Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, những năm qua, điều kiện sống của ĐBDTTS được cải thiện rõ rệt, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã ĐBKK giảm 3 - 4%/năm. Song, so với mặt bằng chung vẫn tồn tại sự chênh lệch đáng kể. Cụ thể, về tình trạng nhà ở, theo số liệu thống kê của các huyện, thành phố, còn trên 19.300 hộ đang sinh sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố và đơn sơ, chiếm 12,45% tổng số hộ DTTS, trong đó còn khoảng 3.707 hộ cần được hỗ trợ về nhà ở để xóa bỏ nhà tạm, dột nát.
Về đất ở, trên địa bàn vùng DTTS&MN của tỉnh còn khoảng 1.290 hộ thiếu đất ở hoặc chưa có đất ở. Ngoài ra, mặc dù sinh kế gắn với nông, lâm nghiệp là chủ yếu, nhưng tình trạng không có hoặc thiếu đất sản xuất khá phổ biến đối với người dân vùng ĐBDTTS&MN. Theo số liệu thống kê và số liệu điều tra thực trạng KT-XH 53 DTTS, trên địa bàn tỉnh có hơn 40.300 hộ DTTS chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất; khoảng 22.400 hộ cần hỗ trợ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Đứng trước yêu cầu phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS trong giai đoạn tới và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo đề án thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN trên địa bàn tỉnh. Quan điểm là đầu tư phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN là đầu tư cho phát triển bền vững, gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ĐBDTTS; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển...
Theo đó, 1 trong 10 dự án thành phần sẽ được quan tâm thực hiện là "Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt". Các mục tiêu được đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 là: Tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất, gồm hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán và công trình nước sinh hoạt tập trung, để từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống cho Nhân dân. Đối tượng là hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, thôn ĐBKK vùng ĐBDTTS&MN không có đất ở; chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng; sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu đất sản xuất; có khó khăn về nước sinh hoạt. Ưu tiên hộ nghèo DTTS thuộc danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, hộ nghèo có chủ hộ là nữ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động.
Dự kiến nội dung hỗ trợ đất ở, căn cứ quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách, UBND cấp huyện xem xét, quyết định giao đất để làm nhà ở cho các đối tượng phù hợp với điều kiện, tập quán của địa phương và pháp luật về đất đai... Hỗ trợ xây dựng nhà ở theo phong tục tập quán của địa phương, định mức tính theo xây dựng 1 căn nhà cấp 4 đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung tường cứng, mái cứng).
Ngoài ra, cùng với kế hoạch hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, dự án sẽ hỗ trợ để tạo nguồn nước, trang bị bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình. Đầu tư xây dựng công trình nước tập trung được cấp có thẩm quyền phê duyệt; ưu tiên cho người dân vùng hay xảy ra hạn hán, vùng ĐBKK chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Việc sớm triển khai đề án thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN trên địa bàn tỉnh nói chung và dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt nói riêng sẽ là động lực quan trọng đối với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo nhanh, bền vững trong vùng ĐBDTTS.
Bình Giang