Công nhân Công ty CP Willson, xã Phú Thành (Lạc Thủy) sản xuất đồ gỗ và ván sàn công nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Xác định 3 đột phá chiến lược có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của huyện, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã nỗ lực hoàn thành nhiều phần việc, công trình, kế hoạch, góp phần tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu năm 2022. Về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, hiện nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị của huyện từng bước được đầu tư, mở rộng và hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ hoá. Nhiều công trình tuyến chính được đầu tư xây dựng như: cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình giao thông với tổng số 9,2 km đường nhựa hoá, bê tông hoá, tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 22 công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh phí gần 134 tỷ đồng… Ngoài ra, nhiều công trình liên quan đến đường điện, trạm biến áp tại các xã: Phú Nghĩa, Đồng Tâm, An Bình, Phú Thành, Thống Nhất, thị trấn Chi Nê, thị trấn Ba Hàng Đồi. Chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hoá.
Nổi bật như xã Khoan Dụ, đồng chí Bùi Văn Hào, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã cho biết: "Nhiều năm trước đây, đường về xã còn trắc trở với những ổ voi, ổ gà, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Sau nhiều năm đầu tư xây dựng các công trình giao thông từ nhiều nguồn lực, hiện 100% đường giao thông của xã được cứng hoá, giúp Nhân dân đi lại , giao thương thuận tiện. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng khác cũng được chú trọng đầu tư như: 6 công trình hồ, đập đảm bảo yêu cầu phục vụ nước sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân; khu thể thao diện tích 10.000 m2 đáp ứng tốt nhu cầu văn hóa, thể dục - thể thao và phục vụ các sự kiện của địa phương; 2/2 trường học đều đạt chuẩn; 100% hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn".
Trong khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực, huyện đã cử nhiều lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ sau đại học; mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách. Hiện, tổng số lao động qua đào tạo của huyện đạt 56,15%, số người có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên đạt 21,4%.
Về đột phá trong cải cách hành chính, huyện tiếp tục thực hiện chính quyền điện tử, ứng dụng chữ ký số vào quản lý, điều hành. Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4; số hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt 70,68%. Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện đã tiếp nhận 889 hồ sơ, đã giải quyết 848 hồ sơ, đạt 95,4%; đang giải quyết chưa đến hạn 41 hồ sơ, chiếm 4,6%. Cấp xã tiếp nhận gần 13.000 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đạt 99,9%, còn 0,1% tiếp tục giải quyết theo quy định. Bên cạnh đó, huyện thành lập thí điểm "Điểm hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4” tại UBND xã Yên Bồng và thị trấn Ba Hàng Đồi.
Đồng chí Bùi Trung Kiên, Bí thư Huyện uỷ cho biết: "Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép” vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển KT-XH. Tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Huy động đa dạng nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật. Phát huy vai trò của cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành. Phấn đấu hoàn thành 20 chỉ tiêu nghị quyết đề ra trong năm 2022”.
Thanh Sơn