(HBĐT) - Hoà Bình là tỉnh miền núi có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất và xây dựng quê hương.
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là trong 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình đã cùng với nhân dân cả nước góp phần tô thắm những trang sử hào hùng của dân tộc. Tinh thần ấy, truyền thống ấy đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đặt nhiều cơ sở cách mạng tại tỉnh, trong đó có Trường Cán bộ dân tộc miền Nam tại xã Đồng Tâm, nay là thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy. Đây là mô hình giáo dục đặc biệt, duy nhất thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến công tác giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc và giữa 2 miền Nam - Bắc của Tổ quốc.
Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của dân tộc, dấu mốc là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Đất nước tạm chia làm 2 miền, trong đó miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt đầu chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa; miền Nam tạm thời do đối phương kiểm soát.
Nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài, năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược, đó là đưa một số con em cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập. Trong đoàn quân tập kết ấy có hơn 2.000 con em các dân tộc thiểu số miền Nam (từ Quảng Trị trở vào). Ban đầu, các học sinh được học tập tại Trường Dân tộc Trung ương đóng tại Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội. Nhằm đáp ứng tốt hơn điều kiện ăn ở, học tập cho học sinh, tháng 12/1958, Ủy ban Dân tộc Trung ương đã ban hành Quyết định số 1563-VP/CB về việc thành lập Khu đào tạo cán bộ dân tộc miền Nam, sau đổi tên thành Trường Cán bộ dân tộc miền Nam và đặt tại xã Đồng Tâm, nay là thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Thời điểm này, tỉnh đã bố trí dành 179.565 m2 đất để xây dựng trường.
Trong thời gian 15 năm Trường Cán bộ dân tộc miền Nam đứng chân trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ, mặc dù trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, cán bộ, học viên và con em của trường luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện đùm bọc, giúp đỡ của lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Huyện uỷ, UBND huyện Lạc Thuỷ, chính quyền và người dân xã Đồng Tâm, nay là thị trấn Chi Nê. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, học sinh và con em của trường được chăm lo tốt. Cùng với đó, cán bộ, học viên của trường cũng tích cực tham gia các hoạt động giúp người dân địa phương trong sản xuất, phát triển kinh tế. Từ ngôi trường này, nhiều đồng chí đã trở lại chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu, giải phóng đất nước. Hàng nghìn cán bộ, học viên, con em các dân tộc miền Nam đã trưởng thành, trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học, trong đó, một số đồng chí được giao trọng trách lớn trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân và lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương trên mọi miền Tổ quốc.
Xác định rõ giá trị lịch sử của Trường Cán bộ dân tộc miền Nam, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc và trân trọng giá trị lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, đầu năm 2016, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cho chủ trương đầu tư, tôn tạo khu di tích. Theo đó, tháng 10/2016, UBND huyện Lạc Thủy đã khởi công công trình tôn tạo khu di tích (giai đoạn 1) và đã hoàn thành sau 5 tháng thi công. Năm 2017, UBND tỉnh đã công nhận và cấp Bằng xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh cho di tích. Tháng 12/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2424/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng. Trong quá trình xây dựng công trình, tỉnh đã nhận được hỗ trợ 10 tỷ đồng của Thành ủy TP Hồ Chí Minh và một số tổ chức, cá nhân khác, cùng với sự đóng góp về ý tưởng của các cựu học sinh nhà trường. Khu di tích gồm 1 nhà rông của đồng bào Tây Nguyên và 1 nhà sàn của người dân tộc Mường, thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn giữa nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình và con em cán bộ dân tộc miền Nam; trong khuôn viên trồng cây kơ nia, loài cây biểu tượng cho vùng đất Tây Nguyên và rất nhiều tư liệu quý khác về nhà trường… Công trình được hoàn thiện và khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Cán bộ dân tộc miền Nam.
Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ cần tiếp tục nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, để khu di tích trở thành ngôi nhà chung cho các cựu cán bộ, học sinh lui tới, tìm về; là địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Qua đó thể hiện sự quan tâm sâu sát của tỉnh ta đối với công tác giáo dục dân tộc, giữ vững tình đoàn kết giữa các dân tộc, vùng miền trên đất nước Việt Nam như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no, đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.