Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chílãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ tác tại Hội nghị xúc tiến đầu tưvào 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu).
Hòa Bình là tỉnh tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô. Là cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình”, vùng đất, con người Hòa Bình đã gắn liền với lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam nói riêng. Hòa Bình là miền đất của sử thi huyền thoại "Đẻ đất, Đẻ nước”, của những lễ hội đa sắc tộc. Đến nay, Hòa Bình vẫn đang lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu ấy để xây dựng đời sống văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Bên cạnh đó, Hòa Bình được thiên nhiên ban tặng cho phong cảnh hữu tình với nhiều danh lam thắng cảnh, núi đồi, hang động, thác nước, sông, hồ đẹp, là tiềm năng để phát triển du lịch. Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là về hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ, xây dựng các sản phẩm du lịch - văn hóa; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… để phát triển du lịch.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định rõ: Đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Xây dựng Chiến lược phát triển mạnh ngành du lịch. Huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, nhằm khai thác hiệu quả các tuyến, điểm du lịch, đặc biệt là Khu du lịch hồ Hòa Bình, điểm du lịch Mai Châu và một số huyện có tiềm năng như: Lạc Thủy, Kim Bôi, Cao Phong, Lương Sơn…
Tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030; trên cơ sở đó, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10, ngày 30/12/2016 xác định rõ: Đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tháng 9/2017, BTV Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 15 với mục tiêu: Đến năm 2020 thu hút các nguồn lực đầu tư để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật Khu du lịch hồ Hòa Bình bước đầu đáp ứng các điều kiện trở thành Khu du lịch quốc gia. Cơ sở lưu trú đạt trên 4 nghìn phòng; đạt 3,2 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 500 nghìn lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 14 nghìn lao động, trong đó, trên 4 nghìn lao động trực tiếp có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch. Phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; từ năm 2025- 2030, du lịch Hòa Bình sẽ được nâng lên tầm cao mới.
Nhằm hiện thực hóa những quan điểm, mục tiêu đó, những năm qua, tỉnh đã khai thác hiệu quả tiềm năng, phát huy lợi thế sẵn có để phát triển loại hình du lịch văn hóa - sinh thái, thể thao. Đẩy mạnh thu hút đầu tư để tăng tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế, gắn phát triển du lịch với gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Theo đó, du lịch Hòa Bình đang trên đà "cất cánh”. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo, giàu giá trị lịch sử, văn hóa như: Khu du lịch hồ Hòa Bình, bản Lác - Mai Châu, Suối khoáng- Kim Bôi, Chùa Tiên - Lạc Thủy, quần thể Hang động Núi Đầu Rồng - Cao Phong, Đền thờ Chúa Thác Bờ, các sân golf… hút khách. Năm 2018, tỉnh đón 2,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 300 ngàn lượt khách quốc tế; năm 2019 tỉnh đón gần 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 400 ngàn lượt khách quốc tế, tổng thu từ hoạt động du lịch dự kiến đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, đóng góp không nhỏ cho ngân sách địa phương.
Đó là những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh. Nguyên nhân là do việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn hạn chế; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch chưa bài bản, sáng tạo; công tác truyền thông, quảng bá chưa tốt, chưa kết nối được với các khu, điểm du lịch trong khu vực và cả nước.
Để du lịch phát triển nhanh, bền vững, đưa Hòa Bình trở thành trung tâm văn hóa, nghỉ dưỡng, trải nghiệm chất lượng cao của khu vực và thế giới, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động, quy hoạch, đề án của Trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch. Qua đó, nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển du lịch, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Hai là: Các ngành chức năng cần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, phát triển du lịch; quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch. Đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong cả nước để kết nối tour, tuyến du lịch.
Ba là: Tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về du lịch, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, triển khai đồng bộ, sâu rộng Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, hấp dẫn.
Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019 được tổ chức với quy mô lớn vừa là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa, vùng đất, con người của tỉnh, vừa tạo cơ hội để các doanh nghiệp, người dân giới thiệu những sản phẩm mới, xúc tiến đầu tư, phát triển về thương mại, du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu "Hòa Bình - điểm đến hấp dẫn và thân thiện". Qua đó thúc đẩy sâu hơn về hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, vùng đất, văn hóa, con người Hòa Bình trong vị thế chung của đất nước, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị.