Ngô Văn Tuấn
Bí thư Tỉnh ủy
(HBĐT) - Tháng 10/1999, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Dân vận”, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và chọn ngày 15/10 hàng năm là "Ngày Dân vận của cả nước”. Trải qua 90 năm hoạt động và phát triển, công tác dân vận luôn là một nhiệm vụ rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy tặng quà cho gia đình thương binh tại xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì làm việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Quán triệt các quan điểm của Đảng, tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, công tác dân vận của tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật, toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu giúp Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai có hiệu quả công tác dân vận trong hệ thống chính trị, các văn kiện quan trọng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo. Đề ra những nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, phù hợp, giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra trong thực tiễn; chỉ đạo tập trung triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương của Đảng liên quan đến công tác dân vận, trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của BCH T.Ư khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Kết luận số 03-KL/TW, ngày 13/5/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa X, Quyết định số 103-QĐ/TU, ngày 23/2/2011 của BTV Tỉnh ủy về việc ban hành "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; thành lập các Ban chỉ đạo (BCĐ) của cấp ủy về công tác dân vận (BCĐ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, BCĐ phong trào thi đua "Dân vận khéo” và BCĐ công tác tôn giáo). Các BCĐ đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy cùng cấp thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra.
Công tác dân vận của cấp ủy các cấp đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức tham mưu, vận động quần chúng, bám sát cơ sở, phối hợp các ngành chức năng thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình Nhân dân để tham mưu cấp ủy, chính quyền có các giải pháp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề nổi cộm, bức xúc của Nhân dân. Giúp cấp ủy các cấp theo dõi, hướng dẫn MTTQ và các tổ chức CT-XH, hội quần chúng hoạt động có hiệu quả theo điều lệ, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tham mưu, phối hợp thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo; phát huy vai trò lực lượng cốt cán tôn giáo, người có uy tín trong tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân. Chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo” gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Công tác dân vận của các cấp chính quyền được tăng cường và có nhiều đổi mới. HĐND các cấp nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp và giám sát thực hiện cam kết sau chất vấn; tập trung chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, đề xuất chính đáng của Nhân dân. UBND các cấp đã ban hành nhiều quyết định, chương trình, đề án quan trọng về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phát triển kết cấu hạ tầng, KT-XH, QP-AN, đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", xây dựng hệ thống liên thông văn bản điện tử tại các cơ quan hành chính Nhà nước; chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách, đề án, dự án đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách đối với người có uy tín, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở. UBND tỉnh, nhất là người đứng đầu đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ, chỉ đạo các cơ quan phối hợp giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tổ chức các cuộc đối thoại liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng triển khai các dự án; về tình hình ANTT, vệ sinh môi trường, công tác quản lý đô thị; việc dồn điền, đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng NTM…
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của T.Ư về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đã sáp nhập các thôn, xóm, tổ dân phố, kết quả: giảm 1 huyện, 576 thôn, xóm, tổ dân phố (từ 2.058 còn 1.482), sắp xếp từ 210 xã, phường, thị trấn còn 151 xã, phường, thị trấn (giảm 59 đơn vị). Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
MTTQ, các tổ chức CT-XH, hội quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sát cơ sở, bảo đảm quyền và lợi ích thiết thực cho đoàn viên, hội viên. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, làm nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KT-XH, nhiệm vụ chính trị của địa phương; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
LLVT tỉnh làm tốt công tác dân vận, công tác hậu phương quân đội, nắm chắc tình hình địa bàn, tăng cường phối hợp với Ban Dân vận, MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng địa phương, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền đã góp phần hết sức quan trọng trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Giai đoạn 2015-2020, kinh tế của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân hàng năm đạt 7,59%; quy mô nền kinh tế được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,38% năm 2015 còn 8,56%, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 63,8 triệu đồng, đời sống của người dân có nhiều cải thiện đáng kể. Từ đó, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được nâng lên, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang có nhiều thời cơ, vận hội mới cho phát triển KT-XH, với yêu cầu ngày càng cao của công tác dân vận, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hệ thống dân vận của tỉnh cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng cấp ủy, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; đổi mới cách thức tuyên truyền về công tác dân vận, trong đó chú trọng sử dụng hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Thứ hai, tập trung làm tốt công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp, trọng tâm là nâng cao chất lượng, phát huy vai trò, sự tham gia của Nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục hoàn thiện, thực thi quy định về đạo đức công vụ kết hợp với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chương trình chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp chính quyền, phấn đấu hàng năm cải thiện thứ bậc PCI từ 3 - 5 bậc theo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Kiên quyết phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với biểu hiện thờ ơ, vô cảm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân...; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với tăng cường đối thoại, tiếp xúc với Nhân dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.
Thứ ba, phát huy vai trò, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức của MTTQ, các tổ chức CT-XH, hội quần chúng theo hướng có trọng tâm, thực chất, hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Nhân dân thông qua MTTQ, các tổ chức, đoàn thể. Quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận, đoàn thể; kiên quyết không bố trí cán bộ thiếu gương mẫu, đạo đức kém, vi phạm kỷ luật làm công tác dân vận.
Thứ tư, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua "Dân vận khéo”, tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp, thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận.
Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020), phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được; xác định rõ những khó khăn, thách thức đặt ra, cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị và Ban Dân vận cấp ủy các cấp trong tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác dân vận; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thi đua lao động sản xuất góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH, xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh và bền vững trên chặng đường đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
(HBĐT) - Việc thanh tra, kiểm tra (TT, KT) chồng chéo luôn là nỗi bức xúc của doanh nghiệp (DN). Thời gian qua, căn cứ kế hoạch thanh tra của các bộ, ngành T.Ư, Thanh tra tỉnh đã rà soát, thống kê các nội dung thanh tra để tổng hợp, xây dựng kế hoạch của Thanh tra tỉnh và hướng dẫn các sở, ngành, UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm theo hướng không chồng chéo, trùng lắp về nội dung và đối tượng thanh tra, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Chiều 12-10, tại Nhà Quốc hội (QH), Phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khai mạc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.
(HBĐT) - Ngày 12/10, đoàn giám sát của UB MTTQ tỉnh do đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) giai đoạn 2017 - 2020 tại Sở Giao thông vận tải (GTVT).
(HBĐT) - Ngày 14/10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành lâm thời Trung ương đã cử ra các bộ, trong đó có Bộ Tổ chức kiêm giao thông (tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương Đảng ngày nay). Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
(HBĐT) - Tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 – 10/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh đến công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Báo Hòa Bình trích đăng nội dung này.