Bác Hồ trồng cây tại Ba Vì (Hà Tây) mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969.
Chủ đề mùa xuân với Đảng, với các chặng đường cách mạng của dân tộc luôn luôn hòa quyện trong tư tưởng và thơ văn Hồ Chí Minh chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước. Điển hình nhất là bài "Nguyên Tiêu” viết bằng chữ Hán xuân 1948, bản dịch của nhà thơ Xuân Thủy như sau: "Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.
Thời kỳ hòa bình xây dựng, Bác Hồ có bài viết mừng xuân vui Tết trồng cây. Bài viết nhan đề: Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây, đăng báo ngày 1/1/1968, trong đó Bác Hồ có hai câu thơ: "Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Mùa xuân trong thơ Bác là mùa xuân của đất nước, với những việc làm có ích cho đất nước xanh tươi, có môi trường thiên nhiên tươi đẹp.
Mùa xuân trong thơ Bác là mùa nghĩ về Đảng, vui tự hào về Đảng quang vinh. Nhiều lần Bác nói về Đảng. Ngày 3/2/1964 Bác có bài Mừng Đảng ta 34 tuổi, in trên Báo Nhân Dân số 3598, trong bài có hai câu thơ: "Công đức Đảng ta như biển rộng núi cao/ Ba tư năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Và những năm trước đó, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Bác Hồ đã viết: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là độc lập, thống nhất, là hòa bình ấm no/ Công ơn Đảng thật là to/ Ba mươi năm lịch sử Đảng là một pho sử bằng vàng”.
Đảng – Bác – Mùa xuân như những cặp phạm trù lịch sử tự nhiên trong cuộc sống và trong thơ Bác kính yêu. Mảng văn Bác Hồ chúc Tết phong phú và tràn đầy đạo lý và tình người. Nhiều dịp cuối năm, khi đất nước chuẩn bị sang xuân và đón mừng năm mới, Bác viết bài cho báo và gửi thư cho nhiều cộng đồng yêu nước. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác luôn luôn dùng văn cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.
Năm 1946, Bác viết bài "Tết” in trên báo Cứu Quốc, số 147, ngày 21/1/1946 toàn văn như sau: "Dân ta là một dân tộc giàu tình bác ái. Trong lúc này, toàn quốc đồng bào ta từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn Tết mừng xuân. Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui chung ngày Tết với những chiến sĩ oanh liệt ở ngoài mặt trận, những gia quyến các liệt sỹ, những đồng bào nghèo nàn. Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui vẻ Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập” - ký Hồ Chí Minh. Xuân năm đó, Bác viết "Thư chúc Tết” gửi đồng bào toàn quốc, trong thư có hai câu thơ: "Bao giờ kháng chiến thành công/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào”. Bác lại có thư "Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc” và "Thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm” in Báo Cứu Quốc, ngày 2/1/1946.
Cứ như "định mệnh” của thời gian đối với đất nước, mùa xuân bao giờ cũng gắn liền với những sự kiện lịch sử, bước ngoặt vĩ đại của Dân tộc. Ngày 3/2/1930, Đảng ta được thành lập, trở thành ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng giải phóng Dân tộc. Nay bước vào tuổi 92, nhưng không phải là tuổi của một đời người, mà là tuổi của một Đảng cách mạng, Đảng của Nhân dân, của Dân tộc, thể hiện bộ tham mưu chiến lược, dạn dày kinh nghiệm, trí tuệ và sức sáng tạo lớn lao, điều đó đồng nghĩa với sự trưởng thành vững vàng của Đảng, luôn chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn sóng dữ, đưa Dân tộc ta, Nhân dân ta đến bến bờ hạnh phúc...
Năm nay, đất nước ta mừng Xuân, mừng Đảng, cũng là năm kỷ niệm lần thứ 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - lãnh tụ vĩ đại của Dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người là một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, độc lập Dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Dân tộc ta và phong trào cách mạng thế giới là rất to lớn. Có thể nói không có nơi nào trên thế giới lại có một sự gắn bó "máu thịt” giữa mùa Xuân - Đất nước - Đảng và Bác Hồ kính yêu như ở Việt Nam. Sự gắn bó "máu thịt” đó cũng trở nên thân thuộc và không thể tách rời mỗi khi bạn bè trên khắp thế giới nhắc đến Việt Nam - Hồ Chí Minh...
Linh Trang (TH)