(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật (MTTQ tỉnh) cho biết: Có 3 hình thức phản biện xã hội: Tổ chức hội nghị phản biện; gửi dự thảo văn bản được phản biện đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa MTTQ với cơ quan, tổ chức có văn bản được phản biện. Những năm gần đây, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ các cấp được tăng cường, trở thành hoạt động thường xuyên và có tác động thực tế.
Cuối tháng 2 vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã phát biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, toàn diện vào dự thảo báo cáo. Năm 2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị phản biện đối với Quy định về cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 217, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể CT-XH, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức tham gia đóng góp ý kiến, phản biện nhiều dự thảo văn bản. Trong đó, tập trung vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành; các dự thảo đề án, dự án liên quan đến tình hình và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, MTTQ tỉnh tập trung tham gia góp ý vào các dự án luật, pháp lệnh có liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ của MTTQ, các tổ chức CT-XH. Các tổ chức CT-XH cũng tham gia góp ý nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên do HĐND, UBND ban hành.
Từ năm 2019 đến nay, công tác phản biện xã hội tiếp tục được MTTQ và các tổ chức thành viên tham gia thông qua việc đóng góp ý kiến vào dự thảo xây dựng các chương trình, kế hoạch, các dự thảo tờ trình, nghị quyết của HĐND các cấp. Riêng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham gia góp ý kiến vào 21 dự thảo văn bản do Đoàn đại biểu Quốc hội và các sở, ngành gửi đến; tổ chức 2 hội nghị phản biện xã hội. Qua đó, góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động phản biện xã hội còn những khó khăn. Chủ tịch MTTQ xã Dũng Phong (Cao Phong) Bùi Thanh Trà nhận định: "Ở cơ sở, hoạt động phản biện chủ yếu chỉ là kiến nghị về chủ trương, chính sách, chưa đưa ra được nhiều ý kiến ở mức độ chuyên sâu”. Còn trên thực tế có trường hợp chưa nắm rõ thế nào là phản biện xã hội, thậm chí mơ hồ, đồng nhất phản biện với phản đối. Một số trường hợp lại thờ ơ không quan tâm hoặc chỉ góp ý chung chung mang tính hình thức, chất lượng không cao. Bên cạnh đó là vấn đề tiếp thu, phản hồi sau phản biện; nếu không thực hiện tốt có thể làm nản lòng người tham gia phản biện.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phản biện xã hội, MTTQ tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch phản biện. Phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, chuyên gia, các vị ủy viên.
Theo Chủ tịch MTTQ huyện Cao Phong Nguyễn Công Minh, cần hoàn thiện văn bản quy định hoạt động giám sát, phản biện phù hợp, ngắn gọn, đầy đủ nội dung, dễ hiểu đối với cán bộ cấp cơ sở. Đội ngũ cán bộ Mặt trận tham mưu công tác này phải có bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn, phương pháp làm việc khoa học, nhiệt tình, tâm huyết, hiểu biết thực tiễn, kỹ năng nghiên cứu, phát hiện vấn đề, kỹ năng vận động chính sách để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, cần có các biện pháp nâng cao trình độ cho cán bộ MTTQ các cấp. Đồng thời, tập hợp, xây dựng đội ngũ chuyên gia vững về chính trị, chuyên môn, có chính kiến, tư duy độc lập, nắm và hiểu được nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, đủ năng lực phản biện. Thực hiện đúng các bước trong quy trình phản biện.
C.L