Trên cơ sở thông qua Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri, tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh thống nhất lựa chọn 2 nhóm nội dung tái chất vấn và chất vấn liên quan đến những vấn đề được dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân quan tâm. Báo Hòa Bình xin trích đăng một số ý kiến quan trọng trong phiên chất vấn tại kỳ họp.

Huy động sự phối hợp, vào cuộc của các cấp, ngành để đảm bảo an ninh, an toàn cho Nhân dân



Đại biểu Nguyễn Ngọc Thuỷ, Tổ đại biểu huyện Kim Bôi hỏi: Theo báo cáo của UBND tỉnh về phòng, chống tội phạm, báo cáo năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tội phạm liên quan đến việc sử dụng công nghệ cao và mạng viễn thông tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình hình cháy trên địa bàn cả nước và tỉnh Hoà Bình nói riêng diễn biến khá phức tạp, đã có những vụ cháy xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đề nghị Giám đốc Công an tỉnh cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp trong thời gian tới?




Đại tá Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh trả lời: Lừa đảo trên không gian mạng là vấn đề quan tâm trên cả nước. Chủ yếu là lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng. Nguyên nhân của thực trạng này là công tác quản lý tài khoản ngân hàng, sim, số điện thoại còn lỏng lẻo. Người dân ứng xử trên không gian mạng còn chủ quan, thiếu hiểu biết. Để phòng ngừa, Công an tỉnh đã chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân để cảnh báo thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên, bản thân người dân cần chủ động phòng, tránh là hiệu quả nhất. 

Đối với tình hình cháy, theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu là chập điện. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng này có cả chủ quan và khách quan. Nếu thực hiện theo quy định sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh doanh của người dân. Bên cạnh lực lượng Công an, phòng cháy chữa cháy là chủ công, mong muốn các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, trong đó quan tâm hướng dẫn người dân sử dụng điện sau công tơ để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng.

Đảm bảo quyền được học của học sinh, đem lại niềm tin cho gia đình và xã hội

Đại biểu Nguyễn Ngọc Thủy, Tổ đại biểu huyện Kim Bôi hỏi: Trong những năm gần đây, tình trạng học sinh lớp 9 thi tuyển vào THPT trên địa bàn tỉnh trượt rất nhiều (đặc biệt là kỳ tuyển sinh vào 10 năm học 2024 - 2025 vừa rồi). Điểm đầu vào của các trường khá cao. Có ý kiến cho rằng sở dĩ có tình trạng như vậy là việc giao chỉ tiêu cho các trường; cơ sở vật chất, giáo viên không đủ; đảm bảo việc phân luồng học sinh học nghề. Nhưng với độ 14 - 15 tuổi, các em đã chuẩn bị tâm lý hay chưa? Hay chưa xa khỏi vòng tay cha, mẹ? Sở Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này, đảm bảo quyền được học của các em, đem lại niềm tin cho gia đình và xã hội? 



Đồng chí Nguyễn Quang Minh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời: Hiện nay, ngành GD&ĐT đang thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg, ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025”. Mục tiêu của Đề án có xác định: phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Theo Kế hoạch số 137, ngày 24/7/2019 của UBND tỉnh thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các trường của địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Thực hiện theo Quyết định, Kế hoạch, trong năm học 2023 – 2024, qua rà soát, cấp THPT có 760 phòng sử dụng làm lớp học và các phòng học bộ môn, trong đó có 757 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 96,6%; đội ngũ giáo viên là 1.344 giáo viên, đang giảng dạy tại các trường THPT (không tính trường chuyên biệt). Việc thực hiện công tác giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường cấp THPT trên địa bàn tỉnh, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất của các trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện có của nhà trường, số học sinh lớp 9 của vùng tuyển sinh và chỉ tiêu tại Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 137 của UBND tỉnh để giao chỉ tiêu. 
Trong năm học 2023 – 2024, toàn tỉnh có 13.927 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS, ngành GD&ĐT thực hiện tuyển 9.895 chỉ tiêu học sinh vào THPT năm học 2024 – 2025. 
Thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường THPT trên toàn tỉnh thực hiện tuyển từ 43 – 45 học sinh/lớp. Tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức tuyển sinh vào học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện, thành phố. Tạo điều kiện thuận lợi để những cơ sở giáo dục ngoài công lập tuyển sinh THPT. Chỉ đạo các đơn vị tư vấn cho học sinh tham gia học nghề, học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề. 
Công tác phân luồng học sinh sau THCS là một nhiệm vụ quan trọng của ngành GD&ĐT, góp phần định hướng cho học sinh phát triển toàn diện, căn cứ nhu cầu nhân lực của xã hội. Bởi vậy, cần có sự chung tay của toàn xã hội. 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý nợ đọng thuế



Đại biểu Phạm Thanh Bình, Tổ đại biểu huyện Kim Bôi: Theo Báo cáo số 228/BC-UBND ngày 14/6/2024 của UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh, thì số thu nội địa thuế, phí (không tính tiền sử dụng đất) giảm 5,14% so với cùng kỳ 2023. Tổng số tiền thuế nợ đến hết tháng 5/2024 bằng 70% dự toán thu NSNN năm 2024, tăng 1,43 lần so với cuối năm 2023… Đề nghị đồng chí làm rõ nguyên nhân về số thu thuế, phí nội địa giảm sâu so với cùng kỳ năm 2023; nhưng số nợ thuế tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024. Giải pháp của ngành thuế trong việc quản lý thuế, khai thác nguồn thu từ thuế, phí; hạn chế việc bỏ sót nguồn thu, chống thất thu thuế, phí; đồng thời ngành thuế đã có những giải pháp gì để hạn chế nợ thuế trong thời gian tới, biện pháp đẩy nhanh thu số thuế nợ có khả năng thu?



Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Giám đốc Sở Tài chính: Thực tế số thuế, phí không giảm so với cùng kỳ năm 2023. Do quá trình tổng hợp số liệu, báo cáo từng thời điểm khác nhau nên dẫn đến số liệu trích dẫn có khác nhau, không đảm bảo tính chính xác. Về số lượng thuế tăng so với cùng kỳ, tập trung vào nhóm nợ chủ yếu vào các nhóm nợ từ quỹ đất, nhà ở thương mại. Trong đó riêng dự án Dầu khí số nợ lớn.  
Về giải pháp thu hồi nợ, trong thời gian qua, BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo có giải pháp đồng bộ để hạn chế tối đa nợ thuế. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ngành vào cuộc để thực hiện tốt việc xử lí nợ thuế. Qua đó, có giảm dần số lượng thuế. Theo số liệu tính toán, trong tổng số nợ thuế thì có 2.400 tỷ là nợ từ các dự án nhà ở thương mai, còn lại là từ các nhóm thuế phí khác.
Đối với ngành thuế trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp cụ thể để xử lý triệt để việc nợ thuế. Đặc biệt tới đây, ngành tài chính sẽ tiếp tục cùng với các địa phương, các ngành thực hiện có hiệu quả hơn nữa các giải pháp để cố gắng giảm nợ thuế theo như chỉ đạo chung của Trung ương, của tỉnh.
Cùng với đó, để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02, ngày 31/5/2021 về tạo nguồn thu và tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 -2025. Ngày 25/6 vừa qua, BTV Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 1026 sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02. Trong đó có 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tập trung xử lý nợ thuế... Tới đây, ngành tài chính sẽ tổ chức các đoàn công tác để cùng với các địa phương đặc biệt là UBND các huyện, BCĐ thu ngân sách các huyện sẽ vào cuộc quyết liệt hơn nữa để từ đó vừa hỗ trợ người nộp thuế sản xuất kinh doanh, vừa phân loại được nhóm nợ. Qua đó sẽ giảm dần số nợ trong thời gian tới…

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, góp phần hoàn thành các dự án đáp ứng mong mỏi của cử tri



Đại biểu Quách Thanh Hải, Tổ đại biểu thành phố Hoà Bình hỏi: Tại các Kỳ họp thứ 8, 12, HĐND tỉnh khóa XVII, các đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn 2 nội dung về tiến độ xây dựng và hoàn thành Dự án đường Hoàng Văn Thụ đảm bảo hoàn thành trong năm 2022 và công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đối với Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Bắc Việt nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và yêu cầu công ty đầu tư hoàn thành dự án theo các quyết định trước ngày 30/6/2023. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa được giải quyết triệt để, đảm bảo hoàn thành theo tiến độ. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đưa ra mốc thời gian hoàn thành dự án, chỉ rõ những nguyên nhân chậm và biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan?

Đồng chí Bùi Quang Toàn, Giám đốc Sở TN&MT trả lời: Về xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Hòa Bình gặp khó khăn, vướng mắc nhiều năm. HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát trên địa bàn thành phố.  Năm 2020, khi phát hiện vi phạm gây ô nhiễm môi trường đã đình chỉ Công ty dừng hoạt động, khắc phục. Tạm thời rác thải tập kết tại xóm Cang, xã Độc Lập, chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật gây ô nhiễm. Hiện nay, thực hiện vận chuyển rác về Nhà máy xử lý rác thải rắn ở huyện Lạc Thủy. Đối với việc thực hiện dự án của Công ty Bắc Việt, đề nghị các ngành chức năng đánh giá năng lực, nếu không đảm bảo sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay, tỉnh đã có quy hoạch các khu xử lý chất thải, xây dựng giá dịch vụ rác thải. Tỉnh có 3 dự án ngoài ngân sách trên địa bàn huyện Lương Sơn, Đồng Tâm(Lạc Thủy), Trung Minh, Kỳ Sơn(thành phố Hòa Bình). Để xử lý, ngành TN&MT phối hợp với các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý đối với các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. 

Về tiến độ xây dựng và hoàn thành Dự án đường Hoàng Văn Thụ chậm, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đường Hoàng Văn Thụ còn 300m vướng mắc. Nguyên nhân đang xác định nguồn gốc sử dụng đất của các hộ gia đình trên địa bàn phường Hữu Nghị để có phương án bồi thường, hỗ trợ. Ngành sẽ tiếp tục phối hợp với thành phố, các cấp, ngành tập trung giải quyết vướng mắc, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nỗ lực hoàn thành tuyến đường, đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân. 

Đồng bộ giải pháp tăng thu ngân sách và thực hiện tái định cư Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng trong mức vốn được giao



Đại biểu Quách Đình Minh, Tổ đại biểu huyện Lương Sơn hỏi: 6 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.366 tỷ đồng, bằng 83% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 58% so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao, bằng 178% so với thực hiện cùng kỳ năm 2023. Song, cử tri băn khoăn, lo ngại khi tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) thấp, chỉ đạt 1,81%. Trong khi thu ngân sách đóng vai trò rất quan trọng trong tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng số đọng thuế đối với Nhà nước lên đến 3.128 tỷ đồng. Đề nghị có những chỉ đạo, biện pháp, giải pháp nào để khắc phục, giải quyết các hạn chế, tồn tại nêu trên trong 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tiếp theo?



Đại biểu Nguyễn Văn Gia, Tổ đại biểu huyện Lạc Sơn hỏi: Qua tiếp xúc cử tri tại huyện Lạc Sơn, cử tri xã Bình Hẻm phản ánh việc đền bù, giải phóng mặt bằng dự án hồ chứa nước Cánh Tạng không thu hồi hết diện tích, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Đồng thời, cử tri đề nghị thu hồi hết diện tích đất ở của các hộ được phê duyệt phải di chuyển nhà ở lên Khu tái định cư (một số hộ bị nước ngập một phần và các hộ không ngập bị cô lập) gồm 80 hộ. 



Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình trong nước, quốc tế diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến KT-XH tỉnh, hoạt động doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó khăn. Tình trạng nợ đọng thuế. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chủ động triển khai các giải pháp bù thu ngân sách. Vì vậy, thu ngân sách 6 tháng đạt được kết quả tích cực. Thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Tài Chính thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác thu ngân sách. Quyết liệt chỉ đạo công tác thu hồi nợ thuế. Trường hợp đơn vị, doanh nghiệp nợ thuế không thực hiện sẽ thu hổi 1 phần diện tích đất tương ứng với số tiền sử dụng đất phải nộp. Chỉ đạo cơ quan Công an phối hợp với ngành Thuế điều tra, xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm. Các sở, ngành, huyện, thành phố tăng cường phối hợp với ngành Thuế trong đôn đốc, xử lý nợ thuế; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất – kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. 
Đối với việc thu hồi hết diện tích đất ở Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng theo ý kiến cử tri là không đảm bảo quy định, do phạm vi quy mô thực hiện dự án tính đến cao trình mực nước dâng bình thường khoảng 898,8ha; tổng kinh phí thực hiện chi trả bổi thường giải phóng mặt bằng 924,25 tỷ đồng. Như vậy, nếu bồi thường cả phần diện tích còn lại sẽ vượt quá tổng kinh phí được cấp để chi trả đền bù giải phóng mặt bằng. Mặt khác, cao trình ngập lòng hồ đối với các điểm dân cư không nằm trong chỉ giới đường biên thu hồi đất. Do đó, không có cơ sở để thu hổi theo quy định. Thời gian tới, UBND tỉnh giao cho UBND huyện Lạc Sơn chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát toàn bộ hệ thống đường giao thông khu vực dự án để có kế hoạch lồng ghép với nguồn vốn khác đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống đường phục vụ nhân dân đi lại vào các khu sản xuất. 

Hương Lan – Hồng Duyên – Linh Nhật (TH)


Các tin khác


Thông cáo báo chí số 27, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ Tư, ngày 26/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 25 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Đoàn Giám đốc Văn phòng Lãnh đạo Quốc tế của Quốc hội Hoa Kỳ làm việc với HĐND tỉnh

Ngày 26/6, đoàn công tác Văn phòng Lãnh đạo Quốc tế (COIL) của Quốc hội Hoa Kỳ do TS Jane Sargus, Giám đốc Văn phòng Lãnh đạo Quốc tế của Quốc hội Hoa Kỳ làm trưởng đoàn đã làm việc với HĐND tỉnh, tìm hiểu về hệ thống chính trị tại địa phương. Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì đón tiếp đoàn.

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng

Ngày 26/6, Ban Tổ chức T.Ư phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến "Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2024”. Đồng chí Phan Thăng An, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI

Sáng 26/6, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội thảo. Tham dự có các đồng chí nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội; Chủ tịch Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố.

Huyện Mai Châu quan tâm giữ gìn cảnh quan, bản sắc văn hóa, xây dựng các sản phẩm du lịch

Ngày 26/6, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã dự và chỉ đạo Hội nghị BCH Đảng bộ huyện Mai Châu lần thứ 18, khóa XXVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đánh giá kết quả nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Cải cách tiền lương cần đi đôi với các giải pháp kiềm chế lạm phát

Chiều 25/6, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 và phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14, ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục