Trao đổi bên lề phiên thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi) chiều 22/11, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho rằng: Để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, đề nghị TAND tối cao tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp, như: các luật tố tụng, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự,… và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt.

Chỉ thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt ở những nơi đủ điều kiện

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Tổ chức TAND  (sửa đổi); báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp và các tài liệu liên quan, ĐBQH Đặng Bích Ngọc bày tỏ sự đồng tình và thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tổ chức TAND nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành Toà án trong thời gian tới. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, đề nghị TAND tối cao tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp, như: các luật tố tụng, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự,… và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Về tổ chức và thẩm quyền thành lập các TAND (Điều 4), ĐBQH Đặng Bích Ngọc cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo Luật về tổ chức của TAND. Theo đại biểu, dự thảo Luật đã cụ thể hoá Nghị quyết số 27 nhằm bảo đảm tính độc lập của Toà án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm độc lập giữa các cấp. Hiện nay, tổ chức Toà án vẫn đang gắn với địa giới hành chính, nhiều vụ việc khi xét xử còn có yếu tố chi phối bởi chính quyền, thậm chí, chịu sự tác động của lãnh đạo các địa phương. Dẫn đến nguyên tắc Toà án xét xử độc lập bị ảnh hưởng, đây có thể là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng xét xử.
Thực tế thời gian qua, số lượng án hành chính mà người bị kiện là Chủ tịch UBND từ tỉnh đến huyện ngày càng nhiều, trong đó có những vụ mà thẩm phán khi được phân công giải quyết vụ việc còn tâm lý e ngại, dẫn đến tiến độ và chất lượng xét xử các vụ án hành chính còn chưa cao. "Qua khảo sát tại địa phương, nhiều ý kiến đề nghị xem xét khó khăn, bất cập này trong tổ chức thi hành Luật Tổ chức TAND 2014, để thực hiện tốt định hướng phát triển lâu dài của ngành Toà án với đúng tinh thần "Toà án là cơ quan xét xử của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đại biểu Đặng Bích Ngọc chia sẻ.

Thực tế, trong giai đoạn hiện nay khi kinh tế - xã hội phát triển, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ đã có rất nhiều loại tội phạm tinh vi, có tính chất đặc thù như tội phạm công nghệ cao. Điều này cũng đòi hỏi thẩm phán, thư ký, cán bộ làm việc tại các Tòa án chuyên biệt phải có trình độ, chuyên môn cao, có kinh nghiệm và kiến thức trong thực tiễn, thường xuyên được đào tạo thu thập chứng cứ, xét xử các vụ án, bảo đảm đúng người, đúng tội. Do đó, việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động, phát huy trình độ chuyên môn cao của Thẩm phán, Hội thẩm trong quá trình xét xử, nâng cao chất lượng hiệu quả xét xử các vụ án. Tuy nhiên, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Ban soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc thành lập mới các TAND sơ thẩm chuyên biệt phải bảo đảm khối lượng công việc phù hợp, tránh tình trạng quá tải hoặc chồng chéo giữa các TAND khác và TAND sơ thẩm chuyên biệt, gây lãng phí nhân sự và ngân sách.

Bên cạnh đó, để tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện TAND sơ thẩm chuyên biệt, đại biểu cũng đề nghị Dự thảo Luật nên quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể TAND sơ thẩm chuyên biệt; quy định phạm vi thẩm quyền theo loại việc của TAND sơ thẩm chuyên biệt theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao. Với nguyên tắc chỉ thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt ở những nơi bảo đảm đủ điều kiện, nhằm phát huy tối đa hiệu qua trong hoạt động xét xử tại các Toà này.

Bổ sung quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục trong thu thập chứng cứ

 Liên quan đến điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của TAND trong thu thập chứng cứ (Điều 15), đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, dự thảo Luật đã có sự thay đổi so với Luật Tổ chức TAND năm 2014. Tuy nhiên, qua khảo sát tại địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cũng nhận được ý kiến, kiến nghị phản ánh về bất cập trong việc giao trách nhiệm thu thập chứng cứ cho Tòa án, đặc biệt trong các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, khó khăn trong phối hợp cung cấp tài liệu, chứng cứ do các cơ quan quản lý nhà nước nắm giữ. Do đó, cần cân nhắc việc lược bỏ hoàn toàn trách nhiệm thu thập chứng cứ của TAND như dự thảo Luật. Vì, hiện nay trình độ dân trí, ý thức pháp luật của người dân, nhất là người lao động còn hạn chế, trong khi cơ chế luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Người dân không có đủ thông tin và điều kiện đến cơ quan có thẩm quyền để thu thập chứng cứ; cơ quan nhà nước không tự cung cấp chứng cứ cho người dân nếu không có yêu cầu, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền; pháp luật tố tụng quy định "đương sự không có quyền yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ trong mọi trường hợp mà chỉ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập được và trong những trường hợp do pháp luật quy định”.

Do đó, để phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng một nền tư pháp phục vụ Nhân dân, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị tiếp tục quy định về nhiệm vụ, quyền hạn trong thu thập tài liệu, chứng cứ của TAND nhưng bổ sung quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục trong thu thập chứng cứ, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong cung cấp tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của TAND để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Tòa án thực hiện công tác thu thập tài liệu, chứng cứ.

Về bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của TAND trong giải quyết, xét xử vi phạm hành chính (khoản 3, khoản 4 Điều 26), đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị quy định rõ, cụ thể nội hàm các vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xét xử của TAND để bảo đảm tính minh bạch, tránh sự trùng lặp với thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác và tạo thuận lợi cho việc đánh giá sâu sắc, sát thực về tác động của chính sách và tính khả thi trong thực tiễn.


Ngô Hường
(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)

Các tin khác


Huyện Kim Bôi: Công tác dân vận chính quyền đi vào thực chất

Những năm qua, tại huyện Kim Bôi, công tác dân vận chính quyền (DVCQ) được các cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở triển khai có hiệu quả về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào dân vận khéo. Từ đó làm chuyển biến nhận thức và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Kỷ luật 2 nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ngày 21/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với 2 nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Khai mạc Hội thi “Bí thư Chi bộ giỏi - Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2023”

Sáng 21/11, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức khai mạc Hội thi "Bí thư chi bộ giỏi - Báo cáo viên, tuyên truyên viên giỏi" năm 2023.

Giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia 

Sáng 21/11, tại UBND tỉnh, đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch TT HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Tham dự có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh và các sở, ngành, huyện, thành phố.

Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1429/QĐ-TTg bổ nhiệm ông Bùi Hoàng Phương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Giải quyết “tận gốc” các kiến nghị của cử tri

Sáng 20/11, thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đề nghị: Quốc hội và các Đoàn ĐBQH tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát lại những "lời hứa” của các bộ, ngành; đặc biệt những nội dung đòi hỏi có lộ trình thực hiện phải bám sát, theo đến cùng. Đồng thời, thường xuyên tổ chức rà soát lại những kết quả trả lời của Chính phủ, các bộ, ngành để đôn đốc, theo dõi thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục