chức (CB, CC) của 2 xã Yên Thượng, Yên Lập trước khi nhập là 39 người. Sau khi nhập, định mức tối đa số CB, CC theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của xã mới Thạch Yên là 21 người. Như vậy, dôi dư 18 người. Trong đó, 5 cán bộ chủ chốt, 9 công chức và 4 người là trưởng các đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Số người hoạt động không chuyên trách dôi dư 14 người.
Huyện đã xây dựng lộ trình phương án sắp xếp số cán bộ dôi dư của 2 xã. Theo đó, nghỉ chế độ theo quy định là 7 người, điều chuyển sang đơn vị hành chính khác 11 người. Số cán bộ không chuyên trách dôi dư đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết thôi việc. Việc giải quyết chế độ, chính sách với những trường hợp dôi dư thực hiện theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP, Nghị định số 113/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết HĐND tỉnh.
Tương tự, xã Hợp Phong mới định mức CB, CC tối đa là 23 người, trong khi số CB, CC hiện có của 3 xã là 55 người. Như vậy, dôi dư 32 người. Số người hoạt động không chuyên trách dôi dư 26 người. Theo phương án sắp xếp, có 9 người nghỉ theo chế độ, 23 người điều chuyển sang đơn vị hành chính khác. Sau khi nhập, xã Thạch Yên sẽ sử dụng trụ sở của xã Yên Thượng và xã Hợp Phong sẽ sử dụng trụ sở của xã Đông Phong hiện nay.
Theo Trưởng phòng Nội vụ Đinh Văn Duẩn, đối với Cao Phong, việc bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, công chức dôi dư của các xã thực hiện nhập sau 5 năm không quá khó. Vấn đề khó khăn, trăn trở hiện nay là việc bố trí số cán bộ chuyên trách là trưởng các đoàn thể như Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội CCB, Chủ tịch Hội Nông dân. Đây là các chức danh được bầu theo Điều lệ. Qua khảo sát, 8 người thuộc các chức danh này không đủ tiêu chuẩn về bằng cấp phù hợp với vị trí việc làm nếu chuyển sang công chức.
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Cao Phong Bùi Thị Minh đề nghị Sở Nội vụ tham mưu cho tỉnh để có hướng giải quyết những vướng mắc cho hợp lý. Đồng chí Bùi Thị Minh cho biết: Huyện chỉ đạo tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận CB, CC tại các đơn vị thực hiện nhập. Rà soát đội ngũ CB, CC trong toàn huyện để có phương án sắp xếp số cán bộ chủ chốt và công chức dôi dư. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận trong cán bộ, nhân dân.
Cẩm Lệ