Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, các chính sách tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân song vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong quá trình thực hiện.

Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết 43 cơ bản hoàn thành

Sáng 25/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát đã báo cáo Quốc hội một số kết quả nổi bật về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Ông Lê Quang Mạnh cho biết: "Kết quả thực hiện cho thấy, hầu hết chính sách, biện pháp được ban hành tại Nghị quyết số 43 là kịp thời, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu trước tình hình cấp bách, được nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng”.

Qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; việc huy động, phân bổ và điều hòa sử dụng vốn đầu tư công giúp đưa nguồn lực vào nền kinh tế hợp lý; lạm phát được kiềm chế, lãi suất, tỷ giá được điều hành phù hợp, ổn định; bội chi ngân sách, nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép và thấp hơn so với mức dự kiến.

Nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời; các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua đã phát huy hiệu quả, tăng cường trách nhiệm, năng lực điều hành, tính chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, bổ sung dòng tiền quan trọng, kịp thời cho nền kinh tế, đồng thời, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư.



Đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ đã khẩn trương ban hành các văn bản triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan triển khai thực hiện dự án, đề ra các mốc tiến độ, triển khai các cơ chế đặc thù theo yêu cầu.

Các dự án quan trọng quốc gia bao gồm: Dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Đây là các dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư nhằm đẩy mạnh triển khai một trong ba đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 về xây dựng kết cấu hạ tầng.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải để giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đặc biệt trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, mỏ vật liệu đất đắp, cát đắp nền cho các dự án. Tiến độ chuẩn bị triển khai các dự án tuy chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ nhưng đã được rút ngắn đáng kể so với thực tế triển khai các dự án trước đây.

Các dự án được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Việc phân cấp đã tăng tính chủ động, gắn với trách nhiệm cụ thể. Đến nay, các dự án thành phần phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản đã triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu và được bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo cam kết.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về vật liệu xây dựng và chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nỗ lực, cố gắng để hoàn thành đưa vào khai thác 635 km thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.001 km. Cùng với các chính sách tài khóa kích cầu tiêu dùng của Nghị quyết số 43, các dự án quan trọng quốc gia đã thúc đẩy mạnh mẽ tổng cầu đầu tư của nền kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Tiến độ hoàn thành một số dự án quan trọng quốc gia còn chậm

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15. Trong đó, bên cạnh những kết quả tích cực là cơ bản, việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn theo yêu cầu về thời hạn của Nghị quyết số 43. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm nên Chính phủ đã kiến nghị và được Quốc hội chấp thuận, cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn của Chương trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác.

Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn, chậm so với yêu cầu đề ra.

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước còn thấp khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu của doanh nghiệp suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu. Đến hết năm 2023, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thách thức, chưa phục hồi được sau tác động của dịch COVID-19.

Về những tồn tại, hạn chế đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, báo cáo chỉ rõ: Tiến độ hoàn thành một số dự án còn chậm so với yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Đối với một số dự án được phân chia thành các dự án thành phần do các địa phương khác nhau làm cơ quan chủ quản vận hành độc lập, nên khó khăn trong việc điều hòa, phối hợp, cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần.

Công tác dự báo, chuẩn bị đầu tư một số dự án còn hạn chế, chưa lường hết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, chưa bảo đảm tầm nhìn dài hạn, dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện; một số dự án mới hoàn thành đưa vào khai thác trong thời gian ngắn đã phải đề xuất đầu tư mở rộng.

Tại một số dự án, việc thực hiện các công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán còn bất cập; công tác nghiệm thu, thanh toán, quản lý chi phí đầu tư, chất lượng công trình còn một số hạn chế.

Một số dự án hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác nhưng chưa được đầu tư đồng bộ trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS); việc chưa tổ chức thu phí dẫn đến vướng mắc trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì công trình; trên nhiều đoạn, tuyến đường còn tồn tại, bất cập…

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu cụ thể các nguyên của tồn tại, hạn chế (nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, bài học kinh nghiệm đối với việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Đoàn giám sát kiến nghị tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp.

Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Lê Quang Mạnh cho biết, đối với việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư nêu tại Báo cáo giám sát; đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội để đưa các dự án đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của Chương trình để đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật; rà soát, bảo đảm tính đồng bộ giữa đầu tư các cơ sở y tế, trạm y tế xã, phường và đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên y tế để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, y tế cơ sở, y tế dự phòng và hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Tổng kết việc thực hiện các chính sách đặc thù trong Nghị quyết số 43 về việc cho phép chỉ định thầu đối với một số gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia. Đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc đề xuất các chính sách, chương trình, dự án bảo đảm khả năng giải ngân, đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí đề ra để phát huy hiệu quả, hiệu lực, kịp thời, tránh lãng phí nguồn lực có liên quan.

Các địa phương tiếp tục quan tâm rà soát, có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố để hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Nâng cao an toàn trên cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn xe, 4 làn xe

Về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo rà soát các hạn chế, bất cập trong các chính sách, pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tổng kết đánh giá việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án, trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan.

Rà soát, hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong đó bảo đảm sự thống nhất về chính sách bồi thường tại các khu vực giáp ranh thuộc địa giới hành chính hai tỉnh của hai dự án khác nhau.

Sửa đổi pháp luật về điện lực, pháp luật về viễn thông để khắc phục vướng mắc trong thực hiện di dời công trình hạ tầng kỹ thuật có tính chất đặc thù, phức tạp như đường điện cao thế, cáp viễn thông.

Hoàn thiện pháp luật về lâm nghiệp theo hướng đơn giản hóa trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Sửa đổi, bổ sung pháp luật về trồng trọt theo hướng đơn giản hóa thủ tục về việc sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước đối với các công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước.

Sửa đổi, bổ sung Luật Địa chất và khoáng sản theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phân nhóm các loại khoáng sản theo hướng tách riêng nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để có quy định riêng về khai thác vật liệu, đặc biệt đối với nhóm vật liệu san lấp và điều phối vật liệu tận dụng giữa các dự án nhằm đơn giản hoá tối đa các trình tự, thủ tục.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đã được chỉ ra tại Báo cáo kết quả giám sát.

Các cơ quan chủ quản rà soát, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các dự án dự kiến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật; Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư khẩn trương, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc như phối hợp chặt chẽ với các địa phương để bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu đáp ứng tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia...

Bộ Giao thông vận tải và các bên liên quan phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền khẩn trương triển khai đầu tư hoàn thiện các trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS); khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và phương án tổ chức giao thông để nâng cao an toàn khai thác trên các tuyến đường cao tốc đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe và 4 làn xe...

Các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường do Nhà nước quy định.

Tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, quan tâm đảm bảo lợi ích chính đáng của Nhân dân đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của Nhân dân.

Đoàn giám sát cũng đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, kịp thời phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn vi phạm trong triển khai thực hiện các dự án, nhất là các vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu và đấu thầu, chỉ định thầu.

Theo VTV.VN

Các tin khác


Báo Hòa Bình tập huấn chuyên đề phóng sự điều tra - hành trình làm điều có ích

Ngày 24/5, Báo Hoà Bình tổ chức tập huấn chuyên đề phóng sự điều tra - hành trình làm điều có ích.

Huyện Yên Thủy: Dấu ấn phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”

Thực hiện phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 - 2024, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Yên Thủy đã triển khai thực hiện đồng bộ, từng bước đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức đến xây dựng các mô hình điểm, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình, tạo ra những nhân tố, mô hình thi đua mới với cách làm sáng tạo, hiệu quả, thực sự trở thành động lực quan trọng khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân phát huy tính năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Hội.

Giám sát việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND

Chiều 23/5, tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) do đồng chí Võ Ngọc Kiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội làm trưởng đoàn đã giám sát việc tổ chức hoạt động và thực hiện việc chi trả chế độ, chính sách đối với Đội công tác xã hội tình nguyện (CTXHTN) trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND, ngày 4/8/2016 của HĐND tỉnh. Dự buổi giám sát có đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong đoàn viên, thanh niên

Thời gian qua, tuổi trẻ trong tỉnh sôi nổi tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Đây là dịp để mỗi bạn trẻ được tìm hiểu, khơi dậy niềm tự hào về một thời hào hùng của cha ông, đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xã Kim Bôi xây dựng “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”

Sau gần 1 năm triển khai mô hình "Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi đã tạo chuyển biến tích cực. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị trong việc thực hiện các nhiệm vụ được nâng cao, đổi mới lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Thông cáo báo chí số 4 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Buổi chiều thứ tư, ngày 22/5/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục