Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc
Kỳ họp.
Kính thưa đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.
Kính thưa các vị khách quý,
Thưa các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
Thưa toàn thể cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Hôm nay, Hội đồng nhân dân tỉnh long trọng tổ chức khai mạc kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026. Thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu HĐND tỉnh, các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể Nhân dân các dân tộc trong tỉnh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, chúc Kỳ họp thành công tốt đẹp.
Kính thưa các vị đại biểu,
Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Trong bối cảnh cả nước tiếp tục đối mặt với "tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những tồn tại, yếu kém nội tại, tích tụ, kéo dài của nền kinh tế làm ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong tỉnh, do tác động tiêu cực của hậu dịch bệnh Covid-19, một số ngành, lĩnh vực hồi phục chậm, thị trường tiêu thụ giảm, xuất nhập khẩu bị thu hẹp, thị trường bất động sản đình trệ khiến cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, cùng với tình hình thời tiết phức tạp, thiên tai, dịch bệnh,... đã tác động lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân, ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, lãnh đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng; tổ chức giám sát có hiệu quả của các cơ quan dân cử; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; sự đoàn kết phối hợp chặt chẽ của các cấp và các ngành cùng những đóng góp tích cực, quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trên các lĩnh vực: Có 14/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tổng đầu tư toàn xã hội ước đạt 22.736 tỷ đồng, bằng khoảng 33% GRDP, vượt kế hoạch đề ra; xuất khẩu ước đạt 1.695 triệu USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,79%; chất lượng giáo dục, lĩnh vực văn hóa - thể thao có nhiều chuyển biến tích cực; tỉnh đã ban hành Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”. Tiếp tục xây dựng bộ hồ sơ Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp; Hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được duy trì và thực hiện tốt; công tác cải cách hành chính, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường và có hiệu quả; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm tổ chức thực hiện, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm đạt được kết quả quan trọng; đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục như: Còn 05 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; tăng trưởng GRDP của tỉnh chưa đạt được mục tiêu đề ra; Thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 60% dự toán của HĐND tỉnh; Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao; thu hút đầu tư đạt thấp; thị trường bất động sản bị đình trệ; các doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vốn, thị trường; Quản lý đất đai còn nhiều bất cập, thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số địa phương còn kéo dài gây bức xúc trong Nhân dân; công tác rà soát, xử lý chồng lấn đất giữa các địa phương với Công ty lâm nghiệp còn chậm; công tác quản lý, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh chưa có giải pháp hiệu quả để xử lý số chất thải, rác thải tồn đọng kéo dài; chất lượng giáo dục chưa đồng đều, có sự chênh lệch giữa các vùng; cơ sở vật chất tại một số trường chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tăng chậm, không đạt chỉ tiêu đề ra; tình trạng tai nạn giao thông, vi phạm pháp luật hình sự gia tăng và có diễn biến phức tạp,...
Kính thưa các vị đại biểu, thưa Hội đồng nhân dân tỉnh,
Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XVII là thời điểm quan trọng để Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá lại những kết quả đạt được, chưa đạt được trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm, các Nghị quyết do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành. Do vậy, đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh cần tập trung nghiên cứu phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện; dự báo xu hướng biến động của dịch bệnh; tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và tỉnh Hòa Bình để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Trên tinh thần đó, tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành xem xét, thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng sau đây:
Một là: Về kinh tế- xã hội và ngân sách
Xem xét các báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh; báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Hai là: Về thực hiện nhiệm vụ quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương
Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ xem xét, thông qua 43 dự thảo nghị quyết do Ủy ban nhân dân tỉnh trình để cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu vào các nội dung về: Quy định mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn; chính sách hỗ trợ đối với bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ, chi ủy viên và tổ trưởng tổ đảng ở chi bộ có từ 50 đảng viên trở lên; thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế -xã hội; các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương các dự án quan trọng, trọng điểm; quyết định biên chế của địa phương; số lượng cán bộ, công chức cấp xã, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và một số chính sách quan trọng khác.
Ba là: Về hoạt động giám sát
Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ nghe Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp, đồng thời bố trí thời gian tại phiên chất vấn để nghe Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; kết quả thực hiện thông báo kết luận các nội dung chất vấn sau Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVII và nghe Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri sau kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, từ đó làm cơ sở thảo luận, thông qua nghị quyết về giải quyết kiến nghị cử tri.
Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tiến hành giám sát 01 chuyên đề trong Chương trình giám sát năm 2023 về: Tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2030. Đây là nội dung giám sát rất quan trọng, được Nhân dân và cử tri trong tỉnh quan tâm và gửi gắm nhiều kỳ vọng, đề nghị các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh, xem xét các nguyên nhân khách quan, chủ quan; từ đó, ban hành nghị quyết về giám sát với các kiến nghị, giải pháp khả thi, thiết thực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng xem xét, thảo luận các Báo cáo của các ngành Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các Báo cáo khác của Thường trực HĐND, Uỷ ban nhân dân; các Ban của HĐND tỉnh trình tại kỳ họp.
Bốn là: HĐND tỉnh sẽ xem xét, miễn nhiệm chức danh Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh; xem xét, cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết về Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2024 của HĐND tỉnh khóa XVII.
Năm là: Về hoạt động chất vấn
Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ dành thời lượng thoả đáng là 1/2 ngày để tiến hành phiên chất vấn tại kỳ họp. Đề nghị các đại biểu căn cứ các nhóm vấn đề chất vấn được Thường trực HĐND tỉnh gợi ý, để đặt câu hỏi chất vấn đối với các đối tượng được chất vấn quy định tại Điều 5, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Kính thưa các vị đại biểu,
Thưa toàn thể cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh,
Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 diễn ra trong thời gian là 03 ngày với rất nhiều nội dung quan trọng, số lượng nghị quyết phải xem xét, thông qua rất lớn. Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, tôi đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu qua hệ thống quản lý văn bản, tập trung cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về từng nội dung, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để Hội đồng nhân dân tỉnh có những quyết định đúng đắn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XVII.
Xin trân trọng cảm ơn!