(HBĐT) - Cùng với việc cán bộ, đảng viên trong tỉnh ồ ạt học lý luận chính trị (LLCT) ngoài tỉnh, một vấn đề đặt ra đồng thời là tình trạng nợ bằng LLCT khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý hay cán bộ chưa đạt chuẩn trình độ LLCT. Điều này cho thấy, những vấn đề liên quan đến việc quy hoạch gắn với đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, việc thực hiện quy định chế độ học tập LLCT trong Đảng và quản lý việc học.
Từ năm 2015 đến nay, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh mở liên tục 13 lớp trung cấp lý luận chính trị. Ảnh: Học viên lớp TCLLCT-hành chính khóa 9 nhận bằng tốt nghiệp.
Khó quản lý được việc học tập
Quyết định số 567-QĐ/TU, ngày 30/8/2017 của BTV Tỉnh ủy ban hành Quy định về chế độ học tập của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh nêu: các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, học tập LLCT... phù hợp với từng đối tượng, nhằm thực hiện đúng quy định học tập LLCT gắn với quy hoạch cán bộ lãnh đạo và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tăng cường quản lý, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chế độ học tập. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện...
Cùng với Quy chế đào tạo trung cấp LLCT - hành chính của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho thấy, việc cán bộ, đảng viên trong tỉnh ồ ạt đi học trung cấp (TC) LLCT ngoài tỉnh mà các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh không được báo cáo, không nắm được danh sách cụ thể thì khó có thể quản lý được việc học tập như thế nào. Việc mở lớp TCLLCT tại Trường Chính trị tỉnh dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy được thực hiện chặt chẽ từ kế hoạch, giao chỉ tiêu đến xét duyệt, phê duyệt danh sách và quản lý quá trình học của học viên.
Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Đoàn Văn Thu cho biết: Khi mở lớp TCLLCT, Đảng ủy Khối đều thành lập ban chỉ đạo, trực tiếp Bí thư Đảng ủy là Trưởng ban, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh là Phó ban. Quá trình học tập của học viên đều được quản lý, theo dõi thường xuyên và thông báo đến cơ quan, đơn vị công tác của học viên. Nếu cán bộ, đảng viên học ngoài tỉnh thì không quản lý được việc học tập như thế nào, chất lượng ra sao.
Đối với Trường Chính trị tỉnh, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Vân cho biết: Trường thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy. Từ năm 2017 - 2019, trường tổ chức 46 lớp TCLLCT cho 2.926 học viên với 2 loại hình tập trung và vừa học vừa làm. Trong đó, năm 2017 mở 7 lớp hệ vừa học vừa làm tại các huyện để tạo thuận lợi cho học viên, năm 2018 mở 8 lớp, năm 2019 là 14 lớp. Với việc tổ chức dạy và học nghiêm túc đã có học viên không được công nhận tốt nghiệp do sao chép khóa luận tốt nghiệp hay trong quá trình học vi phạm kỷ luật. Trước nhu cầu học LLCT của cán bộ, đảng viên trong tỉnh, năm 2017, trường đã khảo sát tại các huyện, thành phố và có tờ trình Thường trực Tỉnh ủy về việc xin chủ trương mở các lớp TCLLCT - hành chính học ngoài giờ hành chính, nhưng không được chấp thuận. Như vậy, Tỉnh ủy quản lý rất chặt chẽ việc học TCLLCT. Trong khi đó, nhiều cán bộ của tỉnh lại học ở ngoài tỉnh mà không được sự nhất trí, phê quyệt của Thường trực Tỉnh ủy. Ngoài việc không chấp hành quy định, những cán bộ, đảng viên là cán bộ quản lý hoặc quy hoạch vào vị trí đó đã không thực hiện việc nêu gương. Vấn đề này cần được siết chặt lại.
Nhiều cán bộ chưa đạt chuẩn trình độ lý luận chính trị
Đây là thực tế đã và đang diễn ra ở một số địa phương, đơn vị từ cấp xã, huyện đến sở, ngành thời gian qua. Nguyên nhân có nhiều nhưng cũng đã cho thấy sự bị động trong công tác quy hoạch gắn với đào tạo, bổ nhiệm cán bộ. Vì vậy, có cấp ủy phải "gỡ bí” tạo điều kiện cho cán bộ đi học TCLLCT ở tỉnh ngoài khi sắp đến kỳ bổ nhiệm lại. Hay từ danh sách học viên học TCLLCT đều có các đồng chí đã được bổ nhiệm là trưởng phòng cấp huyện, sở, ngành, bí thư Đảng ủy xã và đi học để... "trả nợ”.
Do nhiều cán bộ còn nợ bằng TCLLCT nên Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh đã phải báo cáo, xin Thường trực Tỉnh ủy mở liên tục các lớp. Bí thư Đảng ủy Khối Đoàn Văn Thu nêu: Thời điểm tháng 4/2014, tại 62/71 chi, Đảng bộ trực thuộc có 82 trưởng phòng, 247 phó trưởng phòng chưa có bằng TCLLCT. Đảng ủy Khối chỉ có 20,1% đảng viên có bằng TCLLCT, còn 62,27% đảng viên có trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo LLCT. Một số cấp ủy cơ sở chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ LLCT cho cán bộ, đảng viên. Đây là một trong những vấn đề đã từng được đưa ra trong kiểm điểm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Để khắc phục, từ năm 2015 - 2019, Đảng ủy Khối đã mở liên tục 13 lớp TCLLCT cho 740 học viên là trưởng phòng, phó phòng và cán bộ quy hoạch vào các chức danh đó. Đến nay, theo báo cáo của các đơn vị, đội ngũ lãnh đạo cấp phòng đã trả xong nợ bằng TCLLCT. Song, áp dụng theo Quyết định số 567-QĐ/TU của Tỉnh ủy, còn nhiều công chức ngạch chuyên viên chưa học.
Từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1395/QĐ-UBND, ngày 13/6/2018 "về việc phê duyệt Danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non công lập trực thuộc UBND huyện, thành phố và Sở GD&ĐT”, vấn đề học LLCT trở nên "nóng”. Lý do là rất nhiều cán bộ quản lý giáo dục các cấp học trong tỉnh chưa đạt chuẩn trình độ LLCT (hiệu trưởng có trình độ trung cấp LLCT, hiệu phó có trình độ sơ cấp LLCT).
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kim Bôi Đinh Thanh Tùng cho biết: Thời điểm Quyết định số 1395/QĐ-UBND có hiệu lực, huyện có 55 hiệu trưởng chưa có bằng LLCT. Khi sáp nhập trường tiểu học và THCS thành trường liên cấp có hiệu trưởng trường THCS đã phải xuống làm hiệu phó do chưa có bằng TCLLCT; có hiệu trưởng trường mầm non cũng phải xuống làm hiệu phó khi bổ nhiệm lại vì chưa có bằng LLCT. Từ đó đến nay, một số cán bộ giáo dục trong huyện đã đi học TCLLCT. Trong đó, 11 đồng chí đã và đang học TCLLCT tại Trường Chính trị tỉnh; 9 đồng chí đã đi học tại Trường Chính trị tỉnh Hà Nam do Đảng ủy xã cử đi; 8 đồng chí học tại Hà Nội do tự liên hệ. Hiện còn 9 hiệu trưởng chưa đi học. Cái khó cho cán bộ, giáo viên là chỉ tiêu học TCLLCT về Đảng bộ xã ít. Nhiều cán bộ có nguyện vọng đi học và đã đăng ký nhưng chưa đến lượt. Đó cũng là một phần nguyên nhân mà một số cán bộ đã phải tự liên hệ đi học TCLLCT ở ngoài tỉnh để kịp đáp ứng vị trí việc làm.
Hiệu trưởng một trường mầm non ở huyện Kim Bôi xin giấu tên cho biết: Tôi được bổ nhiệm hiệu trưởng năm 2014. Tôi đã đăng ký đi học TCLLCT với Đảng ủy xã nhưng mãi đến khi sắp bổ nhiệm lại mới được đi học tại Trường Chính trị tỉnh. Đến tháng 11/2019 mới hoàn thành khóa học nhưng thời điểm bổ nhiệm lại từ tháng 1/2019.
Tại huyện Tân Lạc, khi có Quyết định số 1395/QĐ-UBND cũng gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu hụt nghiêm trọng cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn trình độ LLCT. Trong 62 hiệu trưởng có đến 38 đồng chí chưa đạt chuẩn trình độ LLCT (34 đồng chí trình độ sơ cấp, 4 đồng chí chưa có trình độ LLCT); trong 97 hiệu phó có 28 đồng chí chưa đạt chuẩn. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bùi Văn Hải cho biết: Khi nhập trường TH&THCS, một số hiệu trưởng đã phải xuống làm hiệu phó phụ trách. Để ổn định bộ máy tổ chức của ngành và chuẩn hóa cán bộ theo vị trí việc làm, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu mở được 1 lớp TCLLCT tại huyện, khai giảng tháng 7/2019, phần lớn học viên là cán bộ quản lý giáo dục huyện. Học viên đã học liên tục trong 1 tháng hè, trong năm học học 2 ngày/tuần. 5 đồng chí đang học TCLLCT tại Trường Chính trị tỉnh.
Đối với huyện Cao Phong, theo Phòng GD&ĐT huyện, thời điểm tháng 1/2019 có 72 cán bộ quản lý và 73 đồng chí diện quy hoạch chưa có bằng TCLLCT. Trong đó, ở khối mầm mon chỉ có 1/14 hiệu trưởng có trình độ TCLLCT. Sáu hiệu trưởng đã và sắp đến kỳ bổ nhiệm lại nhưng vẫn chưa có bằng TCLLCT. Vì vậy, Phòng đã có công văn đề nghị mở lớp TCLLCT cho cán bộ quản lý giáo dục các trường thuộc Phòng GD&ĐT huyện. Tuy nhiên, do chưa bố trí được nguồn kinh phí nên năm 2019 chưa mở được lớp. Nhiều huyện khác cũng chung tình hình như vậy.
Những con số nêu trên cho thấy, trước đây, việc học tập, nâng cao trình độ LLCT cho cán bộ quản lý nói chung và ngành GD&ĐT nói riêng chưa thực sự được quan tâm và có nơi, có lúc bị động trong công tác quy hoạch gắn với đào tạo, bổ nhiệm. Điều này có thể lý giải phần nào trong số cán bộ đi học TCLLCT ngoài tỉnh, phần lớn thuộc ngành GD&ĐT. Chuẩn hóa trình độ LLCT cho cán bộ theo vị trí việc làm là vấn đề cần quan tâm.
Quyết định số 567-QĐ/TU, ngày 30/8/2017 của BTV Tỉnh ủy ban hành Quy định về chế độ học tập của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh: "Đảng viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở xã, phường, thị trấn; đảng viên là công chức ngạch chuyên viên, phó trưởng phòng cấp huyện, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương phải học chương trình TCLLCT”.
(Còn nữa)
Minh Châu
(HBĐT) - Sáng 14/10, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến 70 năm tác phẩm "Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao giải Cuộc thi báo chí viết về tấm gương "Dân vận khéo” năm 2019.
Bài 1 - Thực trạng cán bộ, đảng viên trong tỉnh đi học trung cấp lý luận chính trị ngoài tỉnh
(HBĐT) - Hơn 230 cán bộ, đảng viên trong tỉnh thuộc 11/11 Đảng bộ huyện, thành phố và Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh đã ồ ạt đi học trung cấp lý luận chính trị (TCLLCT) tại Trường Chính trị tỉnh Hà Nam, Ninh Bình. Đây là con số thống kê chưa đầy đủ về tình hình cán bộ, đảng viên trong tỉnh đi học TCLLCT tại các tỉnh khác từ năm 2016 đến nay. Ngoài ra, có cán bộ học TCLLCT tại các trường của bộ, ngành T.Ư.
Sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 12/10, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết của Hội nghị.
BÙI VĂN TỈNH
Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
(HBĐT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt...”. Trong chiều dài lịch sử của dân tộc, tư tưởng và sự quan tâm, chăm lo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trở thành kim chỉ nam trong công tác, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
(HBĐT) - Với ông Nguyễn Minh Phán, người có uy tín ở xóm Sòng, xã Độc Lập (Kỳ Sơn) thì những ấn phẩm như: Dân tộc và Miền núi, Báo Nhân Dân, Báo Hòa Bình được cấp phát đến người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đầy ắp thông tin hữu dụng. Nhờ kênh thông tin quan trọng này đã giúp ông nắm bắt, thông suốt các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền, vận động, có cơ sở thuyết phục bà con trong xóm thực hiện, tự giác chấp hành.
(HBĐT)-Nhân dịp Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình lần thứ III-năm 2019, PV Báo Hòa Bình đã gặp gỡ và ghi lại nhiều ý kiến tâm huyết của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh về nhiều lĩnh vực trong phát triển KT-XH. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.