Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TU, ngày 28/9/2018 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng, để cụ thể hóa công tác biên soạn, xuất bản, BTV Huyện ủy Lạc Thủy đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện.
Việc sưu tầm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu đề tài khoa học lịch sử được quan tâm; phối hợp giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan lưu trữ, nhân chứng lịch sử, khai thác tư liệu lịch sử có liên quan để bổ sung nhằm làm sáng tỏ sự kiện, nhân vật, nhận định, đánh giá… Những văn bản, hiện vật, tài liệu, tư liệu, nhân chứng… cơ bản đầy đủ, chính xác, phong phú đã giúp cho các sản phẩm công trình khoa học đáp ứng được yêu cầu, có giá trị lớn.
Giai đoạn 2018 - 2023, toàn huyện có 3 công trình cấp huyện, 3 công trình cấp cơ sở đã được xuất bản, phát hành. UBND huyện hỗ trợ việc sưu tầm, biên soạn lịch sử địa phương 50 triệu đồng/công trình. Trong đó, cấp huyện phát hành Lịch sử Đảng bộ huyện Lạc Thuỷ (1930 - 2020); tập bài giảng tuyên truyền, giáo dục lịch sử huyện Lạc Thủy (gồm 2 tập, 1 tập dành cho học sinh tiểu học, 1 tập dành cho học sinh THCS); Lịch sử Quân sự huyện Lạc Thủy (1945 - 2020). Cấp cơ sở có Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Đồng Tâm (1930 - 2017); Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Phú Thành (1930 - 2015); Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã An Bình (1930 - 2020). Có 2 công trình dang dở, phải dừng lại do sáp nhập xã, thị trấn, gồm: Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã An Lạc (1930 - 2015); Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Thanh Nông (1930 - 2020). Hiện đang triển khai thực hiện công trình Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Phú Nghĩa (1930 - 2020), dự kiến phát hành năm 2025.
Nhìn chung, các công trình lịch sử được biên soạn, xuất bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, chú ý đến tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm địa phương, do vậy góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện trong sự nghiệp đổi mới.
Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng được các chi, đảng bộ, ngành chức năng chú trọng bằng nhiều hình thức: trên các phương tiện thông tin đại chúng, giao lưu, thi tìm hiểu, tọa đàm. Việc đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương vào sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các đoàn thể được quan tâm. Trung tâm Chính trị huyện thực hiện nghiêm túc việc đưa nội dung giáo dục truyền thống lịch sử Đảng bộ huyện vào chương trình giảng dạy các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị. Các nhà trường đưa nội dung giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử huyện vào chương trình chính khóa và ngoại khoá. Đến nay, 100% trường học trên địa bàn huyện đã đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy.
Đồng chí Phạm Văn Đức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Thuỷ cho biết: Để nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng, BTV Huyện uỷ chỉ đạo các cấp ủy Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở chú trọng, quan tâm và có kế hoạch phân bổ nguồn kinh phí hàng năm cho công tác sưu tầm, biên soạn. Tăng cường giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng cho các chi, đảng bộ trực thuộc và các phòng, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Chú trọng kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện việc sưu tầm, biên soạn, phát hành lịch sử Đảng và truyền thống của các ngành nhằm đảm bảo chất lượng, nội dung, tiến độ thực hiện.
Đinh Thắng