Ngày 25/5/2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.


Ảnh minh họa: TTXVN

Chỉ thị khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn; công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, các giải pháp phòng chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn; tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Tuy nhiên, trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; tai nạn giao thông giảm chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn…

Để đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp thực hiện tốt các nội dung sau:

Về mục tiêu, yêu cầu, Chỉ thị nêu rõ:

1. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục giảm tai nạn giao thông, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông.

2. Nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

3. Hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về giao thông thống nhất, thông suốt, hiệu quả; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

4. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông.

Chỉ thị đã đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:

1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương tới cơ sở phải quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả.

Siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông. Tập trung rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ để cụ thể hóa một bước định hướng trên. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn phải có đánh giá tác động về trật tự, an toàn giao thông.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.

4. Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông. Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch kết nối đồng bộ hệ thống giao thông trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; lồng ghép nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến giao thông bảo đảm khả thi, an toàn, phù hợp với thực tiễn và thực hiện nghiêm quy hoạch được phê duyệt.

5. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông. Kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ Trung ương đến địa phương theo hướng thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

6. Khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; quan tâm phát triển hệ thống công trình giao thông ngầm, giao thông trên cao. Thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp… ra ngoài khu vực trung tâm thành phố theo quy hoạch.

Về tổ chức thực hiện, Chỉ thị yêu cầu: Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật về giao thông; ưu tiên phân bổ nguồn lực cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện.

Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; rà soát, củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng chương trình hành động cụ thể thực hiện Chỉ thị gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức phát động; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Chỉ thị. Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan giúp Ban Bí thư hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị.

Theo Nhandan.com.vn

Các tin khác


Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại Hòa Bình

Sáng 24/4, tại Tượng đài Bác Hồ trên công trình Thủy điện Hòa Bình, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Hội LHTN tỉnh Hòa Bình tổ chức Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam; lãnh đạo các ban, văn phòng, đơn vị trực thuộc T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh: Hòa Bình, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam...

Báo Lạng Sơn kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên

Ngày 24/4, Báo Lạng Sơn tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên (1/5/1964 - 1/5/2024). Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư và 17 Báo Đảng địa phương...

Sẵn sàng tổ chức đại hội Mặt trận Tổ quốc cấp huyện

Đến thời điểm này, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cơ bản hoàn thành tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cấp xã, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Công tác tổ chức đại hội tại các xã, phường, thị trấn đều trang trọng, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, đạt yêu cầu về nội dung, chương trình, kế hoạch, đúng điều lệ, quy định, hướng dẫn. Sau thành công của Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp cơ sở, các địa phương quyết tâm tổ chức thành công Đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện theo đúng kế hoạch đề ra.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng.

Tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần cải cách hành chính

Theo báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023) của Bộ Nội vụ công bố mới đây, tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần xếp hạng Chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các nội dung CCHC gắn với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục