Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, tại phiên thảo luận tổ chiều 31/5, đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình Nguyễn Thị Phú Hà đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết xoay quanh việc thực hiện Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14, ngày 19.6.2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và báo cáo tình hình tổng kết xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14, ngày 26.11.2019 của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu thảo luận tại tổ.
Liên quan đến nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14, ngày 19.6.2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, trong nghị quyết đưa ra nhiều chính sách nhưng lại không có hướng dẫn triển khai thực hiện. Qua thực tiễn thời gian qua, việc triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhưng kết quả tổng kết đánh giá thì không thực hiện được. Đại biểu mong muốn, khi nghị quyết đưa ra sẽ đạt được tính khả thi, tránh trường hợp đưa vào nghị quyết rồi lại để rút kinh nghiệm. Do vậy, cần rà soát, xem xét lại nếu cơ chế thực hiện thật sự khả thi thì mới đề xuất.
Đại biểu cũng băn khoăn một số nội dung liên quan đến việc xác định các nhà đầu tư chiến lược, triển khai thực hiện và có cơ chế chính sách để hỗ trợ. Trong đó có một số chính sách khi đưa vào sẽ rất khó triển khai thực hiện như: tại điểm a, khoản 1, Điều 12 về thu hút nhà đầu chiến lược có quy định khi thực hiện chính sách ưu tiên. Trong tổ chức thực hiện, đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể.
Liên quan đến việc áp dụng một số chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu đề nghị cần rà soát lại các quy định bảo đảm tính chặt chẽ hơn tránh việc khiếu kiện sau này. Tại điểm c, khoản 4, Điều 14, đề nghị rà soát lại các trường hợp cụ thể chứ không nên quy định phổ cập tất cả các nội dung liên quan. Tại khoản 1, Điều 15 của chính sách tiền lương thu nhập, đề nghị xem xét lại để bảo đảm đúng theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Đối với cơ chế đặc thù tỉnh Nghệ An có một số chính sách chưa khả thi. Đại biểu cho rằng, liên quan đến khoản 3, 4, Điều 3 về bổ sung thêm nguồn lực cho tỉnh cần xem lại. Nếu đưa vào, xem xét nên đưa vào một trong hai khoản này, tránh mất cân bằng giữa các tỉnh, nhất là những tỉnh còn khó khăn. Đối với bổ sung thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương tại khoản 4, Điều 3 cần giao lại cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xây dựng nguyên tắc tiêu chí định mức sẽ xem xét thêm xem khả năng cân đối về tính hợp lý của việc hỗ trợ. Đồng thời, cần cân nhắc thêm các dự án thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT) tại điểm b, khoản 5, Điều 4. Ngoài ra, xem lại hiệu lực thi hành của nghị quyết đến thời điểm nào, nên áp dụng kết thúc cùng với nghị quyết cơ chế đặc thù hiện nay của tỉnh Nghệ An để bảo đảm khi đánh giá tổng kết sẽ có hiệu lực.
Liên quan đến quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022, thời gian triển khai thực hiện quyết toán còn chậm. Nguyên nhân là các bộ, ngành, địa phương tổng hợp báo cáo quyết toán rất chậm. Đề nghị xem xét lại nguyên nhân của vấn đề này và nên điều chỉnh lại quy định về trình tự thủ tục quyết toán ngân sách Nhà nước. Qua rà soát vừa qua, thông tin số liệu báo cáo ngân sách bổ sung và quyết toán ngân sách chênh lệch rất lớn, đề nghị cần có chấn chỉnh nội dung này. Đối với nội dung liên quan đến số chuyển nguồn trong báo cáo chưa được nêu cụ thể, do vậy sẽ gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Đề nghị làm rõ thêm vấn đề này. Hiện nay, có một số khoản chi xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép quyết toán chi của 12 địa phương, đề nghị phải chấn chỉnh lại để các bộ, ngành, địa phương sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước cần làm sớm để tránh trường hợp kéo dài thời gian xem xét việc quyết toán quá chậm.
Bùi Hiển
(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)