Chiều 8.11, thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản chiều 8.11, đa số các ĐBQH tỉnh Hòa Bình nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đề nghị, dự thảo Luật nên rà soát, nghiên cứu lại việc quy định các loại tài sản đấu giá để cho quá trình tổ chức thực hiện sau này thuận lợi hơn. Đồng thời, xem xét quy định thời gian, bảo đảm quyền lợi các đối tượng tham gia đấu giá và có quy định cụ thể về nghĩa vụ tài chính;…
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc phát biểu thảo luận tại tổ
Nghiên cứu lại việc quy định các loại tài sản đấu giá
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận Tổ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho rằng, sau hơn 5 năm triển khai Luật Đấu giá tài sản vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến quy trình thủ tục bán đấu giá; trách nhiệm của các đối tượng tham gia đấu giá và chất lượng của đội ngũ đấu giá viên;… Điều này đã gây khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện hoạt động đấu giá trong thời gian qua. Vì vậy, việc Quốc hội tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Liên quan đến phạm vi sửa đổi các dự thảo Luật, ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho biết: Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 25 Điều, khoản; bổ sung 1 Điều mới trên tổng số 81 Điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, với 3 nhóm nội dung lớn, như: Tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá. Đại biểu mong muốn, Ban soạn thảo đưa ra bản tổng hợp đầy đủ các nội dung vừa để điều chỉnh, vừa là văn bản luật để giúp các đại biểu nghiên cứu dễ dàng hơn.
Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc, hiện nay, trong dự thảo Luật đang quy định tài sản đấu giá theo hướng liệt kê dễ dẫn đến việc trùng lặp, chồng chéo và mâu thuẫn, gây khó cho việc tổ chức thực hiện. Vì vậy, dự thảo Luật nên cân nhắc việc quy định tài sản đấu giá, tránh việc tổ chức triển khai thực hiện sẽ không đầy đủ. Bởi có những tài sản trong thời gian điều kiện kinh tế phát triển sẽ có thêm nhiều nhóm tài sản mới không được quy định trong dự thảo Luật, từ đó sẽ khó cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, đề nghị dự thảo Luật rà soát, nghiên cứu lại việc quy định các loại tài sản đấu giá để cho quá trình tổ chức thực hiện sau này thuận lợi hơn.
Quy định lại thời gian đấu giá
Liên quan đến việc quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước tại khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật đã sửa đổi (bổ sung Điều 39 Luật hiện hành), đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng: Quy định tại khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật về tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi. Đặc biệt là thời gian qua có nhiều hiện tượng bỏ cọc, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu, cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc phân chia tài sản để quy định số tiền đặt trước một cách hợp lý, khả thi. Bởi nếu quy định số tiền đặt cọc quá cao, trong trường hợp dự án có số lượng và diện tích lớn hoặc những dự án đòi hỏi kinh phí bỏ ra đặt cọc nhiều sẽ gây khó khăn cho người tham gia đấu giá. Do vậy, cần cân nhắc lựa chọn đối với những loại tài sản nào có thể đưa ra về tỷ lệ đặt cọc, để vừa thu hút được số lượng người tham gia đấu giá nhưng vẫn tạo điều kiện cho cuộc đấu giá đạt chất lượng, tránh tình trạng bỏ cọc dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đấu giá.
Về quyền lợi của người đã nộp tiền đặt trước mà có sự thay đổi thông tin địa điểm của cuộc đấu giá, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng: Dự thảo Luật chưa quy định đầy đủ về việc xử lý quyền lợi của người đã nộp tiền đặt trước mà có sự thay đổi thông tin của cuộc đấu giá. Tại khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật (sửa đổi Điều 37 Luật hiện hành) quy định "Trường hợp sau khi hết hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá và nộp tiền đặt trước theo Quy chế cuộc đấu giá mà thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thỏa thuận thống nhất với người có tài sản bằng văn bản và thông báo cho tất cả người đủ điều kiện tham gia đấu giá về việc thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá trước ngày mở cuộc đấu giá 1 ngày làm việc”. Đại biểu đề nghị, cần xem xét và quy định lại thời gian này.
"Việc quy định thời gian 1 ngày sẽ gây khó khăn, bất lợi cho người tham gia đấu giá. Bởi có nhiều trường hợp đối tượng tham gia đấu giá ở những nơi xa, do vậy nếu chỉ thông báo trước 1 ngày sẽ rất khó thực hiện. Dẫn đến việc có nhiều đối tượng lợi dụng quy định này để thực hiện các nội dung đấu giá, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá. Đồng thời, Ban soạn thảo cần cân nhắc, quy định theo hướng nếu thay đổi địa điểm cần được sự đồng ý của tất cả những người đã tham gia đặt cọc. Bên cạnh đó, cân nhắc xem xét quy định thời gian từ 5 - 7 ngày để bảo đảm quyền lợi các đối tượng tham gia đấu giá” - Đại biểu Đặng Bích Ngọc chia sẻ.
Quy định về nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá
Ngoài ra, ĐBQH Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị, đối với quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, dự thảo Luật nên quy định cụ thể về nghĩa vụ tài chính trong trường hợp người trúng đấu giá (nên có quy định về khoảng thời gian về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính). Ngoài ra chế tài xử lý nên phân ra đối với các loại giao dịch tài sản có giá trị nhỏ và lớn. Cụ thể, nếu tài sản có giá trị nhỏ, không ảnh hưởng sẽ có chế tài xử lý hành chính nhưng đối với tài sản lớn ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách nhà nước thì nên xem xét, quy định việc xử lý hình sự. Tránh việc quá nhiều đối tượng khi không có chế tài xử lý sẽ tham gia đấu giá để làm nhũng loạn thị trường, ảnh hưởng đến người tham gia đấu giá, dẫn đến việc tổ chức thực hiện gặp khó khăn.
Cũng theo đại biểu Ngọc, hiện nay, trong trường hợp đấu giá không thành thì mỗi loại tài sản có cách xử lý khác nhau. Đối với tài sản thi hành án, theo khoản 5 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự quy định mỗi lần đấu giá sau sẽ được giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá trước đó. Trong khi đó, các loại tài sản khác không được áp dụng cơ chế này mà phải đấu giá lại với giá khởi điểm giữ nguyên. Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản kéo dài, không hiệu quả.
Cụ thể, tại điểm c khoản 16 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung quy định "Chịu trách nhiệm về việc xác định giá khởi điểm, mức giảm giá của tài sản đấu giá theo quy định pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đấu giá đó”. Như vậy, dự thảo Luật quy định theo hướng việc giảm giá do người có tài sản quyết định. Theo đại biểu, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm của việc xử lý tài sản thi hành án để nếu phù hợp thì quy định cụ thể trong quá trình sửa đổi Luật lần này.
BÙI HIỂN
VP ĐOÀN ĐBQH & HĐND TỈNH
Ngày 8/11, khu dân cư (KDC) Tình, xã Tú Lý (Đà Bắc) tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tới dự và chung vui có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, huyện Đà Bắc.
Chiều 7/11, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã tiếp đoàn Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt thành phố Kobe, tỉnh Hyogo (Nhật Bản), do Chủ tịch Murano Seiichi dẫn đầu đang thăm Việt Nam từ ngày 7 - 9/11.
Chiều tối 7/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với các cơ quan rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.
Sáng 7/11, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII ứng cử tại thành phố Hòa Bình đã tiếp xúc với đại diện 150 cử tri của 9 phường, xã trước Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023.
Sáng 7/11, khu dân cư (KDC) số 3, thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023. Tới dự và chung vui có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Tiến Lực, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh...
Sáng 7/11, tiếp tục phần chất vấn đối với lĩnh vực nội chính, tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải đáp câu hỏi liên quan đến chính sách tiền lương đối với đội ngũ không phải công chức trong cơ quan quản lý Nhà nước và vị trí việc làm.