(HBĐT) - Lịch sử 93 năm xây dựng và phát triển, công tác dân vận luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Công tác dân vận trong mỗi giai đoạn có nội dung, phương thức khác nhau nhưng đều nhằm tập hợp, vận động, phát huy sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, đất nước và mỗi địa phương.
Từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, thấy rõ tầm quan trọng đặc biệt của công tác dân vận, tháng 1/1948, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hòa Bình được thành lập. Từ đây, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh chính thức có cơ quan chuyên môn đảm nhiệm.
Thấm nhuần quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, trong suốt chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Dân vận tỉnh Hòa Bình không ngừng nỗ lực kế thừa, phát huy, áp dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện thực tế địa phương. Công tác dân vận đã đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền cách mạng; tạo sự đồng thuận trong Nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh và từng địa phương. Từ đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất, khát vọng phát triển của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đưa tỉnh cùng cả nước vượt qua những khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn và khá toàn diện.
Quán triệt quan điểm và xác định vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đã tạo được điểm nhấn nổi bật. Đó là tập trung hướng mạnh về cơ sở; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp để lắng nghe và kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, Nhân dân. Trong 10 năm (2013 - 2023), MTTQ và các tổ chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 2.785 cuộc giám sát, 1.605 cuộc phản biện, phối hợp tổ chức 1.153 cuộc đối thoại cấp uỷ, chính quyền với Nhân dân với 92.244 lượt người tham gia.
Công tác dân vận chính quyền, dân vận của LLVT, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, đem lại hiệu quả thiết thực. Cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được đẩy mạnh, tạo chuyển biến trong nhận thức. Từ đó, nâng cao trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.
Mô hình "Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” đã ra mắt và thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp xã. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng với dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; vận động Nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển KT - XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, không phát sinh "điểm nóng”.
Công tác dân vận đã tạo được những dấu ấn. Trong giai đoạn cam go, thử thách khi bùng phát dịch Covid-19, hệ thống Dân vận trong tỉnh chủ động, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương vận động Nhân dân ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Những "Siêu thị hạnh phúc 0 đồng”, "Gian hàng 0 đồng”… và phương châm "chống dịch như chống giặc” được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đặc biệt, dù còn khó khăn nhưng Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã kịp thời chi viện người và của, ủng hộ trên 470 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm, trị giá hàng chục tỷ đồng gửi đến người dân TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam trong thời điểm khó khăn nhất. Trong khó khăn, thách thức mới thấy hết sức mạnh to lớn của Nhân dân khi được vận động, khơi dậy.
Phong trào thi đua "Dân vận khéo” tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị quan tâm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đến nay, toàn tỉnh có 4.299 mô hình "Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhiều mô hình hiệu quả đã khơi dậy, phát huy tinh thần đoàn kết, tính tích cực, chủ động của cán bộ, đoàn viên, hội viên, Nhân dân trong thi đua học tập, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, ấm no, hạnh phúc.
Công tác dân tộc, tôn giáo ổn định. Tỉnh quan tâm tổ chức gặp mặt, biểu dương người có uy tín, già làng, trưởng bản; tập trung thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo dõi, hướng dẫn, vận động các tín đồ tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo...
Với những kết quả đạt được, Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Trong bối cảnh tình hình mới với nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, ngành Dân vận xác định không ngừng nỗ lực cố gắng, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đa dạng các hình thức tập hợp, vận động Nhân dân trong thời đại 4.0 và thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” và phương châm "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cán bộ ngành Dân vận tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, rèn luyện đạo đức, phong cách người cán bộ dân vận "Gần dân, hiểu dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; vận động Nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng hiện thực hóa khát vọng phát triển, xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững, đi lên cùng cả nước.
Bùi Tiến Lực
(Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ việt nam tỉnh)